Sinh con 43 ngày sờ bụng thấy cục cứng, mẹ trẻ bất ngờ khi có 'vật thể lạ'
Bị rong kinh kéo dài, đau bụng âm ỉ, sờ thấy có c.ụ..c cứng, người mẹ đi khám bất ngờ phát hiện bên trong có “vật thể lạ” phải nhập viện ngay.
Chị Nông Thị Nhung (31 tuổi, ở Hữu Lũng, Lạng Sơn) mới sinh con được hơn 1 tháng. Từ sau sinh, chị luôn cảm thấy bụng đau âm ỉ, bị rong huyết… Nghĩ đó là biểu hiện bình thường sau cơn trở dạ nên chị cố chịu đựng.
20 ngày sau sinh, tình trạng đau bụng, rong kinh vẫn chưa cải thiện. Khi ấn vào bụng, chị Nhung cảm nhận có c.ụ..c cứng và ra máu nhiều hơn. Đặc biệt, thời gian này còn có bị đi tiểu không tự chủ nhưng người mẹ trẻ vẫn cắn răng chịu.
Đến 37 ngày sau sinh, do không thể chịu đựng được nữa, chị Nhung đi khám tại cơ sở y tế gần nhà. Tại đây, bác sĩ kết luận chị có khối u vùng chậu, nhưng không xác định được đó là u gì. Chị Nhung sau đó đã đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang khám chuyên khoa.
Tại đây, các bác sĩ đã phát hiện có khối máu tụ ở mặt trước đoạn dưới tử cung. Sau khi nghe bác sĩ thông báo về khối u, chị Nhung vô cùng bất ngờ. Chị không thể tin rằng, trong cơ thể mình có khối u máu tồn tại khá lâu mà không hề hay biết. Chị cũng hối hận vì quá chủ quan, dù thấy đau nhưng không đi khám sớm.
BSCK II Lê Công Tước – GĐ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã trực tiếp hội chẩn để đưa ra hướng xử lý thích hợp cho ca bệnh này. BS Tước cho biết, thông thường với khối máu tụ sau sinh sẽ được điều trị nội khoa, tuy nhiên trường hợp của bệnh nhân Nhung khối máu tụ chèn ép bàng quang gây bí tiểu, tiểu không tự chủ nên phải phẫu thuật. Do bệnh nhân mới sinh mổ cách đó 43 ngày nên các bác sĩ cân nhắc mọi phương án xử lý có lợi nhất cho người bệnh, đồng thời tránh phải tiến hành mổ mở để lấy khối máu tụ.
Cuối cùng, BS Lê Công Tước quyết định sẽ trực tiếp chọc hút khối máu tụ mặt trước, đoạn dưới tử cung qua đường âm đạo. Phương pháp lấy khối máu tụ qua đường âm đạo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân như không gây tổn thương tử cung, không phải gỡ dính các tạng, không khiến bệnh nhân bị đau như mổ mở và đặc biệt là thời gian hồi phục sức khoẻ nhanh.
“Sau khoảng 10 phút khối máu tụ đã được lấy ra hoàn toàn, không gây tổn thương tới bàng quang và tử cung, không gây chảy máu và bệnh nhân Nhung cũng nhanh chóng hồi phục sức khoẻ sau 03 ngày điều trị tại bệnh viện”, BS Tước thông tin.
Đây là trường hợp thứ 02 được lấy khối máu tụ mặt trước đoạn dưới tử cung thành công qua đường âm đạo thực hiện tại bệnh viện. Dù đây là phương pháp mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với sức khoẻ bệnh nhân nhưng cũng là một kỹ thuật rất khó thực hiện thành công.
Từ trường hợp bệnh nhân Nhung, BS Tước khuyến cáo, với các trường hợp có khối máu tụ sau đẻ, sau mổ cần phải hội chẩn với các bác sĩ có kinh nghiệm, sự hiểu biết sâu rộng và chuyên môn vững vàng để quyết định phương pháp điều trị cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và sức khoẻ cho bệnh nhân.
Đồng thời, với sản phụ sau sinh nếu thấy bất cứ bất thường nào cũng cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, phát hiện và xử lý kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.!.