Mới ngoài 20, vị tướng khiến Gia Cát Lượng thấp thỏm không yên: Gây tai họa cho Thục Hán

Trong Tam Quốc, Gia Cát Lượng được coi là một nhân tài bậc nhất, đồng thời cũng là một trung thần hiếm có mà Thục Hán may mắn có được. Ông chính là người vạch ra Long Trung đối sách, tạo thành thế chân vạc nổi tiếng, giúp Thục Hán phân tranh thiên hạ với Tào Ngụy và Đông Ngô.

Điều đó đủ để thấy tài năng cùng nhãn quan chính trị nhạy bén của Gia Cát Lượng. Kể từ khi phò tá Lưu Bị, Gia Cát Lượng luôn cẩn thận, tính toán thiệt hơn cho Thục Hán, mà trên hết là quân chủ Lưu Bị.

Trong cuộc đời thao lược trên vũ đài chính trị Tam Quốc, một trong những tướng lĩnh khiến Gia Cát Lượng luôn thấp thỏm không yên, sợ rằng gây hại cho Thục Hán, chính là Lưu Phong, con nuôi của Lưu Bị.

Lưu Phong (? – 220), vốn tên là Khấu Phong, mẹ ông họ Lưu, là dòng dõi của hoàng tộc nhà Hán. Bà là em gái của Lưu Bật, quan trấn thủ ở Phàn Thành.

Vào năm 200, Lưu Bị đang giao tranh với Tào Tháo ở Từ Châu, phải chạy về phía Nam theo Lưu Biểu. Sau đó, khi Lưu Bị được Từ Thứ giúp sức đánh bại đại quân của Tào Nhân, bấy giờ Khấu Phong khoảng hơn 10 tuổi. Lưu Bị gặp và tỏ ra quý mến Khấu Phong. Lưu Bị nhận Khấu Phong làm con nuôi vì bấy giờ ông chưa có con trai. Kể từ đó, con nuôi của Lưu Bị được gọi là Lưu Phong.

Khi lớn lên, Lưu Phong có sức khỏe, võ nghệ hơn người và khả năng chiến đấu tuyệt vời. Năm 214, ông từng theo mãnh tướng Trương Phi, Triệu Vân vào Ích Châu để giúp Lưu Bị đánh Lưu Chương.

Sau đó, Lưu Phong được Lưu Bị vô cùng tin tưởng khi được giao làm tổng chỉ huy, cho mang quân từ Hán Trung đến quận Thượng Dung để hội binh với Mạnh Đạt, nhằm tiến đánh Thái thú Thân Đam của Lưu Chương.

Kết quả, Thân Đam đầu hàng, Lưu Phong do lập chiến công nên được Lưu Bị phong làm Phó quân tướng quân, đảm nhận nhiệm vụ trấn thủ Phòng Lăng.

Sau này, Lưu Bị có con trai là Lưu Thiện nên cho làm thái tử. Tuy nhiên, xét về công trạng và uy phong trong quân đội Thục Hán lúc bấy giờ, Lưu Thiện quả thực thua xa Lưu Phong. Mới ngoài hai mươi tuổi, nhưng bản lĩnh của Lưu Phong không hề thua kém những dũng tướng mạnh nhất của Thục Hán như Trương Phi hay Triệu Vân.

Gia Cát Lượng biết rõ điều này và lo lắng cho tương lai của Thục Hán.

Sai lầm chết người của Lưu Phong

Năm 219, Quan Vũ phát động Bắc phạt, tấn công Phàn Thành. Ban đầu, Quan Vũ giành chiến thắng trước quân của Tào Nhân.

Tuy nhiên, sau khi mất Giang Lăng và thành Công An (do My Phương và Phó Sĩ Nhân dâng thành), Quan Vũ phải chạy về Mạch Thành. Thất thế trước quân của Tôn Quyền, Quan Vũ khi đó đã yêu cầu có thêm viện binh. Tuy nhiên, hai tướng của Thục Hán ở gần đó là Mạnh Đạt và Lưu Phong lại án binh bất động.

Kết quả, không những Kinh Châu bị mất mà ngay cả Quan Vũ cũng bị quân Đông Ngô bắt được và giết chết.

Cái chết đầy tiếc nuối của Quan Vũ khiến Lưu Bị nổi giận, trách Lưu Phong và Mạnh Đạt vì không đem quân sang cứu viện.

Dù có khiển trách nhưng Lưu Bị ban đầu cũng không có ý định giết Lưu Phong. Bởi ông hiểu rất rõ, thất bại của Quan Vũ không thể chỉ đổ lên đầu Lưu Phong được.

Sau cái chết của Quan Vũ, vì sợ tội nên Mạnh Đạt đã quay sang đầu hàng Tào Ngụy. Lưu Phong không hàng Ngụy nên sau đó bị Thân Đam và Từ Hoảng (tướng của Tào Phi) mang quân tới đánh. Sau khi thua trận, Lưu Phong bỏ chạy về Thành Đô. Không ngờ, Lưu Bị liền sai người bắt giữ.

Vì sao Gia Cát Lượng muốn Lưu Phong phải chết?

Lưu Bị vẫn còn do dự, không muốn xử tử Lưu Phong. Tuy nhiên, lúc này, Giá Cát Lượng lại khuyên Lưu Bị nên giết Lưu Phong.

Theo ghi chép trong Tam Quốc chí, Gia Cát Lượng cho rằng Lưu Phong có tính tình kiên cường, dũng mãnh nên rất khó khống chế được. Nếu lỡ Lưu Bị không còn trên đời, e rằng sau này không còn ai có kiểm soát được người này.

Cái chết của Quan Vũ không phải là “thấy chết mà không cứu” mà xét trên cục diện lúc đó thì quả thực là khó mà cứu được. Do đó, không thể quy kết hết mọi tội lỗi lên đầu của Lưu Phong.

Nguyên nhân sâu xa khiến Lưu Phong phải chết có lẽ là do Gia Cát Lượng lo sợ sau này ông đe dọa đến địa vị của Lưu Thiện và gây nên tai họa về sau. Chính bởi vậy, vị quân sư này mới khuyên Lưu Bị phải diệt trừ đứa con nuôi này ngay lập tức.

Lưu Phong cuối cùng mất mạng trong cuộc chiến thừa tự, còn sự kiện mất Kinh Châu và cái chết của Quan Vũ chỉ là một phần trong đó. Nếu Lưu Phong không sớm bị diệt trừ thì sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngôi vị sau này của Lưu Thiện, con trai ruột của Lưu Bị. Suy cho cùng, kết cục này đều là vì lợi ích chung của nhà Thục Hán.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu

https://soha.vn/moi-ngoai-20-vi-tuong-khien-gia-cat-luong-thap-thom-khong-yen-gay-tai-hoa-cho-thuc-han-20211219222919616.htm