Lời tâm sự xót xa của những người vô gia cư ở Hà Nội giữa trời rét 11 độ
Khi màn đêm buông xuống, trên những góc phố ở Hà Nội, những người vô gia cư lại tìm đến những vỉa hè để ngả lưng sau một ngày làm việc.
Người vô gia cư đợi cứu trợ dưới trời lạnh
Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 29/1 đến nay, các tỉnh Bắc Bộ thường xuyên trong tình trạng rét đậm, rét hại kéo dài kèm theo mưa nhỏ, mưa phùn.
Theo dự báo, mưa nhỏ, mưa phùn ở các tỉnh miền Bắc sẽ còn duy trì hết tháng 2 đến khoảng đầu tháng 3.
Ngày 13/2, vùng đồng bằng Bắc Bộ có nơi rét đậm, vùng núi và trung du có rét đậm, có nơi rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11 – 14 độ C, vùng núi 8 – 11 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 6 độ C và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết.
Thời tiết rét buốt cộng mưa phùn kéo dài khiến nhiều người cảm thấy rét buốt khó chịu khi ra đường. Đối với những người vô gia cư, khổ lại càng thêm khổ. Những người vô gia cư không có công việc cố định, họ làm đủ nghề như lau dọn nhà cửa, nhặt ve chai, cửu vạn, ăn xin… Phải chăng, do đêm nay Hà Nội lạnh, họ không thể làm việc đến khuya.
23h đêm trên phố Tràng Thi, Phủ Doãn, những người vô gia cư bắt đầu kéo chăn, nệm, ngủ trên vỉa hè. Trong số họ, một số người không có chăn, gối, họ đành chỉ mặc áo mưa, ngồi dúm dó một góc để tránh rét.
Đang ngồi co cụm để ăn bữa tối trên phố Tràng Thi, bà Phạm Thà (67 tuổi, quê ở Thái Bình) cho biết, bà ra Hà Nội làm việc đã mấy chục năm nay rồi, do hằng ngày chỉ đi bộ, nhặt ve chai quanh thành phố nên chỉ đủ ăn, không có tiền thuê nhà nên mỗi tối đều phải ngủ ở vỉa hè để nghỉ ngơi.
“Tối nào tôi cũng phải ngủ ở vỉa hè, trời rét như này mà chẳng có chăn, gối nên mặc tạm áo mưa tránh rét. Mấy hôm nay trời lạnh cũng chẳng nhặt được gì, ngồi đây đợi người ta đi qua giúp đỡ thôi”, bà Thà tâm sự.
Nói về người thân, bà Thà rơi lệ, bà kể hiện tại bà chỉ còn 2 cháu nhỏ, một cháu nội và một cháu ngoại. Bố cháu mất, mẹ các cháu phải đi cải tạo nên bà cháu phải sống dựa vào nhau. “Nó đang học ở bên Ngọc Hà (Bà Đình, Hà Nội) nên ở luôn trường. Tôi nhặt ve chai cũng chẳng đủ nuôi đâu, may ra có người giúp đỡ nên đủ sống qua ngày thôi”, bà Thà nói.
Ngồi co rúm cách bà Thà khoảng 10 mét là anh Nguyễn Thành Long (40 tuổi, quê ở Hải Phòng) cho biết, mấy tháng nay bản thân đều phải ngủ ngoài đường do không đủ tiền thuê nhà.
Hằng ngày, anh Long đi khắp các con phố để đánh giày cho khách, tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, người dân ít ra đường nên anh không có việc làm.
“Không có tiền thuê nhà, Tết vừa rồi cũng chẳng về quê được, ở đây ăn Tết một mình buồn tủi và nhớ nhà lắm. Nhiều lúc không có việc muốn đi ăn xin nhưng nhìn mình có sức khoẻ thế này chẳng ai cho. Tối đến, tôi đành phải ngồi đây đợi người đến giúp đỡ thôi”, anh Long tâm sự.
“Mấy hôm nay vất vả quá, mưa rét thế này không có gì để nhặt cả”
May mắn hơn bà Thà, anh Long, bà Phạm Thị Tuyến (59 tuổi, quê ở Lý Nhân, Hà Nam) vẫn có chăn, chiếu để nằm ngủ. Bà Tuyến cho biết, do mâu thuẫn với người nhà ở quê nên bà bỏ lên Hà Nội.
“Tôi về quê từ ngày 29 Tết nhưng buồn lắm. Về nhà xảy ra nhiều chuyện, anh em mâu thuẫn nên phải bỏ lên Hà Nội. Lên đây, không có tiền thuê nhà nên đành ngủ ngoài đường thôi”, bà Tuyến nói.
Bà Tuyến cho biết, bà đã ly hôn chồng 25 năm, dù có một người con gái nhưng con đã lấy chồng xa nên không thể có điều kiện chăm sóc mẹ.
“Một mình tôi nhiều năm nay làm việc vặt ở bệnh viện, bản thân cũng bị đột quỵ hơn 10 năm nhiều lúc nằm vật một chỗ cũng chẳng ai biết nhưng cũng phải chịu. Nhiều người thấy hoàn cảnh của mình họ thương, họ hay mang quà, mang cơm cho”, bà Tuyến kể.
Cách Tràng Thi không xa, ở một góc phố trên đường Hai Bà Trưng, hàng chục người dưới cơn mưa đêm, vẫn chưa ngủ, họ mặc áo mưa, ngồi co rúm vì lạnh. Tất cả đều làm nghề nhặt ve chai nhưng thời tiết cứ mưa rét thế này, họ chẳng nhặt được gì cả.
“Cứ như thế này thì đói lắm”, một người phụ nữ trong nhóm lên tiếng.
Trong khoảng 10 người đang phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, khổ nhất là bà Cao (82 tuổi). Hàng ngày, bà phải đạp xe đạp, chở 2 chiếc thùng xốp đi quanh phố phường để nhặt phế liệu. Đêm đến, bà lại tìm một góc vỉa hè để ngả lưng.
“Mình cứ đạp xe đi, ai vứt đi cái gì thì nhặt rồi mang đi bán kiếm lấy mấy chục nghìn sống qua ngày. Mấy hôm nay mưa rét vất vả quá, mưa như thế này không có gì để nhặt cả”, bà Cao nói.
Dù tuổi đã cao, phải sống một mình nhưng bà Cao nhất định không vào viện dưỡng lão. “Tôi sẽ nhặt phế liệu đến hết đời, vất vả thì chịu vậy chứ vào viện dưỡng lão làm gì, tuổi của tôi có ăn hết bao nhiêu đâu”, bà Cao nói thêm.
Ngoài kia, ở một góc phố nào đó, dưới cơn mưa đêm, vẫn còn nhiều người vô gia cư giống như hoàn cảnh của bà Cao, anh Long, bà Thà. Hầu hết, họ ít còn khả năng lao động, không còn người thân và đang cố gắng dùng chút sức lực cuối cùng của đời kiếm miếng cơm qua ngày./.