Quan nhà Thanh đeo chuỗi vòng không chỉ để làm đẹp: Tác dụng khác khiến hậu thế trầm trồ
Những ai yêu thích những bộ phim truyền hình về cung đình nhà Thanh (Trung Quốc) ắt hẳn đều rất quen thuộc với hình ảnh các đại thần, quan viên đeo trên cổ 1 chuỗi vòng dài. Chuỗi vòng này có hình dáng tương tự như tràng hạt mà các tín đồ Phật giáo thường đeo và được gọi với cái tên là “Triều châu”.
Chất liệu của chuỗi triều châu vô cùng quý giá với: gỗ trầm hương, sứ, ngọc phỉ thúy, mã não và một số loại ngọc quý hiếm khác. Sau khi được gia công, thiết kế tỉ mỉ, chuỗi triều châu vốn sở hữu những chất liệu quý giá càng hiện rõ lên với vẻ đẹp độc nhất vô nhị.
Vậy ngoài giá trị thẩm mỹ ra thì liệu triều châu có tác dụng gì không? Câu trả lời là có.
Chỉ những quan viên có cấp bậc cao mới có tư cách đeo triều châu. (Ảnh: Baidu)
1 chuỗi triều châu quý giá như vậy cũng tương xứng với công dụng của nó, đó chính là phân cấp địa vị. Trong vương triều nhà Thanh, không phải ai cũng có vinh hạnh được đeo lên chuỗi triều châu trân quý này. Ngoài thái hậu, hoàng đế, hậu phi thì chỉ có những người sau đây mới có tư cách đeo triều châu: quan văn ngũ phẩm, quan võ tứ phẩm trở lên, thị vệ và 1 số quan viên có cấp bậc cao khác.
Bên cạnh đó, triều châu mà hoàng đế, hoàng thân quốc thích đeo cũng có hình dáng và chất liệu khác so với của quan viên trong triều. Giữa những quan viên cũng có sự khác biệt nhất định do địa vị, cấp bậc không giống nhau. Do đó, vào thời nhà Thanh, chỉ cần nhìn vào chuỗi triều châu cũng có thế đoán ra được thân phận của người đeo nó.
Chuỗi triều châu của hoàng đế và hoàng gia có hình dáng đặc biệt và quý giá nhất, được gọi với cái tên “triều châu Đông châu”. Riêng với hoàng thái hậu và những hậu phi, ngoài chuỗi triều Đông châu đeo ở cổ thì họ còn phải đeo thêm 1 chuỗi triều châu màu đỏ san hô khác ở phần vai. Cách đeo phức tạp này là để biểu thị sự tôn quý trong thân phận của họ.
Hoàng hậu Thanh triều đeo triều châu trên cổ và trên vai. (Ảnh: Baidu)
Tuy nhiên, cách đeo triều châu này khá rắc rối và phiền phức, đặc biệt gây cản trở khi đi đường cho người đeo. Do đó, vào thời Mãn Thanh, rất ít hậu phi đeo nhiều chuỗi triều châu như vậy. Điển hình như Từ Hi thái hậu. Trong những bức tranh chân dùng của bà, có thể thấy Từ Hi chỉ đeo duy nhất 1 chuỗi triều châu trên cổ mà không đeo cho phần bả vai.
Ngoài vẻ đẹp độc lạ và giá trị trong việc phân cấp bậc trong vương triều nhà Thanh, thiết kế của triều châu cũng ẩn chứa những ý nghĩa phi phàm.
1 chuỗi triều châu bao gồm 108 hạt. Trong đó, 12 hạt tượng trưng cho 12 tháng trong 1 năm, 24 hạt tiếp theo là 24 tiết khí (Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°. Nó được sử dụng trong công tác lập lịch của các nền văn minh phương đông cổ đại như Trung Quốc).
Và 72 hạt còn lại biểu trưng cho 72 hầu ( người cổ đại thông qua việc kết hợp các hiện tượng thiên văn và thời tiết và những tri thức liên quan để tổng hợp ra cách làm lịch, chuyên dùng trong các hoạt động của nông nghiệp).
Hoàng đế đeo triều châu. (Ảnh: Baidu)
Trong 108 hạt đó sẽ có 4 hạt gọi là “phật đầu” tượng trưng cho 4 mùa trong năm. Phật đầu được xỏ cách đều ở 4 đầu toàn chuỗi triều châu với màu sắc nổi bật, khác biệt hẳn so với những hạt còn lại.
Hoàng đế đeo triều châu để thể hiện sự tôn kính với trời đất với hi vọng đất nước quanh năm mưa thuận gió hòa. Đặc biệt khi tham gia những buổi tế lễ, bái thần phật, chuỗi triều châu càng thể hiện rõ sự thành kính của hoàng đế với thần linh.
Cung đình nhà Thanh luôn khiến hậu thế phải trầm trồ với những quy tắc đặc biệt, phức tạp. Chưa nói đến những tiêu chuẩn khác, ngay cả 1 chuỗi triều châu đeo trên cổ cũng bao hàm những ý nghĩa sâu xa đến vậy!
https://soha.vn/quan-nha-thanh-deo-chuoi-vong-khong-chi-de-lam-dep-tac-dung-khac-khien-hau-the-tram-tro-20211220225159002.htm