Tại sao trải qua 81 kiếp nạn nhưng Trư Bát Giới không trở thành Phật
Tôn Ngộ Không từng đại náo thiên cung, hạ đao sát giới gây nhiều biến cố vẫn trở thành Phật. Trong khi Trư Bát Giới lại không có may mắn ấy.
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng là biểu tượng cho nhân sinh, là đại diện tinh thần tích cực, Tôn Ngộ Không là đại biểu sức mạnh, Sa Tăng là sự chân thành kiên nhẫn. Trong khi đó, Trư Bát Giới là đại diện của dục vọng và lòng tham của con người.
Tây Du Ký là tác phẩm nổi tiếng đi sâu vào lòng người. Thông thường mọi người chỉ hiểu đơn thuần Tây Du Ký là câu chuyện thầy trò Đường Tăng trải qua trùng trùng gian nguy để đến Tây Thiên thỉnh kinh.
Tuy nhiên, đằng sau đó còn có những huyền cơ khó giải đáp.
Trư Bát Giới lúc đầu giữ chức Thiên Bồng Nguyên Soái ở Thiên đình, là người chỉ huy hơn 8 vạn thủy binh ở Thiên Đình.
Trong bữa tiệc lớn ở Thiên đình, hội tụ đủ các chức sắc, Trư Bát Giới đã bị mê hoặc khi lần đầu tiên nhìn thấy Hằng Nga.
Cùng với men say của rượu, Bát Giới đã tán tỉnh Hằng Nga, không những thế Thiên Bồng Nguyên Soái còn tới phủ của Hằng Nga để trêu ghẹo nàng. Quá tức giận, Hằng Nga đã tâu với Ngọc Hoàng, Ngọc Hoàng tức giận đày Thiên Bồng Nguyên Soái xuống hạ giới.
Trong lúc say, xuống cửa trần đầu thai, Thiên Bồng Nguyên Soái ngã nhầm vào cửa lợn, hóa kiếp thành con lợn ở dương gian.
Quan Thế Âm Bồ Tát đặt tên cho Thiên Bồng Nguyên Soái là Trư Ngộ Năng triết tự là: Chữ “Trư” nghĩa là lợn, tượng trưng cho dục vọng của người tu luyện; còn chữ “Năng” nghĩa là tài năng, bản lĩnh, và khả năng.
Trư Ngộ Năng có nghĩa là “con lợn (tái sinh) ngộ ra khả năng của mình” để ám chỉ việc Bát Giới luôn tự đánh giá mình quá cao mà quên mất mình mang một hình hài kinh khủng.
Xuống dương gian, Trư Ngộ Năng vẫn chứng nào tật nấy. Thấy con gái nhà họ Cao xinh đẹp, hiền thục, “anh lợn” đã bắt cóc và ép cô nương ấy phải kết hôn với mình.
Trong một lần Đường Tăng và Tôn Ngộ Không đến trang trại gia đình họ Cao thì biết chuyện.
Ngộ Không và Bát Giới đánh nhau. Nhưng đến cuối, Bát Giới lại phát hiện ra rằng đây là đồ đệ của Tam Tạng, người mà Quan Thế Âm đã chỉ định để Bát Giới đi theo phò tá, chuộc lại lỗi lầm đã gây ra.
Bát Giới liền chấp niệm và nguyện ý đi theo phò trợ Đường Tăng.
Đến khi trở thành đồ đệ của Đường Tăng, Đường Tăng đã đặt tên là Bát Giới với ý nghĩa là “Tám ranh giới bị kiềm chế” (không sát sinh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói bậy, không uống rượu, không trang điểm, không nằm ngồi giường quá rộng, ăn chay) để nhắc nhở Bát Giới phải luôn biết tu sửa mình.
Về tài thuật, Bát Giới tinh thông 36 phép thiên cang trong 108 phép thiên cương địa sát của Đạo giáo, có thể nói là vô cùng lẫm liệt oai phong.
Tuy số lượng chỉ bằng một nửa 72 phép địa sát của Tôn Ngộ Không nhưng uy lực chỉ có hơn chứ không kém. Mặc dù vậy, do năng lực hạn chế nên trong Tây du ký, phép thuật của Trư Bát Giới tỏ ra thua kém rõ rệt so với Tôn Ngộ Không và nhiều yêu quái khác.
So với Ngộ Không, Bát Giới và Sa Ngộ Tịnh giỏi chiến đấu ở dưới nước hơn. Vũ khí chính của Trư Bát Giới là một cây bồ cào, được luyện ở Thiên Đình, nặng khoảng 5.048 kg.
Trong ba sư đồ thì Bát Giới dường như lại là người “kém cỏi” nhất.
Bát Giới vốn là hạng phàm phu tục tử, biếng lười trụy lạc, loạn tính dâm tòng. Xuất phát điểm như thế, nên Bát Giới trong quá trình tu luyện cũng phải đối mặt với hết thảy mọi nhân tâm và dục vọng.
Trên đường đi lấy kinh, Bát Giới đã gặp rất nhiều phiền toái, vô cùng nguy hiểm chỉ vì tham ăn, tham ngủ. Nếu không có sự ngăn cản, trợ giúp của Tôn Ngộ Không thì Trư Bát Giới sớm đã trở thành “món ngon” trong miệng bầy yêu quái.
Khi bắt đầu bước trên hành trình đến Tây Thiên lấy kinh, Trư Bát Giới là kẻ háo sắc, hễ nhìn thấy mỹ nữ là lập tức mọi người “tìm không ra” nữa, không còn phân biệt được người hay yêu quái nên đã nhiều lần bị nguy hiểm.
Mỗi khi gặp yêu quái ngăn trở, ngay cả Tôn Ngộ Không cũng không có kế thì Trư Bát Giới luôn áng chừng phần của cải của mình trong đoàn và nhớ kỹ rồi sau đó chạy lấy người.
Không chỉ mang hình hài “nửa lợn, nửa người”, mà ở Bát Giới còn hội tụ đầy đủ nhân tâm và những thứ dục vọng của người thường, như lười biếng, tham ăn, háo sắc, lại hay ghen tị và thích đặt điều nói xấu huynh trưởng đồng môn.
Cũng chính vì không giữ đạo hạnh, buông thả nhân tâm, nên Bát Giới khó có thể phát huy các thần thông vốn có của mình, lại thường hay thoái lui trong các cuộc trừ yêu diệt quái. Nhưng Trư Bát Giới lại có tính tham công lao, luôn lấy công lao của người khác ghi tạc thành công lao của bản thân, hướng đến Sư phụ tranh công.
Trên đường đi lấy kinh, núi cao, nước sâu lại có vô vàn khổ nạn giữa đường. Mỗi khi gặp khó khăn, khổ nạn, Trư Bát Giới lại dễ dàng đòi rút lui, nửa đường bỏ cuộc.
Trong hồi cuối ở bến Lăng Vân, nhìn thấy một dòng nước cuồn cuộn, sóng vỗ tung trời, rộng tới tám chín dặm, xung quanh không có lấy một bóng người, chỉ nguyên một cây cầu độc mộc, Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng ba người lo lắng không thôi.
Thấy Bát Giới rụt rè không dám bước lên, Tôn Ngộ Không bước lên trước, níu lại nói: “Phải bước qua cầu mới thành chính quả”.
Bát Giới nói: “Sông thì rộng, sóng thì dữ, độc một cây gỗ vừa nhỏ vừa trơn, ai dám đặt chân?”. “Trơn lắm! Trơn lắm! Không qua được đâu, anh tha cho tôi, để tôi cưỡi mây qua thôi!”.
Đến cuối bước đường tu luyện, cũng chính những nhân tâm dục vọng ấy đã khiến Bát Giới không thể thành Phật, chỉ có thể đắc được một chút ít phước báo mà thôi.
Hay nói theo cách khác, vì căn cơ kém cỏi nhất, nên yêu cầu dành cho Bát Giới chỉ dừng lại ở “Ngộ Năng” và “Bát Giới”, cũng tức là cần gìn giữ giới luật, tu chính nhân tâm, mới có thể bước vào hàng sa môn.
Nhớ lại trong nguyên tác, khi đến núi Linh Sơn lĩnh hội chân kinh.
Như Lai nói: “Tuy tính ương vẫn còn, sắc tình chưa hết, nhưng dọc đường gánh hành lý có công, gia phong nhà ngươi chức chính quả là Tịnh Đàn Sứ Giả”.
Nghe vậy, Bát Giới miệng lầu bầu: “Mọi người đều thành Phật, tại sao chỉ mỗi mình con là Tịnh Đàn Sứ Giả?”.
Như Lai lại nói: “Tại nhà ngươi ăn khỏe tính lười, dạ dày to lắm. Mà khắp bốn đại bộ châu trong thiên hạ, những nơi ngưỡng mộ đạo ta rất nhiều, phàm các việc Phật, ta giao cho nhà ngươi làm tịnh đàn, cũng là một chức phẩm có được ăn uống, sao lại không tốt?”.
Nếu người tu luyện vẫn còn ôm giữ các loại dục vọng và tính xấu của người thường, thì lại càng cần phải ngộ về “Năng”. Bởi dẫu họ tài năng đến đâu, bản lĩnh đến nhường nào, nhưng nếu không giữ gìn giới luật, không tu chính nhân tâm, thì sẽ không thể phát huy khả năng vốn có của mình.
Nhưng bên cạnh một Trư Bát Giới với những nhược điểm trên là một nhân vật với rất nhiều đức tính tích cực. Trước hết, Trư là người cương cường, không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ ma chướng nào dù là loại hung dữ nhất hay gặp phải những hoàn cảnh khủng khiếp nhất (bị ninh, bị nấu, bị đánh, bị bắt trói dìm sông, bị treo lên cột hàng mấy ngày liền…).
Không chỉ vậy, Trư là một trợ thủ đắc lực của Tôn Ngộ Không trên con đường vạn dặm đi Tây Thiên.
Vừa gia nhập “đội Đường Tăng”, Trư đã lập công lớn, tiêu diệt ngay tên hổ tiên phong của trùm quái Hoàng Phong chỉ bằng một nhát đinh ba.
Trong hàng chục trận chiến đấu ác liệt như trận đánh ở núi Sư Đà, động Ba Tiêu, sông Thông Thiên cạnh Trần Gia Trang… hai huynh đệ Tôn Ngộ Không- Trư Bát Giới đã sánh vai, nương tựa nhau cùng chống lại bọn yêu quái.
Đến cuối tiểu thuyết, tất cả các nhân vật chính, bạn đồng hành của Bát Giới đều đạt đến mục đích cuối cùng của mình, tức là trở thành Phật hoặc La Hán.
Chỉ riêng mình Bát Giới là không, bởi dù đã có nhiều cải biến, Bát Giới vẫn còn quá nhiều ham muốn.
“Dục vọng của con người mãi mãi không thể thay đổi. Con người chỉ có thể cố gắng nỗ lực để lấn át dục vọng phần nào”.