Mẹ đem con mới sinh đi cho mong đổi đời, 20 năm sau con gái phản ứng không ngờ

Làm mẹ đơn thân khi còn quá trẻ, chị Kim không suy nghĩ được thấu đáo nên đã quyết định cho con đi làm con nuôi ở Đức, mong bé sẽ có tương lai xán lạn.

Mẹ đem cho con gái 1 tháng tuổi, mong con đổi đời

Khi vừa vào tuổi mười tám đôi mươi, bụng bầu vượt mặt thì chị Võ Thị Mỹ Kim (hiện đang sống ở quận 8, TP.HCM) chia tay với chồng vì không có được hạnh phúc.

Ngày 5/8/1999, chị sinh một bé gái tại bệnh viện Từ Dũ, đặt tên con là Mỹ Dung. Làm mẹ đơn thân khi tuổi đời còn quá trẻ, gia cảnh lại vô cùng nghèo khó, ba mất sớm, nhà đông anh em, chị Kim chật vật nuôi con nhỏ. Thấy hoàn cảnh của chị như vậy, một người quen đưa ra lời khuyên: “Thôi em cho con ra nước ngoài để sau này bé có tương lai, chứ ở với em thì con sẽ khổ“.

Suy nghĩ kỹ càng lời khuyên đó, kèm với việc nhận được lời hứa nếu cho con đi, đến năm 18 tuổi bé sẽ được đưa về gặp mẹ ruột nên chị Kim đồng ý. Trong thâm tâm của người mẹ nghèo lúc đó chỉ hy vọng một điều, con đi để có tương lai xán lạn.

Chị Kim mong mỏi tìm lại cô con gái đã bị mất liên lạc nhiều năm.

Một người trung gian đã giúp chị Kim gặp gỡ cặp vợ chồng người Đức muốn nhận nuôi Mỹ Dung. Ông bà là người hiền lành, tốt bụng. Người trung gian cũng giúp đỡ chị Kim làm toàn bộ các thủ tục, giấy tờ cần thiết. 40 ngày sau, Dung chính thức bay về Đức cùng bố mẹ nuôi. Cuộc đời của cô bé bước sang một trang hoàn toàn mới, đủ đầy hơn, tươi đẹp hơn nhưng không có bố mẹ ruột song hành.

Ngày con đi, chị Kim nhận được một tấm thiệp của cặp vợ chồng Đức với lời nhắn nhủ họ rất yêu Dung và sẽ làm mọi cách để bé được hạnh phúc. Đồng thời, họ gửi tặng chị Kim một giỏ quà và 100 USD.

Sau khi cho con được vài tháng thì chị Kim tái hợp với chồng cũ, sinh thêm 2 bé trai vào năm 2000 và năm 2003. Nhưng rồi quá khứ lại lặp lại, đến năm 2008, chị Kim và chồng chính thức ly dị. Từ đó đến nay, chị một mình nuôi 2 con ăn học.

Bé Dung được mẹ đem cho khi mới gần 3 tháng tuổi.

Trở lại câu chuyện về Dung, những năm sau đó, chị Kim vẫn đều đặn nhận được thư từ ở bên Đức gửi về và rất nhiều ảnh của Dung. Bố mẹ nuôi đối xử với Dung rất tốt, tạo mọi điều kiện để cô bé được học hành tới nơi, tới chốn. Nhìn con mỗi năm mỗi lớn, người làm mẹ như chị Kim hạnh phúc khôn tả. Cứ có ảnh của Dung gửi về là chị lại chạy đi khoe khắp xóm. Chị cũng luôn thầm cảm ơn bố mẹ nuôi của Dung vì đã cho con chị một cuộc sống tốt đẹp như vậy.

Năm 2009, chị Kim còn nhận được một lá thư của Dung với những dòng chữ nắn nót bằng tiếng Đức. Bố mẹ nuôi của Dung cẩn thận nhờ người dịch sẵn bức thư sang tiếng Việt để chị có thể đọc được. Trong thư, Dung kể với mẹ về cuộc sống ở Đức, cô bé nói mình rất yêu gia đình ở Đức.

Những hình ảnh của Dung được bố mẹ nuôi đều đặn gửi về Việt Nam.
Dung còn có một chị gái nuôi cũng là người Việt Nam.

Lần đầu nhận thư con, chị Kim mừng mừng tủi tủi, không niềm vui nào diễn tả được. Tuy nhiên thời gian sau, một người làm dịch vụ liên lạc có tìm chị Kim và cho biết, cặp vợ chồng người Đức có nhờ họ hỏi chị về vấn đề địa chỉ liên lạc. Bởi họ gửi thư đi nhưng bị trả về. Thực tế thời điểm này, gia đình chị Kim đã bán nhà song chị vẫn nhờ người ở nhà đó nếu có thư thì giữ giúp.

Dần dần, vấn đề thư từ giữa hai bên cũng mai một. Và đến năm 2014, chị Kim mất liên lạc, không nhận thêm được bức thư nào, gửi thư đi cũng không có hồi âm.

Đau khổ vì nghĩ con gái giận, không muốn gặp mẹ

Vài năm tiếp theo, tôi không còn cách nào khác để tìm con. Lúc này tôi cũng bắt đầu dùng Facebook nên cố gắng tìm con thì bất ngờ tìm thấy tài khoản của Dung. Tôi nhờ Google dịch để nhắn tin cho con nhưng vì dịch sai nên Dung có vẻ giận. Sau đó, tôi nhờ tiếp một người quen nói chuyện với Dung thì bé có nhắn lại là: “Con sẵn sàng tha thứ cho mẹ tất cả”. Nhưng rồi bé không nói gì thêm, tôi xin gặp mặt bé không đồng ý và chặn Facebook luôn.

Bức thư đầu tiên và duy nhất Dung gửi cho mẹ.

Không bỏ cuộc, tôi lập một Facebook khác và liên hệ với một người bạn của Dung ở Đức để nhờ bạn nói chuyện giúp. Thế nhưng khi biết chuyện, Dung nhắn bạn là đừng nói chuyện với tôi nữa. Bé có nói: “Nếu mẹ thương con thì tại sao mấy năm nay lại không liên lạc mà bây giờ mới tìm?”. Rồi từ đó tôi không liên lạc được với Dung nữa. Tôi nghĩ là con đã hiểu lầm nên giận tôi“, chị Kim kể thêm.

Tình cờ biết được một kênh Youtube chuyên kết nối những trường hợp thất lạc để tìm kiếm, chị Kim chia sẻ câu chuyện của mình, hy vọng sẽ liên lạc được với con gái. Chị mong kiều bào người Việt tại Đức sẽ giúp đỡ để chị biết được lý do vì sao mấy năm nay lại mất liên lạc với gia đình của con gái.

Chị Kim khẳng định mình không tìm con vì tiền hay muốn con bảo lãnh sang Đức. Là một người mẹ, chị chỉ đơn giản là muốn biết thông tin về con. Khi câu chuyện của chị Kim được chia sẻ, đông đảo kiều bào Việt Nam tại Đức đã nhiệt tình giúp đỡ. Kết quả là chị sau 1 tuần, chị đã liên hệ được với gia đình của con gái.

Dung ngoan và học hành giỏi giang.
Dung cho biết cô đang cần tập trung học tập và sẽ sớm liên hệ lại với mẹ ruột.

Thông qua một chị Việt kiều, tôi đã biết được nguyên nhân. Ông bà bên Đức nói là vì địa chỉ của tôi không rõ ràng nên họ không gửi thư được nữa chứ không phải họ cắt liên lạc. Tôi cũng rất bất ngờ khi biết rằng Dung không giận tôi. Con bé vừa đậu đại học và đang tiếp tục học thêm, Dung muốn tập trung cho việc học, không muốn nói chuyện nhiều vào lúc này sợ sẽ bị chi phối.

Khi nào việc học tập xong xuôi thì cháu sẽ liên lạc lại. Tôi mừng rỡ lắm, tôi cười suốt cả ngày nay. Tôi rất vui và rất cảm ơn ông bà người Đức đã nuôi con tôi thành người giỏi giang, ngoan ngoãn. Nếu gia đình bên Đức muốn về Việt Nam thì tôi rất vui. Còn nếu không thì cũng không sao, chỉ cần giữ liên lạc, thỉnh thoảng nói chuyện qua camera là được rồi“, chị Kim mãn nguyện nói.

Kết nối lại được với con gái sau bao năm, chị Kim trầm ngâm bộc bạch, năm ấy chị còn quá trẻ nên không suy nghĩ thấu đáo, không có nhiều kinh nghiệm sống. Nếu đổi lại là bây giờ, dù có đói khổ thế nào, chị nhất định sẽ không đem giọt máu của mình cho đi.

Nguồn: Guufood