Những kỷ lục thế giới ấn tượng nhất trong năm 2021
1. Tháng nóng nhất trong lịch sử
Trẻ em chơi đùa dưới vòi phun nước để tránh nóng tại New York, Mỹ, ngày 30/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tháng 7/2021 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trên thế giới trong 142 năm qua. Theo Cơ quan quốc gia giám sát đại dương và khí quyển của Mỹ (NOAA), nhiệt độ bề mặt Trái Đất (kết hợp nhiệt độ bề mặt đại dương và đất liền) trong tháng 7 cao hơn 0,93 độ C so với nhiệt độ trung bình 15,7 độ C của thế kỷ 20.
Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho thấy các vụ cháy rừng ở vùng Siberia, khu vực Bắc Mỹ và xung quanh Địa Trung Hải đã gây ra mức phát thải khí CO2 cao kỷ lục trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua. CO2 là khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất do con người tạo ra. Sau khi được phát thải, khí CO2 tồn tại trong khí quyển và đại dương trong hàng nghìn năm.
2. Giá khí đốt cao kỷ lục
Trong bối cảnh các nền kinh tế mở cửa trở lại sau thời kỳ “đóng băng” do đại dịch COVID-19, nhu cầu về khí đốt tăng cao khiến giá khí đốt tăng gấp 3 lần từ đầu năm đến nay. Tại châu Á, châu Âu và Anh, giá khí đốt đều đã đạt mức cao kỷ lục. Có thời điểm, giá khí đốt châu Âu trên sàn TTF của Hà Lan leo tới mức 187,78 euro/MWh.
Bên cạnh đó, giá dầu mỏ tăng “phi mã” hơn 40%, chạm mức cao nhất kể từ năm 2014. Giá than leo thang khoảng 60%. Khan hiếm năng lượng, cắt điện luân phiên, cùng với đó là áp lực lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng vọt, tác động nặng nề tới đời sống người dân. Nhiều doanh nghiệp và nhà máy phải đóng cửa do thiếu điện và nguyên liệu sản xuất, dẫn tới hiệu ứng dây chuyền là một cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế. Đây là những gì mà thế giới chứng kiến trong năm 2021, trong bối cảnh hầu hết các nước chuyển sang xu hướng thích ứng an toàn với COVID-19 và mở cửa trở lại nền kinh tế. Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đặt ra một bài toán chưa từng có đối với thế giới: làm sao vừa giải tỏa “cơn khát” nhiên liệu, vừa đảm bảo sự cân bằng trên thị trường và hỗ trợ đà phục hồi kinh tế, đồng thời thực hiện những cam kết chống biến đổi khí hậu.
3. Đợt không vận quy mô nhất
Mỹ đã tiến hành đợt không vận lớn nhất từ trước đến nay sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8 vừa qua và Mỹ đã hoàn tất kế hoạch rút toàn bộ lực lượng khỏi quốc gia Tây Nam Á này sau 20 năm tham chiến. Tổng cộng hơn 123.000 người đã được đưa rời khỏi thủ đô Kabul, bao gồm các công dân, thông dịch viên người Afghanistan và những nhân viên người địa phương làm việc cho các phái bộ của Mỹ tại Afghanistan.
Hiện chính quyền Taliban chưa được quốc tế công nhận và Afghanistan đang đối mặt với xung đột bạo lực, chia rẽ sắc tộc, nguy cơ khủng bố và khủng hoảng nhân đạo trầm trọng. Cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực để ổn định tình hình Afghanistan.
4. Số lượng kỷ lục tàu biển mắc kẹt trên kênh đào Suez
Tàu Ever Given bị mắc cạn tại Kênh đào Suez, Ai Cập, ngày 29/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong bối cảnh thế giới hứng chịu tình trạng đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, một sự cố giáng thêm đòn vào dòng chảy thương mại quốc tế. Ever Given – một trong những tàu container lớn nhất thế giới với trọng tải hơn 200.000 tấn, đã mắc cạn ở kênh đào Suez ngày 24/3, chặn đứng tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới này. Đây là lần đầu tiên một tàu container làm tê liệt hoàn toàn kênh đào Suez trong suốt 6 ngày, khiến số lượng kỷ lục 422 tàu chở 26 triệu tấn hàng hóa bị mắc kẹt.
Kênh đào Suez là cửa ngõ cho dòng chảy hàng hóa giữa châu Âu và châu Á, là nơi lưu thông 13% hoạt động thương mại và 10% hoạt động vận chuyển dầu qua đường biển trên toàn cầu. Ước tính thương mại toàn cầu thiệt hại khoảng 6-10 tỷ USD trong thời gian xảy ra sự cố trên, trong khi Ai Cập thất thu khoảng 12-14 triệu USD/ngày.
5. Đồng Bitcoin tăng giá lên mức cao nhất
Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN
Năm 2021 là một năm đầy biến động đối với đồng Bitcoin. Giá trị của đồng tiền kỹ thuật số này liên tục lên, xuống khiến nhiều nhà đầu tư “đau tim”. Tuy trải qua đợt giảm giá mạnh trong thời gian gần đây, giá Bitcoin hiện vẫn tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.
Giá trị của đồng Bitcoin đã tăng tới mức kỷ lục vào cuối năm 2021, đạt mức 68.513 USD vào ngày 9/11. Ngày càng nhiều người tham gia đầu tư vào đồng tiền kỹ thuật số này. Hơn 50% các nhà đầu tư Bitcoin mới tham gia thị trường này trong vòng 1 năm trở lại đây.
6. Tác phẩm nghệ thuật đương đại có giá bán cao nhất
Kỷ lục về giá bán tranh trong năm 2021 thuộc về tác phẩm của các danh họa Frida Kahlo, Pierre Soulages và Banksy. Cụ thể, bức chân dung bán thân tự họa “Diego y yo” (tạm dịch: Diego và tôi) của nữ danh họa Frida Kahlo (người Mexico) xác lập mức giá kỷ lục 34,9 triệu USD sau phiên đấu giá ngày 17/11 tại New York (Mỹ). Đây cũng là tác phẩm đắt giá nhất của một nghệ sĩ Mỹ Latinh được bán đấu giá.
Cũng tại phiên đấu giá này, một bức tranh của danh họa người Pháp Pierre Soulages lập kỷ lục với mức giá 20,2 triệu USD. Kỷ lục trước đó đối với tranh của Soulages là 9,6 triệu euro (tương đương 10,8 triệu USD) trong một phiên đấu giá ở Paris (Pháp).
Trong khi đó, bức tranh bị cắt một nửa của họa sĩ Banksy mang tên “Love is in the Bin” được Sotheby"s bán với giá 25,4 triệu USD, cao gấp nhiều lần so với giá ước tính ban đầu. Đây cũng là kỷ lục đấu giá tranh của Banksy.
7. Khách du lịch vũ trụ cao tuổi nhất
Nam diễn viên William Shatner (thứ 2, trái) cùng các thành viên phi hành đoàn dự kiến được Blue Origin đưa lên vũ trụ vào sáng 13/10/2021 (giờ Mỹ). Ảnh: AFP/TTXVN
Nam tài tử gạo cội William Shatner – người nổi tiếng với vai thuyền trưởng James T. Kirk trong series phim điện ảnh “Star Trek” (1979 – 1991) – đã trở thành người cao tuổi nhất bay vào vũ trụ, ở tuổi 90, khi tham gia chuyến du hành không gian do công ty Blue Origin tổ chức lần thứ hai.
Kỷ lục trước đó thuộc về bà Wally Funk, 82 tuổi. Bà từng là người cao tuổi nhất bay lên vũ trụ khi tham gia chuyến du hành đầu tiên của Blue Origin vào ngày 20/7/2021.
Tính đến nay, đã có 20 phi hành gia không chuyên bay vào vũ trụ trong năm 2021, trong các chuyến du hành do các công ty Blue Origin (của tỷ phú Jeff Bezos), SpaceX (của tỷ phú Elon Musk) và Virgin Galactic (của tỷ phú Richard Branson) thực hiện.
8. Ronaldo so tài cùng Messi
Hai trong số những huyền thoại sống của bóng đá đương đại – ngôi sao Cristiano Ronaldo của Bồ Đào Nha và ngôi sao Lionel Messi của Argentina – đã viết nên những kỷ lục cá nhân mới. Ronaldo là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất mọi thời đại cho đội tuyển quốc gia với 115 bàn thắng. Anh đồng thời trở thành cầu thủ có số lần đeo băng đội trưởng nhiều lần châu Âu, với 184 lần.
Trong khi đó, Messi bỏ xa “Vua bóng đá” Pele (người Brazil) để trở thành tiền đạo người Mỹ Latinh xuất sắc nhất, với 79 bàn thắng ghi cho đội tuyển Argentina.
9. Chinh phục Everest và Eo biển Manche
Nhà leo núi người Nepal Kami Rita chinh phục đỉnh Everest lần thứ 23, ngày 15/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Tháng 5 vừa qua, hướng dẫn viên người Nepal Kami Rita đã có lần thứ 25 chinh phục thành công đỉnh Everest, phá vỡ kỷ lục thế giới do chính ông thiết lập hồi năm ngoái.
Ông Rita (51 tuổi) leo lên đỉnh Everest lần đầu năm 1994 và từ đó gần như năm nào cũng chinh phục nóc nhà thế giới. Ông được đánh giá là một trong những hướng dẫn viên người Sherpa có chuyên môn và kỹ năng rất quan trọng, góp phần bảo đảm an toàn và thành công của hàng trăm người chinh phục đỉnh Everest cao 8.849m.
Trong khi đó, vận động viên bơi lội người Australia – cô Chloe McCardel (36 tuổi) lập kỷ lục 44 lần bơi qua eo biển Manche. Cô đã tới Pointe de la Courte Dune (Pháp) 10 tiếng đồng hồ sau khi xuất phát và bơi liên tục từ Kent (Anh). Chloe McCardel hiện nắm giữ nhiều kỷ lục thế giới về bơi đường trường, bao gồm đường bơi dài kỷ lục 124km từ đảo South Eleuthera đến Nassau thuộc quốc đảo Bahamas.