Rát họng, đau đầu, khó thở nhưng 5 ngày vẫn âm tính là sao?
Là F1, cả hai mẹ con chị Vân Hà đều có triệu chứng nhiễm Covid-19 như rát họng, ho, đau đầu… nhưng liên tiếp 5 ngày sau khi thực hiện cách ly kết quả test nhanh vẫn chỉ một vạch.
Hiện nhiều người rất lo lắng khi có các biểu hiện như đau họng, đau đầu, đau người… nhưng test nhanh liên tiếp trong 5 ngày vẫn chỉ cho kết quả 1 vạch. Họ hoang mang không biết phải ứng xử như thế nào trong khi người thân xung quanh lần lượt “dính bầu”.
Chị Vân Hà (Nam Từ Liêm) rơi vào tình cảnh oái oăm như vậy. Chồng chị tham gia chống dịch thường xuyên không về nhà. Cách đây 1 tuần, anh về nhà. Biết nguy cơ mình nhiễm bệnh rất lớn, nên anh chủ động ăn riêng, ngủ riêng…
Hai hôm sau đó, khi cơ quan thực hiện làm xét nghiệm định kỳ, anh được xác định dương tính với SARS- CoV-2.
“Tôi và hai con xác định là F1. Đến nay đã được 5 ngày. Con trai thì không có biểu hiện gì, cháu vẫn khoẻ mạnh bình thường, còn tôi và con gái lớn thì có… đủ các biểu hiện. Con gái thì đau họng, rát cổ, đau đầu kèm khó thở còn tôi thì ngoài các biểu hiện đó ra thêm ho, ngứa họng, buồn nôn.
Nhưng rất lạ ngay khi biết chồng dương tính 3 mẹ con đã lôi nhau ra test thì… đều âm. Từ hôm ấy đến giờ, ngày nào ba mẹ con cũng test nhưng kết quả vẫn chỉ một vạch.
Thời gian cách ly đã đủ 5 ngày. Không biết tôi có thể ra ngoài được chưa hay vẫn phải tiếp tục cách ly tiếp? Với kết quả âm tính như thế, liệu có nên làm xét nghiệm PCR để xác định chính xác hay không?”, chị Hà băn khoăn.
Chia sẻ với phóng viên, BS Lê Xuân Thắng, nguyên bác sĩ Khoa Nội tiêu hoá Bệnh viện Quân y 103, quản trị viên nhóm bác sĩ Quân y hỗ trợ F0 ở Hà Nội cảnh báo việc này có nguy cơ làm lây lan dịch cao nếu người dân chủ quan không tuân thủ các biện pháp 5K phòng dịch.
BS Thắng cho rằng với kết quả âm tính khi tự test nhanh của người dân sau 3-5 ngày có biểu hiện hay với F1 sau 5 ngày cách ly có nhiều khả năng xảy ra.
Thứ nhất là do kỹ thuật tự lấy mẫu của người dân không chuẩn, dẫn đến kết quả test không đúng. Việc làm này cho kết quả âm tính giả. Nếu chủ quan vẫn sinh hoạt bình thường sẽ là mầm mống gây lây lan dịch bệnh.
Khả năng thứ hai, người dân mua phải các kit test trôi nổi không đảm bảo chất lượng do đó, dù lấy mẫu đúng nhưng cho ra kết quả cũng có thể sai. Người dân chủ quan thì cũng gián tiếp lây lan dịch bệnh.
“Thời điểm này Hà Nội đang trải qua những đợt rét đậm, do đó rất dễ nhầm giữa Covid-19 với nhiễm lạnh và viêm họng bình thường như mọi khi khiến người dân chủ quan không tuân thủ nghiêm các biện pháp 5K phòng bệnh. Điều này rất nguy hiểm.
Do đó, các trường hợp có biểu hiện đau rát họng, triệu chứng viêm hô hấp trên, nếu test âm tính cũng chủ động cách ly và liên hệ với nhân viên y tế để được test đảm bảo kết quả chính xác. Để đảm bảo chính xác hơn, người dân có thể làm xét nghiệm PCR để khẳng định”, BS Xuân Thắng khuyến cáo.
Ngoài ra, với những trường hợp được xác định là F1 đã thực hiện cách ly 5 ngày theo quy định của Bộ Y tế, test nhanh âm tính nhưng bắt đầu xuất hiện triệu chứng, BS Xuân Thắng cho rằng nên tiếp tục tự cách ly theo dõi. Vì với những biểu hiện triệu chứng (đau họng, ho, rát cổ, đau nhức người, đau đầu…) thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.
Song song với đó, bác sĩ cũng nhấn mạnh người dân cũng không nên quá lo lắng mà thực hiện test nhanh liên tục gây lãng phí, tốn kém. Bởi theo quy định của Bộ Y tế, F1 chỉ cần xét nghiệm 1 lần vào ngày thứ 5 sau cách ly, F0 cũng chỉ cần xét nghiệm vào ngày thứ 7. Vấn đề quan trọng là cách chúng ta ứng xử như thế nào sau khi tiếp xúc với F0 mà thôi.
Theo bác sĩ CK I Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt – Nga, Bộ Quốc phòng thì, sau khi tiếp xúc với F0, điều đầu tiên chúng ta cần làm là súc họng bằng nước muối sinh lý.
Sau đó F1 cần súc họng với dung dịch sát khuẩn Povidone1% hoặc Chlorhexidin từ 0,12 đến 0,2%, sau đó tiếp tục súc họng nước muối sinh lý để tiêu diệt virus. Mọi người có thể thực hiện 4-5 lần/ngày. Đồng thời cần thực hiện hạn chế tiếp xúc với người khác và tuân thủ nguyên tắc 5K.
Nếu trong gia đình có người nhiễm Covid-19 chúng ta nên khử khuẩn, xông phòng. Tuy nhiên, việc xông hơi cho bản thân không có tác dụng chống phơi nhiễm mà chỉ có tác dụng khi người nhiễm Covid- 19 bị sốt nhẹ, mệt không ra mồ hôi thì xông thải mồ hôi, thải chất độc ra đỡ mệt. Không nên xông 1 lần/ngày, xông hơi nhiều sẽ mất nhiệt, mất điện giải gây ra mệt mỏi đó mọi người