Môn thể thao tưởng "xanh" nhưng lại trở thành thứ đang phá hủy hành tinh này một cách nghiêm trọng
Và bộ môn chúng ta nhắc đến là golf – môn thể thao thường được ví là “dành cho giới thượng lưu”.
Khoảng 30 sân golf tại Hạt Salt Lake (Utah, Mỹ) “uống” trung bình hơn 40 triệu lít nước mỗi ngày để duy trì tình trạng xanh mướt cho các thảm cỏ. Nó tương đương với hơn 13 bể bơi theo tiêu chuẩn Olympic.
Một sân golf cần rất nhiều nước để duy trì
Để xây dựng một sân golf, các nhà vận hành cũng phải sử dụng nhiều phân bón giàu carbon, máy cắt cỏ hoạt động liên tục, và nhiều trường hợp là triệt hạ rừng cây cũng như thảm thực vật xung quanh để lấy chỗ. Cây cối vốn đóng vai trò chôn vùi carbon dioxide xuống đất, và việc triệt phá chúng dĩ nhiên sẽ chẳng đem lại hệ quả gì tích cực.
Nói cách khác, golf đang trở thành một môn thể thao được giới chuyên gia gọi là “bẩn” với hành tinh, vì những tác động lớn của nó đến khí hậu và môi trường. Nhưng vốn dĩ, nó không cần thiết phải trở nên như vậy.
Sự ảnh hưởng của golf đến biến đổi khí hậu và môi trường đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi biến môn thể thao này trở nên bền vững hơn. Và đó là điều phải làm được, không chỉ để cứu hành tinh, mà còn là cứu chính bản thân bộ môn này khi biến đổi khí hậu đang dần biến các sân golf thành những bãi đầm lầy bùn đất không thể sử dụng.
“Các sân golf chưa từng phải đóng cửa vì những trận mưa khoảng 50mm, giờ phải làm vậy rồi. Lụt lội ngày nắng đẹp cũng diễn ra thường xuyên hơn,” – trích lời Jason Straka, chủ tịch Hiệp hội kiến trúc sân Golf Hoa Kỳ (ASGCA). Tiêu chuẩn thoát nước tối thiểu của các sân golf, nhưng đa số vẫn ở dưới mức này và nó đòi hỏi một sự thay đổi.
Golf đang trở thành một môn thể thao “bẩn” đối với hành tinh
Nhưng bất kỳ thay đổi nào cũng là tiền. Và vì nó là tiền, các chỉ trích lại xuất hiện, xoay quanh vấn đề các sân golf không còn là nơi có thể phát triển bền vững nữa.
Không chỉ mưa, cháy rừng cũng là thứ khiến các sân golf không thể vận hành. Làn sóng cháy rừng cuồng nộ tràn qua các bang miền tây nước Mỹ – bao gồm cả California – đã dẫn đến việc chất lượng không khí trở nên xuống cấp và nhiều sân golf phải đóng cửa.
Cháy rừng, lụt lội, và băng giá
Tại Úc, tình hình cũng đang diễn ra tương tự. Câu lạc bộ (CLB) Golf Lynwood phía tây bắc của Sydney từng bị lụt lội nghiêm trọng vào năm 2020 và đầu năm 2021. Có thời điểm, sân này ngập sâu tới 8m, ở thời điểm khu vực phải tiếp nhận hơn 10.000mm nước mưa chỉ trong vòng 8 ngày.
Cũng tại bờ đông nước Úc, sân golf Mallacoota (Victoria) gần như bị phá hủy hoàn toàn vì cháy rừng vào năm 2019 và 2020. CLB Catalina (New South Wales) thì phải cố gắng dập đi ngọn lửa đe dọa không chỉ sân golf, mà còn là cả thị trấn.
Với một đất nước cháy rừng thường niên, các sân golf đã phải thích nghi bằng cách giữ lại lượng nước khi mưa xuống để đề phòng trường hợp bất trắc xảy ra.
Sân golf tại Úc chịu ảnh hưởng từ cháy rừng
“Sân golf tại Úc đều trang bị bể chứa nước để sử dụng khi cháy rừng,” – Chủ tịch Hiệp hội kiến trúc sân Golf Úc (SAGCA) Harley Kruse chia sẻ. “Năm 2020 tại Sydney đã xảy ra trận lũ trăm năm có 1. Chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với nhiều trận bão lớn hơn, mang theo mưa, gió, thậm chí là lốc xoáy, rồi thì tần suất hạn hán gia tăng. Các sân golf vì thế phải linh hoạt hơn.”
Ở những vùng khí hậu lạnh hơn, các sân golf cũng đang phải đối diện với tương lai rất bất ổn. Như tại Quần đảo Anh (Bristish Isles), sân golf lâu đời thứ 5 khu vực Montrose đã bị biển lấn sâu tới 70m trong 30 năm qua, theo một báo cáo vào năm 2016. Và với mức dâng nước biển thêm 1m trong 50 năm kế tiếp, đến đầu năm 2050 các sân golf tại Scotland cũng sẽ giống như ở Miami – nghĩa là không khác gì đầm lầy.
Các sân golf ở vùng giá lạnh hơn phía Bắc thì đối mặt với nguy hiểm từ băng đá. “Chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề vì nước đóng băng rồi tan ra tạo thành lũ lụt, thường xuyên lặp đi lặp lại vào mùa đông,” – theo Edwin Roald, nhà sáng lập ra công ty Eureka Golf.
Nguồn thải carbon nhiều khủng khiếp
Iceland đang thực hiện tính toán về lượng carbon 65 sân golf của họ tạo ra, theo dự án Carbon Par. “Để cải thiện, chúng ta phải biết mình đang ở đâu,” – Roald nhận định.
“Các sân golf là nơi trữ một lượng carbon nhiều khủng khiếp. Nhưng mặt khác, các sân golf lại buộc phải sử dụng đất ngập nước ở nhiều nơi. Và lượng khí phát thải khi thoát nước cho các vùng đất này cũng… nhiều khủng khiếp.”
Rừng rậm, than bùn, hoang mạc, lãnh nguyên, tất cả đều có thể hấp thụ và giữ lại CO2. Trong số carbon bị giữ lại trong hệ sinh thái đất liền, 34% đến từ các thảm cỏ, thấp hơn con số 39% của rừng rậm. Do đó, việc một sân golf có hấp thụ được carbon sẽ phụ thuộc vào cách nó được quản lý, và liệu nó có phá hủy đi những vùng đất vốn đã lưu giữ carbon tốt hơn hay không.
“Sẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi ngành golf bị chất vấn về việc phải làm với các vùng đất ngập – cũng là nơi chúng tôi có ảnh hưởng nhiều nhất.”
Nguồn: CNN