Người phụ nữ rơi xuống vực sâu Yên Tử bàng hoàng kể lại 7 ngày sinh tồn: Ai cũng thắc mắc ông chồng ở đâu lúc vợ hoạn nạn
Bà Liên sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực ở Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh) nhờ kĩ năng sinh tồn học trên ti vi và qua sách báo.
7 ngày sinh tồn dưới vực sâu
Một ngày sau khi được giải cứu, bà Nguyễn Thị Bích Liên, 59 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, vẫn chưa hết bàng hoàng về 7 ngày sinh tồn khi bị rơi xuống vực ở Yên Tử (Quảng Ninh).
Ngày 27/4, bà Liên đi TP. Hạ Long lấy thuốc khớp, sau đó ghé qua Yên Tử lễ chùa, cầu bình an cho gia đình. Bà mua vé cáp treo, đi theo đoàn người lễ trên chùa Đồng. Lễ xong, bà lại men theo từng tốp người xuống núi, nhưng khi đó trời xuất hiện nhiều sương mù.
Đi được vài mét, bà ngồi nghỉ tại một phiến đá ven đường, bên cạnh có biển cảnh báo nguy hiểm. Lúc đứng dậy, người phụ nữ hoa mắt, chóng mặt, ngã xuống khe núi 30m khiến ngất xỉu, đầu và lưng gối lên rễ cây.
Mấy tiếng sau, bà Liên tỉnh dậy, không xác định được không gian và thời gian, toàn bộ cơ thể ướt sũng. Nghe tiếng người, bà định trèo lên kêu cứu, nhưng khi bám vào cành cây, lại bị rơi xuống khoảng 10m.
“Tôi rơi vào các khe, rãnh, xung quanh nhiều túi rác và may mắn tìm lại được túi cơm cháy và nước mang theo bị rơi trước đó”, bà Liên nói. Lúc này, hai chân mắc kẹt trong khe đá, bà vật lộn mãi, rồi bám dây leo lên, nhưng dây đứt, tiếp tục bị rơi xuống. Phía dưới là vực sâu thăm thẳm, bà quyết định không mạo hiểm nữa.
Bên trái là phiến đá lớn chắn gió, người phụ nữ bám vào cành trúc, trèo sang, ngồi yên quan sát và kêu cứu. Tuy nhiên, những ngày này, Yên Tử thời tiết xấu, bà gọi mãi không ai nghe thấy.
Hai hôm sau, mưa trút xuống, nghe tiếng gió hú xung quanh, bà Liên ngỡ là trực thăng đến giải cứu, rồi lại thất vọng khi biết không có ai. Bên kia đồi có 3 căn nhà, ánh đèn le lói, nhưng tiếng gọi yếu ớt của bà không đủ sức vang vọng.
Clip: Người phụ nữ rơi xuống vực ở Yên Tử kể lại 7 ngày sinh tồn
Ngày bà Liên đi Hạ Long lấy thuốc không báo với chồng, ông Hoàng Phúc Khánh, 65 tuổi, cứ nghĩ như mọi lần, 1-2 ngày sau vợ sẽ về. Đến ngày thứ hai, điện thoại của vợ trong tình trạng “không thể liên lạc”, ông Khánh dự cảm có chuyện chẳng lành, gọi cho tất cả anh em, họ hàng, nhưng không ai biết bà Liên ở đâu.
“Tôi rất sợ hãi và bồn chồn, vội làm đơn trình báo gửi Công an quận Nam Từ Liêm, đồng thời đăng thông báo tìm kiếm và nhận dạng lên mạng xã hội. Tôi còn nhờ cả hai con gái bên Anh và Đức lần theo số điện thoại của mẹ”, ông Khánh nói.
Nghĩ vợ bị tai nạn, ông huy động mọi mối quan hệ, gọi đến các bệnh viện xem có bệnh nhân cấp cứu nào tên Nguyễn Thị Bích Liên hay không, nhưng cũng không có kết quả.
Trong khi đó, dưới vực sâu, để duy trì sự sống, cạnh phiến đá có một bụi trúc, bà Liên tìm dây kéo tán cây xuống trước mặt để tạo thành mái che phía trên. Bà lục tìm túi rác, nylon che chắn ở phía trước để gió mưa không tạt vào.
Người phụ nữ cũng dùng túi nylon che đầu, bọc vào người, hai bàn tay và chân để dùng nhiệt của cơ thể sưởi ấm, tránh bị viêm phổi hay đau bụng. Trời trở lạnh khi đêm xuống, bà cố gắng giữ ấm bằng cách quấn nylon quanh người, ngồi thu mình vào phiến đá. Giấc ngủ đêm không trọn vẹn, bà chờ sáng lên, trời hửng nắng, thiếp đi được một lúc.
Về thức ăn, bà Liên chia nhỏ gói cơm cháy ăn dần, nước thì bới trong bãi rác và những chai nước bị vứt xuống trước đó. Những chai nước còn thừa, bà dồn vào một chai sạch để uống. Vì gọi không được ai, thực phẩm ít ỏi nên bà bới thêm lá cây dương xỉ và củ lạc tiên để ăn. Bà cũng nhai lá cây dương xỉ, đắp lên các vết thương giúp giảm đau.
Đến ngày 2/5, trong lúc lục đống rác xung quanh, bà Liên tìm được một ấm trà bằng inox, vội gõ mạnh phát ra âm thanh kêu cứu, nhưng vẫn không ai nghe thấy. Người phụ nữ bất lực, khóc một mình.
“Nhiều lần kêu cứu nhưng không được, tôi hơi hoảng loạn tinh thần, nghĩ rằng sẽ chết tại đây. Tôi cũng xác định số phận của mình là như vậy”, bà Liên nói.
Sáng 3/5, mặt trời chưa lên, bà Liên dọn dẹp xung quanh, tìm thêm củ lạc tiên rồi tiếp tục gõ ấm inox kêu cứu. Nghe tiếng người lao xao, bà hét lớn: “Tôi ở chỗ này, cứu tôi với, tôi bị rơi xuống vực”.
Người cứu hộ tên Mạnh đi gần về phía bà, vội đáp lời: “Cô cứ yên tâm, có bọn cháu đây rồi. Cô không thể chết được, cứ ngồi bình tĩnh một lúc”.
Nhận tin báo, Ban Quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử ngay lập tức chủ trì, phối hợp cùng nhà chùa, Công ty TNHH Tùng Lâm và người dân giải cứu bà Liên. Hai người kéo đằng trước, một người đẩy từ đằng sau.
“Những ngày trước chúng tôi cũng đi tuần nhưng vì trời mưa, gió to, mây mù nên không nghe thấy gì. Ngày 3/5, thời tiết quang đãng, mọi người nghe thấy tiếng bà Liên kêu cứu nên tổ chức cứu hộ, người dìu, người cõng. Rất may, bà Liên không bị thương tích nặng, sức khoẻ đã ổn định”, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử nói.
Ông Nguyễn Minh Thuận, thành viên Ban quản lý di tích và Rừng Quốc Gia Yên Tử, một trong những người cứu hộ kể lại, sau khi xác định vị trí nạn nhân, nhóm thả dây thừng xuống dưới vách đá, tiếp cận theo hướng bên trái.
Lúc được kéo lên, bà Liên mệt và hoảng sợ, nhưng vẫn tỉnh táo và không bị thương. Trong người bà giữ vé cáp treo và vé vãn cảnh Yên Tử ghi ngày 27/4.
“Bà tự đi vài bước nhưng sau đó không đi được. Nhóm cứu hộ thay phiên nhau cõng bà ấy từ trên đỉnh chùa Đồng xuống nhà thường trực của Ban quản lý ngay phía dưới chân núi”, ông Thuận chia sẻ.
Ông Thuận gọi đây là kỳ tích vì trước đây cũng từng có 5 vụ tai nạn rơi xuống vực, nạn nhân hoặc bị gãy chân, gãy tay, đa chấn thương. Riêng bà Liên chỉ bị xây xước chân tay do bám víu cây rừng để leo lên.
“Nếu như không có phiến đá, chắc nạn nhân đã rơi xuống vực sâu. Bà không bị gãy tay hay gãy chân là do tụt xuống vực theo kiểu nằm sấp. Còn nếu ngã tự do thì sẽ không may mắn sống sót do đây là vách dốc đứng”, ông Thuận nói.
“Sống được ngày nào hay ngày đấy”
Nhiều ngày tìm kiếm bà Liên, gia đình gần như tuyệt vọng và bất lực. Ông Khánh không ăn, không ngủ, lòng như lửa đốt. Những số điện thoại lạ liên tục gọi đến, nhưng nếu không phải doạ dẫm, thì cũng chỉ là trêu đùa.
Sáng 3/5, ông Khánh lại nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ, hỏi “chồng bà Liên phải không?”. Đầu dây bên kia thông báo tìm thấy bà Liên dưới vực, nhưng ông Khánh hoài nghi, sợ lừa đảo tống tiền. Ông bình tĩnh, yêu cầu trao đổi hình ảnh qua Zalo. Khi xác nhận đúng là vợ, ông mới vỡ oà vui mừng.
“Tôi không thể tưởng tượng vợ mình có thể sống sót sau 7 ngày rơi xuống vực”, ông Khánh thở phào.
Bà Liên từng nghĩ, nếu không được cứu sống, sẽ bám trụ ở vực núi lâu dài, ăn cây rừng, bới rác kiếm nước uống, sống qua ngày. “Nếu nhiều ngày, chắc tôi thành ‘người rừng" hoặc sống được đến đâu thì sống”, bà cười.
Trong 7 ngày sinh tồn giữa núi rừng, chưa bao giờ bà Liên tuyệt vọng hay có ý định buông xuôi. Bản thân bà có nhiều kiến thức sinh tồn nhờ học trên ti vi và qua sách báo.
“Tôi có thể chết khô chết héo, nhưng luôn xác định sống được ngày nào hay ngày đấy. May mắn, sức khoẻ vẫn ổn định, chỉ hơi khản cổ và đau họng do 2 ngày đầu kêu cứu nhiều”, người phụ nữ U60 tâm sự.
“Tôi không bịa chuyện”
Bà Liên khẳng định bản thân không hề bịa đặt ra câu chuyện bởi vé cáp treo vẫn còn và Ban quản lý tra lại đúng ngày 27/4.
“Đi lên như thế nào, hành trình thế nào vé thể hiện hết rồi chứ tôi không thể nào đi nhặt vé đấy rồi bịa ra câu chuyện. Tôi cũng không phải người khổ tu, hành thiền hay có lý do gì để bịa ra câu chuyện”, bà Liên bật khóc nói.
Trước thông tin dư luận cho rằng bà Liên tự đi xuống vách đá, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và Rừng quốc gia Yên Tử cho biết, khu vực chùa Đồng có vách đá dựng đứng, người bình thường không thể tự đi bộ xuống. Đội cứu hộ đã phải dùng dây thừng thả từ trên cao xuống mới tiếp cận và đưa nạn nhân lên bờ an toàn.
Theo ông Dũng, từ năm 2010 đến nay, ngoài bà Liên, đã có 5 người bị rơi xuống vực sâu trên Yên Tử. Họ đều được cứu sống an toàn.
Ông Nguyễn Minh Thuận, thành viên đội cứu hộ, nhận định sự nguy hiểm của vực sâu, mà không một ai, kể cả đội cứu hộ có nhiều kinh nghiệm, có thể mạo hiểm đi xuống dưới.
“Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chỉ có trải nghiệm thực tế, cứu nạn cứu hộ các nạn nhân, chúng tôi mới thấy hết sự nguy hiểm của vực sâu. Đây thực sự là kỳ tích tại Yên Tử từ trước đến nay”, ông Thuận nói.
Sau tất cả, bà Liên hi vọng, hành trình bất đắc dĩ kéo dài 7 ngày của mình sẽ giúp mọi người, nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh tương tự, sẽ có ý thức để sống và kỹ năng để sinh tồn.