Tỉa chân nhang trước hay sau khi cúng ông Công ông Táo?
Việc tỉa chân nhang (hương) trong ngày cúng ông Công ông Táo cũng là vấn đề được nhiều gia đình quan tâm.
Tỉa chân nhang trước hay sau cúng ông Công ông Táo là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Có người quan niệm rằng, nên tỉa chân nhang sau lễ cúng ông Công ông Táo về chầu trời. Bởi vì thời gian này, ông Công ông Táo đi vắng nên có thể tranh thủ dọn dẹp bàn thờ, rút chân hương. Ngược lại, cũng có người cho rằng, nên bao sái bàn thờ sạch sẽ, thơm tho, rút tỉa chân nhang gọn gàng xong mới cúng ông Công ông Táo thì hợp lý hơn.
Tuy nhiên, khu vực thờ cúng là nơi thờ cúng thần linh, gia tiên, bà cô ông mãnh trong nhà. Việc Táo quân “tạm thời” vắng nhà cũng không liên quan đến việc bao sái ban thờ.
Tùy thuộc vào văn hóa dân gian từng vùng miền trên đất nước việc dọn dẹp, giữ sạch sẽ khu vực bàn thờ cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Cũng có những địa phương cho rằng hương cháy sẽ để lại tàn rơi xuống chân nhang nên nhà nào mà có bát hương vòng to “khủng”, bề thế, đẹp là có “lộc hương”. Do đó, chắc chắn nhà có bát hương như này là gia chủ có phước lớn, nhiều tài lộc, điềm báo của một sự may mắn, đầy đủ mà bề trên trao tặng.
Tuy nhiên, việc dọn dẹp, giữ sạch sẽ khu vực thờ cúng nên được diễn ra thường xuyên chứ không nhất thiết phải đến ngày lễ. Riêng đối với dịp cuối năm, rút tỉa chân nhang nên được thực hiện sau nghi thức cúng ông Công ông Táo.
Thời gian trong năm định kỳ mỗi tháng vào mùng 1 và ngày Rằm có cúng thần linh, gia tiên thì bàn thờ đã được lau dọn trang nghiêm thanh tịnh rồi. Tỉa chân nhang là việc cần có thời gian, làm nhẹ nhàng chu đáo nên có thể thực hiện sau khi cúng ông Công ông Táo.
Lưu ý trước khi tỉa chân nhang
– Điều đầu tiên cần lưu ý khi thực hiện tỉa chân nhang hoặc nghi thức cúng ông Công ông Táo là con người phải sạch sẽ, gọn gàng. Phụ nữ khi đến ngày “rụng dâu” thì không được thực hiện.
– Bát hương đã được an vị từ trước, đại kỵ dịch chuyển. Bởi vậy trong quá trình rút tỉa chân nhang thì tốt nhất là giữ yên không xê dịch. Nếu bắt buộc dịch chuyển thì phải xin khấn, xin đài nếu các cụ “đồng ý” thì mới được di sang chỗ khác. Sau khi tỉa chân nhang xong, lau chùi sạch sẽ và xin an vị lại bát hương.
Tỉa chân nhang như thế nào mới đúng phong thủy?
– Thắp 3 nén hương thành kính, xin khấn gia thần và tổ tiên cho phép được rút tỉa chân nhang, bao sái ban thờ. Khi nào nhang cháy hết thì bắt đầu công việc rút tỉa và lau dọn.
– Một tay giữ bát hương yên vị, tay còn lại nhẹ nhàng rút từng chân nhang đến khi còn lại 1 hoặc 3 chân hương. Thông thường, mọi người hay để 3 chân nhang còn lại trong bát hương (tượng trưng cho Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa). Chân hương khi tỉa xong để gọn lên một tờ giấy sạch.
– Dùng khăn sạch vò bằng nước ấm để lau xung quanh bát hương. Nhưng chu đáo hơn thì dùng nước ngũ vị hương hoặc rượu gừng để tẩy uế cho bát hương. Nước ngũ vị hương có bán sẵn ngoài chợ hoặc bạn có thể mua gói khô về đun lọc lấy nước. Rượu gừng thông thường ngâm thành hũ để dùng lau dọn bàn thờ cả năm. Rượu gừng pha với nước ấm, không dùng rượu gừng trực tiếp.
– Lau sạch bát hương trước, sau đó mới đến đồ thờ. Chân nhang đã tỉa xong mang hóa thành tro rồi đổ vào gốc cây hoặc ao hồ nước sạch. Không bỏ tro vào thùng rác hoặc nơi ô uế, bẩn thỉu.
Văn khấn xin tỉa chân nhang cuối năm chuẩn phong thủy, hợp quy tắc thờ cúng, xin mời xem tại đây.
(Thông tin mang tính chiêm nghiệm)