Tết là gì? Vì sao 11 ngày tết còn lại không thể ‘so bì’ với Tết Nguyên đán?

1. Tết Nguyên đán là gì?

Tết Nguyên đán là ngày lễ hội lớn nhất trong năm nên còn được gọi là Tết Cả, Tết Cổ truyền, Tết Âm lịch, Tết ta, hay chỉ đơn giản là: Tết.

Tết Nguyên đán là thời điểm chuyển giao giữa một năm mới và năm cũ, giữa chu kỳ vận hành của thiên nhiên, đất trời. Ngoài ra, với nhiều người Tết Nguyên đán là dịp để các gia đình đoàn tụ, trở về quê hương và hướng về tổ tiên.

3 chữ Tết Nguyên Đán có nguồn gốc cách đọc âm của tiếng Hán – Việt, trong đó từ “Tết” là cách đọc lệch đi của chữ “tiết”. Chữ “nguyên” trong chữ Hán có nghĩa là sơ khởi hoặc là sự khởi đầu, còn “đán” nghĩa là buổi sáng sớm. Do đó, nếu đọc đúng phiên âm thì ta cần đọc là “Tiết Nguyên Đán”, nhưng điều này không cần thiết – khi từ “Tết” đã thành thân thuộc cả ngàn năm nay với người Việt.

Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong năm. Ảnh minh họa.

2. Cách tính ngày Tết Nguyên đán

Tết Nguyên đán được tính theo lịch Âm nên thường diễn ra muộn hơn Tết Dương lịch (hay còn gọi là Tết Tây).

Theo quy luật tính của Âm lịch thì cứ 3 năm nhuận 1 tháng nên Tết Nguyên đán thường diễn ra vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 theo dương lịch, và không bao giờ đến sớm hơn Tết Dương lịch.

Tuy lịch nghỉ Tết chính thức không quá dài, nhưng một kỳ Tết Nguyên đán mà người dân khắp nơi hướng đến với tâm thế nghỉ ngơi, hướng về nguồn cội và gia đình, thường kéo dài từ 7 đến 8 ngày cuối của năm cũ và 7 ngày đầu của năm mới (tức là từ 23 tháng Chạp cho đến hết ngày 7 tháng Giêng).

3. Nguồn gốc Tết Nguyên đán

Cho tới thời điểm này, Tết Nguyên đán có nguồn gốc thế nào vẫn còn là vấn đề có nhiều kiến giải khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là quan niệm khẳng định nguồn gốc thuần Việt của Tết Nguyên đán – trước khi chính tên gọi này được du nhập và sử dụng để gọi tên cho ngày Tết Việt.

Theo sự tích “Bánh chưng bánh dày” thì kể từ trước thời các Vua Hùng, người Việt Nam đã có tập tục ăn Tết, tức là trước cả thời Bắc thuộc.

Khổng Tử là bậc “thánh nhân” của lịch sử Trung Quốc từng đề cập tới trong cuốn Kinh Lễ rằng “Ta không biết Tết là gì chỉ nghe là đây là tên của 1 lễ hội lớn của người Man. Vào những ngày đó, họ thường nhảy múa, uống rượu và ăn chơi”.

Ngoài ra, trong sách Giao Chỉ Chí cũng chép lại rằng “Người Giao Quận thường tập trung thành từng hội nhóm nhảy múa, hát ca, ăn uống vui chơi trong nhiều ngày liền để mừng 1 mùa cấy trồng mới. Không chỉ có người làm nông, cả những người của Chúa động, Quan lang đều tham gia vào lễ hội này”.

Tục ăn Tết có từ trước thời vua Hùng. (Ảnh: Pinterest)

Từ những tài liệu sử sách này có thể thấy thực chất Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Việt Nam. Do cùng sử dụng lịch âm (còn gọi là lịch âm dương, lịch mặt trăng) nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam và Trung Quốc có điểm tương đồng, nhưng vẫn có nhiều nét riêng của từng quốc gia.

4. 11 ngày Tết cổ truyền khác ở Việt Nam

Tết Nguyên đán là ngày Tết quan trọng nhất của người Việt từ nghìn xưa tới nay. Ngoài ra, trong 1 năm, người Việt Nam có rất nhiều ngày lễ Tết khác, nhìn chung được cho rằng đó là 11 ngày Tết bên dưới.

4.1. Tết khai hạ

Tết khai hạ hay còn gọi là Tết hạ cây nêu, Tết hóa vàng, Tết tạ năm mới cũng là lúc đánh dấu mọi người phải quay trở lại với công việc thường ngày và báo hiệu kết thúc Tết Nguyên Đán. Bởi theo phong tục xưa, mọi người sẽ dựng cây nêu và treo đồ trang trí lên đó kể từ 23 tháng Chạp. Họ làm vậy là để biểu thị cho mong muốn xua đuổi ma quỷ muốn tới quấy phá, đồng thời tiễn những chuyện xui xẻo của năm cũ đi và nghênh đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp tới.

Không những thế, vào dịp này, mọi người thường tổ chức nghi thức tiễn gia tiên về trời sau những ngày đoàn tụ cùng con cháu ăn Tết. Bởi trong quan niệm của người Việt, các bậc gia tiên sẽ về ngự trên ban thờ mỗi gia đình để cùng con cháu ăn Tết. Sau khi những ngày Tết kết thúc, con cháu sẽ làm 1 lễ tạ tổ tiên, chư vị thánh thần, gia thần và chư Phật.

Tết Khai hạ thường diễn ra vào mùng 7 Tết. (Ảnh: Pinterest)

Trước đây, Tết khai hạ thường diễn ra vào mùng 7 Tết Nguyên Đán, lúc này, người dân cũng sẽ hạ cây nêu ngày Tết xuống. Tuy nhiên, hiện nay, tùy theo điều kiện của mỗi gia đình, Tết khai hạ có thể tổ chức từ mùng 3 cho tới mùng 10 tháng Giêng.

4.2. Tết Nguyên tiêu vào Rằm tháng Giêng

Tết Nguyên tiêu còn được gọi là Tết Thượng Nguyên. Trong Âm lịch, đây là ngày rằm đầu tiên của một năm mới. Tết rằm tháng Giêng bắt đầu kể từ đêm 14 cho tới hết ngày 15 tháng Giêng (theo Âm lịch). Ngày này cũng là ngày vía Phật tổ trong đạo Phật.

Xuất phát từ câu nói “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”, trong văn hóa của người Việt xưa, Tết rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ quan trọng. Vì thế, vào ngày này, các gia đình sau khi đi lễ chùa sẽ chuẩn bị 1 mâm cỗ cúng để bày tỏ lòng biết ơn và dâng lên thánh thần, chư Phật và tổ tiên.

4.3. Tết hàn thực

Tết Hàn thực diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 hàng năm theo Âm lịch. Tết Hàn thực thường diễn ra chủ yếu tại khu vực phía Bắc Việt Nam và Trung Quốc. Ngày Tết này bắt nguồn từ một truyền thuyết của người Trung Quốc nhưng sau khi du nhập vào Việt Nam thì Tết Hàn thực đã mang ý nghĩa khác.

Tết Hàn thực có nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh. (Ảnh: Pinterest)

Trong tiếng Hán – Việt, “hàn” nghĩa là lạnh, “thực” là ăn, “Tết Hàn thực” có nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh. Vào ngày này, người Việt sẽ làm bánh trôi và bánh chay hoặc xôi chè để tưởng nhớ tới những người đã khuất.

4.4. Tết Thanh minh

Tết Thanh minh là một trong những dịp lễ Tết gắn với đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam. Đây cũng là ngày để mọi người có dịp báo hiếu, đền đáp ơn sinh thành của tổ tiên. Tết Thanh minh không có ngày cố định mà sẽ diễn ra từ ngày 4/4 (khi tiết xuân phân kết thúc) đến 21/4 Dương lịch (là thời điểm bắt đầu Tiết Cốc Vũ).

Theo cách tính của người Việt, 1 năm có 24 tiết khí, mỗi một tiết khí ứng với 1 kiểu thời tiết của 4 mùa trong năm. Người dân sẽ dùng những tiết khí này để tính thời điểm gieo trồng thuận tiện nhất. Trong 24 tiết khí thì tiết Thanh minh là trong lành nhất. Đây cũng là lúc phù hợp nhất để mọi người thực hiện nghi thức tảo mộ.

Vào dịp này, con cháu trong các gia đình sẽ tới thăm mộ của tổ tiên, cùng nhau làm cỏ, dọn dẹp, sửa sang, thắp hương và dâng hoa quả tưởng nhớ ông bà tổ tiên. Chính vì ý nghĩa tốt đẹp này nên Tết Thanh minh được mọi người rất chăm chút và tổ chức long trọng.

4.5. Tết Đoan Ngọ

Trung Quốc lại treo cây ngải cứu lên cửa nhà?”>Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ, Tết Đoan Dương diễn ra vào giờ Ngọ ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch hàng năm. Tết Đoan Ngọ là ngày Tết truyền thống tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. Tại Việt Nam, Tết Đoan Ngọ là ngày được phát động để tiêu diệt các loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng nên được gọi Tết diệt sâu bọ.

Vào Tết Đoạn Ngọ, mọi người thường ăn các loại thức ăn diệt trừ sâu bọ. (Ảnh: Pinterest)

Trong tiếng Hán – Việt, “đoan” nghĩa là mở đầu, “Ngọ” chính là khoảng thời gian từ 11 giờ trưa tới 1 giờ chiều. Vì thế, Đoan Ngọ là lúc Mặt trời ở gần Trái đất nhất. Ăn Tết Đoan Ngọ tức là ăn Tết vào buổi trưa.

4.6. Tết Trung Nguyên

Tết Trung Nguyên là ngày Tết diễn ra vào ngày rằm tháng Bảy Âm lịch. Tết Trung Nguyên có nguồn gốc từ lễ Vu Lan. Ngày Tết này còn trùng với ngày xá tội vong nhân. Xuất phát từ tư tưởng của Nho giáo và Đạo giáo, Tết Trung Nguyên là dịp để tế lễ tổ tiên. Bởi đây là ngày Địa cung xá tội cho các vong hồn ma quỷ lang thang không nơi trú.

Do đó, vào ngày này, người dân sẽ làm mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên và 1 mâm cúng dành cho các vong hồn ở trước nhà. Việc cúng rằm được thực hiện vào ban ngày và hoàn thành trước khi mặt trời lặn.

4.7. Tết Trung thu

Tết Trung thu theo Âm lịch là ngày rằm tháng Tám hàng năm. Đây là ngày chính giữa của mùa thu và được coi là ngày tốt để làm lễ tế thần Mặt trăng cũng là dịp để các gia đình đoàn tụ, sum họp. Vì thế, Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên.

Tết Trung thu còn được gọi Tết đoàn viên, Tết trẻ em. (Ảnh: Pinterest)

Trong ngày Tết này, người Việt sẽ cùng các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau làm mâm cỗ cúng dâng lên gia tiên. Tới khi đêm xuống, trăng lên, hàng xóm láng giềng sẽ cùng nhau ngồi ngắm trăng, tổ chức các trò chơi cho trẻ em rước đèn, múa Lân và phá cỗ…

4.8. Tết Trùng cửu

Ngày mùng 9 tháng 9 Âm lịch hàng năm được gọi là Tết Trùng cửu, hay còn gọi là Tết Trùng Dương. Tết Trùng cửu dựa trên sự lặp lại của con số 9 để nói về ngụ ý sự khỏe mạnh dài lâu, sự trường thọ. Do đó, vào ngày lễ này con cháu sẽ cùng cha mẹ, ông bà ăn một bữa cơm ấm cúng.

Tết Trùng Cửu còn có tên gọi khác là Từ thanh, nghĩa là “đạp lên thảm cỏ xanh”. Bởi đây là thời điểm tiết khí đẹp nhất trong năm, sau ngày này thời tiết sẽ chuyển sang mùa đông, cỏ cây héo úa không thích hợp để đi thưởng ngoạn. Vì thế, Tết Trùng Cửu là dịp để mọi người leo lên núi cao để ngắm cảnh và hít thở không khí trong lành.

Tết Trùng cửu là dịp để mọi người leo lên núi cao ngắm cảnh và hít thở không khí trong lành. (Ảnh: Pinterest)

4.9. Tết Trùng thập

Tết Trùng thập diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 10 hoặc Rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm. Trong tiếng Hán – Việt số 10 được gọi là “thập” nên mọi người còn gọi ngày này là Tết Song thập.

Theo sách Dược lễ, ngày mùng 10 tháng 10 Âm lịch là ngày tốt, tháng lành để cây thuốc hấp thu khí âm dương của đất trời, của 4 mùa để đạt chất lượng tốt nhất. Vào ngày này, các thầy thuốc sẽ tổ chức một bữa tiệc long trọng và mời khách hàng thân thiết, họ hàng, bạn bè tới cùng chung vui với mình.

4.10. Tết Hạ nguyên

Ở một số vùng nông thôn tại Việt Nam, Tết Hạ nguyên là thời điểm vừa thu hoạch xong nên người dân gọi ngày này là Tết mừng cơm mới. Tức là vào ngày rằm tháng 10 Âm lịch, người nông dân sẽ tổ chức nghi lễ làm bánh dày, thổi cơm mới, luộc gà, nấu chè kho… để dâng lên bàn thờ của tổ tiên và trời đất. Sau khi hoàn thành nghi lễ, họ sẽ đem những thứ này đi biếu họ hàng, bạn bè, làng xóm.

Vào ngày Tết Hạ nguyên, người nông dân sẽ tổ chức nghi lễ làm bánh dày, thổi cơm mới để dâng lên bàn thờ tổ tiên. (Ảnh: Pinterest)

4.11. Tết ông Công ông Táo

Tết ông Công ông Táo là một trong những dịp lễ quan trọng của người Việt. Hàng năm, cứ tới 23 tháng Chạp là người người nhà nhà lại chuẩn bị 1 mâm cỗ cùng đầy đủ vàng mã và đặc biệt không thể thiếu cá chép để tiễn ông Công ông Táo về trời. Bởi theo sự tích dân gian của người Việt, vào ngày này, Táo Quân sẽ cưỡi cá chép về trời trình báo mọi việc lớn nhỏ của nhân gian tới Ngọc Hoàng. Tới đêm Giao thừa, Táo Quân sẽ quay trở lại hạ giới để tiếp tục công việc của mình.

5. Vì sao Tết khác không thể so với Tết Nguyên Đán?

Tết Nguyên đán là ngày Tét lớn nhất của Việt Nam và đây cũng là ngày có ý nghĩa vô cùng sâu sắc với người dân. Tết Nguyên đán là thời điểm giao thời giữa năm mới và năm cũ, giữa chu kỳ vận hành của thiên nhiên, đất trời. Bởi Tết cũng là biểu hiện của sự xoay chuyển của các mùa và nó cũng mang ý nghĩa rất đặc biệt với xã hội lấy nông nghiệp làm trọng như Việt Nam.

Tết là dịp để các mối quan hệ thân thuộc của mỗi người được thắt chặt hơn. Thông qua các buổi đoàn viên, tụ họp, tình cảm gia đình, họ hàng, làng xóm, thầy trò, đồng nghiệp… cũng thêm phần phát triển, thắm thiết.

Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. (Ảnh: Pinterest)

Tết Nguyên đán cũng được coi là dịp để con cháu “đoàn tụ” với tổ tiên, người thân đã khuất. Điều này thể hiện một phần quan trọng qua những bữa cơm vào chiều cuối năm (chiều 30 Tết với năm đủ), trước giao thừa, để mời linh hồn ông bà, tổ tiên và người thân về ăn Tết cùng trong suốt những ngày đầu năm mới.

Và Tết Nguyên đán cũng là lúc để mọi người có cơ hội làm mới mọi thứ như dọn dẹp, sơn sửa, trang trí lại nhà cửa. Mọi đồ vật trong nhà đều được lau chùi, người lớn và trẻ nhỏ đều được tắm gội và mặc quần áo mới. Đây cũng là dịp để mọi người làm mới tinh thần, bỏ lại những buồn phiền, khó chịu của năm cũ lại và cải thiện mối quan hệ tốt đẹp hơn trong năm mới.

Trong tâm thức của người Việt, những ngày Tết Nguyên đán luôn là báo hiệu cho 1 năm mới tốt đẹp hơn, hoặc chí ít là chất chở những hy vọng chắc chắn rằng: Năm cũ sẽ mang theo những điều không tốt đi và năm mới sẽ mang đến những điều may mắn.

Và tất nhiên Tết Nguyên đán là kỳ nghỉ “thiên đường” của trẻ em, được người lớn mừng tuổi, được ăn ngon mặc đẹp hơn ngày thường, được ngắm nhìn khắp nơi nơi sắc màu rực rỡ và ấm áp…

6. Tết là mang tiền về cho mẹ và du lịch thỏa thuê6.1. Tết là mang quà về cho cha mẹ

Rapper Đen Vâu vừa ra mắt 1 sản phẩm âm nhạc mới có tên là “Mang tiền về cho mẹ”. Trong không khí Tết Nguyên đán đang đến rất gần, cái tên của bài hát vô cùng hợp hoàn cảnh này đã lập tức trở thành câu cửa miệng của giới trẻ. Điểm đặc biệt của bài hát này là ca từ không có từ nào nhắc đến Tết nhưng đều khiến chúng ta liên tưởng đến hình ảnh một đứa con xa quê sau một năm chăm chỉ cày cuốc đem tiền về cho mẹ sắm sửa ăn Tết.

Ngoài việc biếu tiền, bạn có thể tặng cha mẹ những thứ khác như bánh chưng, mứt kẹo… (Ảnh: Pinterest)

Ngoài tiền, bạn có thể biếu tặng cha mẹ những thứ quà khác như bánh chưng hoặc mứt kẹo, trà xanh, ô mai, rượu… Những món quà hữu dụng cho ngày Tết này để bố mẹ có thể bày biện trên bàn thờ dâng lên tổ tiên và sau đó cho con cháu trong nhà ăn lấy thơm lấy thảo dịp năm mới. Đây cũng như một lời chúc cho năm mới gia đình luôn đầy ắp những điều ngọt ngào, đầm ấm và hạnh phúc.

6.2. Tết là đi du lịch muôn nơi

Với cuộc sống hiện đại thì việc ngày Tết đi du lịch để có một kỳ nghỉ dài bên gia đình của mình không còn là điều xa lạ nữa. Dịch Covid-19 đã làm cho mọi người thay đổi thói quen đi du lịch của người Việt. Việc phải hạn chế di chuyển khiến cho mọi người chỉ có thể chọn những nơi nghỉ ngơi đảm bảo an toàn.

Với tình hình như hiện nay, xu hướng du lịch nghỉ dưỡng sẽ phù hợp hơn cả với các gia đình. Dịp Tết Nguyên đán, tất cả mọi nơi trong cả nước đều có khí hậu tốt nên dù chọn đi du lịch đâu cũng đều mang tới những trải nghiệm tốt đẹp khác nhau cho mọi người.

Nếu bạn là người yêu thích thiên nhiên, Sơn La chính là lựa chọn lý tưởng. Những điểm đến đẹp tại địa phương này mà gia đình bạn có thể tham khảo như thung lũng Nà Ka, Bản Phiêng Cành, thung lũng Mu Náu thuộc huyện Mộc Châu. Hoặc, bạn có thể ghé thăm mảnh đất cố đô – Ninh Bình. Đến với địa danh này, du khách có thể chiêm ngưỡng hệ thống hang động hết sức đa dạng cũng như những di tích lịch sử như Đền Trình, Đền Suối Tiên…

Tết là dịp để cả gia đình đi du lịch cùng nhau tận hưởng trải nghiệm mới. (Ảnh: Pinterest)

Ngoài ra, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Đồng Văn – Hà Giang, thác Bản Giốc – Cao Bằng, Mai Châu – Hòa Bình hay Tam Đảo – Vĩnh Phúc với vẻ đẹp hoang sơ, yên bình là điểm đến lý tưởng cho kỳ nghỉ ngắn ngày của gia đình nhân dịp Tết Nguyên Đán. Nếu xuôi về miền Trung thì bạn có thể tới thăm Bình Định, Đà Nẵng, Huế… chắc chắn gia đình bạn sẽ có những trải nghiệm rất đặc biệt cho chuyến du lịch vào dịp Tết Nguyên đán.

Còn nếu muốn cảm nhận không khí nắng ấm, bạn và gia đình có thể đi du lịch ở miền Nam và lựa chọn những nơi như Tây Ninh, Đà Lạt, Nha Trang, đảo Phú Quốc, vùng biển Tứ Bình hay Vũng Tàu. Mặc dù việc đi du lịch có thể thực hiện vào các thời điểm khác trong năm nhưng hãy thử nghĩ xem sẽ rất đặc biệt nếu đi vào dịp Tết Nguyên đán.

Đi du lịch vào dip này chính là thời gian thoải mái nhất mà ta không cần phải nghĩ đến việc mai phải hoàn thành công việc, phải kiếm tiền thế nào mà có thể tận hưởng hoàn toàn. Vì thế, tại sao không thử đến 1 nơi thật xa, nghe những câu chuyện mới và trải nghiệm những hành trình mới vào Tết Nguyên đán nhỉ?

https://soha.vn/tet-la-gi-vi-sao-11-ngay-tet-con-lai-khong-the-so-bi-voi-tet-nguyen-dan-20220101165538867.htm