Mở quan tài vua Ai Cập, cả đội khảo cổ đều lần lượt qua đời kỳ lạ: Tưởng dính "lời nguyền chết chóc" nhưng sự thật mãi về sau mới hé lộ
Nền văn hóa Ai Cập cổ đại với những công trình kim tự tháp và xác ướp ngàn năm luôn ẩn chứa những bí ẩn kỳ lạ mà hậu thế chưa thể giải mã hết. Suốt thời gian dài, rất nhiều người đã phải kinh hãi trước “lời nguyền xác ướp” vô cùng đáng sợ từ một vụ khai quật xác ướp Pharaoh Tutankhamun vào đầu năm 1923.
Cuộc khai quật lăng mộ kỳ công
Tutankhamun, hay được gọi là Vua Tut là vị Pharaoh trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Ông chào đời vào khoảng năm 1341 trước công nguyên và lên ngôi khi mới 9 tuổi. Triều đại của ông được đánh giá là thời kỳ hoàng kim, phát triển rực rỡ bậc nhất trong mọi vương triều Pharaoh. Đến năm 1323 TCN, khi mới 18 tuổi, vị Pharaoh này qua đời, để lại nhiều tiếc nuối cho thần dân.
Năm 1891, nhà khảo cổ học nổi tiếng người Anh Howard Carter lặn lội tới Ai Cập để tìm lăng mộ của Tutankhamun. Cuộc tìm kiếm này được tài trợ bởi một vị quý tộc giàu có – Bá tước Carnarvon. Phải tốn gần 30 năm, Carter mới thành công.
Vào ngày 4/11/1922, lăng mộ đề tên Vua Tutankhamun được tìm thấy. Bước vào trong, cả đoàn chuyên gia đều choáng ngợp bởi những báu vật, vàng bạc châu báu cổ đại. Đặc biệt, chiếc quách đá chứa quan tài bằng vàng khối đựng xác ướp Vua Tut được làm vô cùng tinh xảo và xa hoa. Tuy nhiên, phía trên quan tài có một tấm bia đất sét với dòng chữ: “Dù là ai, nếu đã làm phiền đến giấc ngủ của Vua Tutankhamun thì đều phải chết”.
Sự kiện mở quan tài Vua Tut được diễn ra rất long trọng và do Bá tước Carnarvon cùng nhà khoa học Howard Carter chủ trì
Thực chất, đây không phải là lăng mộ duy nhất có khắc lời nguyền đáng sợ như vậy. Nhưng với hầu hết các nhà khoa học hiện đại, đây chỉ đơn giản là cách để người xưa “dọa” hậu thế, bảo vệ lăng mộ mà thôi. Thế nên đoàn khảo cổ của Carter đã quyết tâm mở quan tài ra và khai quật được một trong những xác ướp Vua Ai Cập cổ đại quan trọng nhất lịch sử.
Xác ướp Vua Tut được bảo quản khá hoàn hảo sau hàng ngàn năm
Lời nguyền chết chóc ghê rợn cho “những kẻ phạm thượng”?
Ngày 4/5/1923, chỉ vài tháng sau khi đạt được thành tựu khảo cổ ấn tượng, Bá tước Carnarvon – người tài trợ cho dự án bất ngờ qua đời, hưởng dương 57 tuổi. Kết quả giám định cho thấy ông tử vong do ngộ độc máu, mà nguyên do chỉ là từ việc nhiễm trùng vết thương do… muỗi đốt.
Một thời gian không lâu sau, cha của Bá tước Carnarvon cũng qua đời. Sau khi ông mất, nhiều người giúp việc đã xác nhận rằng trong vài tháng qua, ông đã đặt một chiếc bình quý tìm thấy ở mộ Tutankhamun trong phòng ngủ như vật trưng bày.
Archibald Douglas-Reid, một người có nhiệm vụ chụp X-quang xác ướp Tutankhamun bị ốm ngay sau khi bắt tay vào công việc không lâu, mất ngày 15/1/1924 vì căn bệnh bí ẩn.
Ly kỳ hơn cả là cái chết của Hugh Evelyn-White, người chuyên nghiên cứu về lịch sử Ai Cập đồng thời là một trong số 26 người đầu tiên có mặt tại lăng mộ Tutankhamun. Ông treo cổ tự tử năm 1924 và để lại một ghi chú viết bằng máu với nội dung: “Tôi chịu thua lời nguyền buộc tôi biến mất mãi mãi”.
Không ít người trong đoàn khảo cổ qua đời vì bệnh lạ thời gian ngắn sau cuộc khai quật
Lời đồn đại về “lời nguyền xác ướp” bắt đầu được thổi bùng lên. Vào thời bấy giờ, rất nhiều người đều tin chắc rằng vì đoàn khảo cổ đã dám “phạm thượng” đến thi thể vị vua đang yên giấc ngàn năm nên phải trả giá cho tội lỗi của mình.
Những sự ra đi kỳ lạ vẫn chưa hết. Vài năm sau đó, rất nhiều người có liên quan đến xác ướp Vua Tut đều qua đời. Trong số này bao gồm người trông coi, vận chuyển xác ướp, người giữ các báu vật trong lăng hay thậm chí chỉ đơn giản là người đến thăm quan tài trong phòng nghiên cứu. Thế nhưng có một điều kỳ lạ là Howard Carter không gặp vận xui gì và qua đời vì tuổi già năm 1939, trong khi lẽ ra nếu lời nguyền tâm linh là có thật, Carter rõ ràng phải là người bị “trừng phạt” đầu tiên.
Lời giải thích bất ngờ
Năm 2018, giáo sư DeWolfe Miller, giảng viên khoa dịch tễ học tại Đại học Hawaii (Mỹ) đã công bố nghiên cứu của mình về “lời nguyền chết chóc” kéo dài suốt cả thế kỷ. Tuyên bố của ông nhận được rất nhiều sự đồng tình từ giới khoa học lẫn khảo cổ vì trước đó cũng đã có không ít người đưa ra giải thích tương tự.
“Bên trong các lăng mộ ngàn năm mới được mở ra chắc chắn không chỉ có các xác ướp mà còn nhiều thứ khác như thịt, thực vật hay thậm chí động vật được chôn theo người chết. Môi trường vệ sinh bên trong đó chắc chắn không hề sạch sẽ và việc tồn tại những vi khuẩn, mầm bệnh cực độc là không có gì ngạc nhiên”, ông Miller cho biết.
Khu vực trưng bày xác ướp Vua Tut hiện nay
Cụ thể, nghiên cứu cho thấy xác ướp cổ đại có 2 loại nấm mốc cực độc là Aspergillus Niger và Aspergillus Flavus. Chúng có thể gây phản ứng dị ứng như tắc nghẽn hoặc chảy máu trong phổi, đặc biệt có hại với những người có hệ miễn dịch yếu. Một số bức tường trong lăng mộ còn có các vi khuẩn tấn công đường hô hấp như Pseudomonas hay Staphylococcus. Thêm vào đó, trong quan tài kín có cả khí amoniac, chất hữu cơ formaldehyde và khí hydro sulfua. Ở nồng độ mạnh, chúng có thể gây bỏng mắt, mũi, tạo các triệu chứng của viêm phổi. Trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong.
Vào 100 năm trước, các nhà khảo cổ chưa được trang bị thiết bị hiện đại và có nhiều kiến thức như bây giờ. Thế nên họ đã không đeo khẩu trang, đồ bảo hộ cần thiết khi vào khai quật lăng mộ và nghiên cứu xác ướp. Sau đó, những người này bị nhiễm trùng và qua đời với những căn bệnh liên quan. Còn một vài trường hợp tự vẫn hay chết vì nguyên do khác đơn giản là sự trùng hợp. Sau tất cả, sự thật về “lời nguyền xác ướp” dù tàn khốc không hề quá phức tạp như người xưa từng sợ hãi.
Nguồn: National Geographic