Trăm nghìn tấn trái cây ùn ứ cửa khẩu, mít Thái quay đầu la liệt chờ "giải cứu"

Tính đến ngày 26/12, tổng số xe container chở hàng hóa xuất khẩu còn tồn tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là hơn 4.000 xe (trong đó số xe chở hoa quả xuất khẩu khoảng 2.900 xe), tập trung chủ yếu tại cửa khẩu Tân Thanh .

Nhiều tuần trước đó, hàng nông sản từ miền Tây trung chuyển đến Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là mít Thái và thanh long. Đây là những nông sản được trồng theo mùa vụ.

Theo anh Văn Phú Quỳnh, phụ xe chở mít từ tỉnh Tiền Giang, mấy ngày gần đây, nhiều xe đã phải quay đầu để xả hàng. Nhiều xe container chở thanh long vì chờ đợi quá lâu, thanh long bị hư hỏng đã phải đem đổ bỏ.

“Gần 5.000 container trái cây, mỗi xe tải trọng 20 tấn tính sơ sơ cả trăm ngàn tấn trái cây, nếu tiếp tục chờ đợi thông quan, chỉ thêm 1 tuần nữa sẽ phải lo không có chỗ đổ”, anh Quỳnh cho hay.

Trước tình trạng hàng trăm xe nông sản ùn ứ tại cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn, nhiều container chở mít Thái sắp hết thời hạn bảo quản buộc phải quay đầu, xả hàng.

Một xe container chở mít như trong hình, chủ hàng thiệt hại khoảng hơn 300 triệu đồng. Con số thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ đồng với các chủ hàng có nhiều xe bị ùn ứ tại cửa khẩu.

Mỗi quả mít đều được bán đồng giá là 100.000 đồng/quả. Các chủ xe chấp nhận bán với giá rẻ bằng 1/3 so với giá bán thông thường, với mong muốn sẽ tiêu thụ hết được số hàng đã tồn động trong gần 2 tuần qua.

Tại chợ trung tâm huyện Cao Lộc cách cửa khẩu Hữu Nghị khoảng 10km, trên bãi đất trống, gần chục container mít đang được chủ xe “xả hàng”. Bãi mít chất đống ven đường, treo biển “giải cứu mít” với giá 7.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Huyền, tiểu thương huyện Cao Lộc gần một tuần qua đã đóng cửa sạp hàng tạp hóa ra hỗ trợ lái xe bán mít. Bên đống mít khổng lồ, khách chỉ quả nào lấy quả đó, nhiều khi không cần cân, mà ước lượng cân nặng rồi trả tiền.

Nhiều gia đình ở Lạng Sơn đưa cả xe ô tô đến mua mít, tham gia cuộc giải cứu nông sản bất đắc dĩ.

Ngay tại thủ đô Hà Nội, những ngày qua trên một số tuyến đường ở Hà Nội như Hồ Tùng Mậu, Kim Ngưu, Tôn Thất Thuyết, Phạm Ngọc Thạch, Quán Thánh… xuất hiện nhiều xe tải lớn chở mít Thái quay đầu từ Lạng Sơn về bán dọc vỉa hè. Theo khảo sát, mức giá bán của mít Thái “giải cứu” khá rẻ, trung bình khoảng 6.000-10.000 đồng/kg.

Không chỉ ở các vỉa hè, trên các trang mạng xã hội, một số cá nhân bắt đầu kêu gọi hoặc đứng ra nhận bán mít Thái online giúp người quen, họ hàng với mức giá dao động từ 6.000-12.000 đồng/kg.

Với những xe nằm lâu, mít đã chín quá, có dấu hiệu bắt đầu thối hỏng được rao bán đồng giá 10 đến 20 nghìn/quả.

Nhiều quả mít khi gỡ trên xe xuống bổ ra đã chín vàng, nhưng cũng có rất nhiều quả đang trong tình trạng hỏng và thối.

Trả lời báo chí tại cuộc họp về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hàng nông sản xuất sang Trung Quốc được tổ chức chiều 21/12, ông Vi Công Tường – Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho hay, các thương nhân xuất chủ yếu theo hình thức tiểu ngạch do chính sách miễn thuế 8.000 nhân dân tệ/ngày/người cho cư dân biên giới. Không có hợp đồng mua bán khiến rủi ro rất lớn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, Sở Công thương tỉnh này đã có văn bản khuyến nghị các tỉnh ĐBSCL khuyến cáo các tư thương tạm dừng đưa hàng lên cửa khẩu, tiêu thụ tại chỗ và tiêu thụ nội địa để tránh tình trạng hàng tiếp tục ùn ứ, gây ách tắc ở vùng biên và hư hỏng trái cây.

Tỉnh cũng khuyến khích lái xe quay đầu, đưa hàng nông sản về các tỉnh để tiêu thụ. “Những lúc như thế này, cần sự chung tay của người dân để chia sẻ khó khăn”, ông Thiệu nói.

Lý do hàng nông sản ùn ứ hơn chục ngày qua, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho biết, một số thương lái người Trung Quốc sang Việt Nam lấy hàng, khi về nước xét nghiệm cho kết quả dương tính. Ngoài ra, tại một số địa phương bên nước bạn tiếp giáp với cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma… xuất hiện dịch nên Trung Quốc đã phong tỏa để phòng chống dịch.

Những quả mít được vận chuyển từ miền Nam ra đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, vốn dĩ thuộc dòng “xuất ngoại” nhưng giờ phải vứt bỏ chỏng chơ nơi góc đường quốc lộ, nhiều quả đã bị hỏng, thối nát bán tháo với giá rẻ giật mình như cho 10.000/quả.

Người dân vùng biên ngợp trong “biển” mít chờ “giải cứu”.

“Xe hàng của tôi chở gần 20 tấn mít thái chờ xuất sang Trung Quốc tiêu thụ nhưng gần 2 tuần nay bị tắc biên. Xe phải mở máy lạnh 24/24 để bảo quản hàng. Cả một đống tiền nằm im, công sức cả năm trời của bà con không được đền đáp xứng đáng. Càng nghĩ mà tôi càng buồn, giờ đành chấp nhận xả hàng với giá rẻ, hi vọng gỡ được tiền vốn là may rồi”, một chủ hàng buồn bã tâm sự.

Mặc dù các bộ ngành, địa phương đã khẩn trương vào cuộc tháo gỡ, nhưng năng lực thông quan, giải phóng hàng hóa hiện vẫn rất hạn chế. Việc hàng ùn ứ nhiều ngày ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp…

Theo các chuyên gia, sâu xa hơn là hệ quả tất yếu của việc sản xuất, tiêu thụ bị động, thiếu kế hoạch, định hướng. Do đó, một trong những giải pháp căn cơ nhất để không còn điệp khúc “giải cứu” chính là người nông sân phải nhanh chóng thay đổi tư duy sản xuất.

Bên cạnh đó, nông sản Việt phải đáp ứng mọi tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đức… Như vậy, cùng với công nghệ chế biến, hệ thống kho lạnh thì không lo cảnh được mùa rớt giá, hay bị lệ thuộc vào bất cứ thị trường nào.