Vụ bé 8 tuổi bị bạo hành, tử vong: Người bố và "dì ghẻ" sẽ đối diện mức án nào nếu thay tội danh?

Đồng phạm sẽ bị xử lý theo tội danh của “dì ghẻ”

Tối 31/12, Thượng tá Nguyễn Tiến Đạt – Trưởng Công an quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) cho biết, cơ quan CSĐT đã khởi tố, bắt giam đối tượng Nguyễn Võ Quỳnh Trang (SN 1996) về hành vi Hành hạ trẻ em và bắt khẩn cấp ông Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985, bố bé V.A.) vì có vai trò giúp sức hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em.

Theo Thượng tá Đạt, hiện cơ quan điều tra cũng đang tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ vai trò của bị can Thái trong vụ việc. Nếu đủ yếu tố, đủ cơ sở thì cơ quan chức năng sẽ thay đổi tội danh của hai đối tượng trên.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá, việc cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Kim Trung Thái (cha ruột của bé 8 tuổi bị bạo hành, tử vong) là điều dễ hiểu.

Với vai trò đồng phạm, Thái sẽ bị về xử lý tội danh tương ứng với Trang nhưng mức án thấp hơn

Bởi bạn gái của Thái đã đánh đập cháu V.A. nhiều lần, nhiều ngày, để lại nhiều thương tích cho đến khi cháu tử vong, mà Thái là người sống chung nên không thể không biết. Thậm chí, có thể còn tiếp tay, giúp sức cho đối tượng này thực hiện hành vi phạm tội.

Hiện CQĐT đã khởi tố Trang tội Hành hạ người khác theo điều 140 bộ luật hình sự năm 2015, với mức chế tài cao nhất của tội danh này là từ 1-3 năm tù. Thái với vai trò đồng phạm, sẽ bị xử lý về tội danh đó nhưng mức hình phạt của người xúi giục, giúp sức sẽ thấp hơn.

Trường hợp cơ quan điều tra chuyển tội danh đối với Trang sang tội Cố ý gây thương tích hoặc tội Giết người thì Thái là đồng phạm cũng sẽ chuyển tội danh theo để xử lý cùng một tội danh với vai trò đồng phạm. Vấn đề này cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngoài hành vi giúp sức để đối tượng khác thực hiện hành vi phạm tội, CQĐT sẽ làm rõ trong các vết thương để lại trên cơ thể nạn nhân có vết thương nào do chính người bố trực tiếp thực hiện hành vi gây ra hay không.

Vết thương đó có phải là nguyên nhân dẫn đến cháu bé tử vong hay không để xác định người cha này còn có vai trò là người thực hành – trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội hay không?

Vấn đề quan trọng trong vụ án này là cơ quan điều tra sẽ làm rõ khả năng sát thương của hung khí mà các đối tượng đã sử dụng, tư thế, động tác và hành vi gây thương tích cụ thể diễn ra như thế nào. Đồng thời, xác định nhận thức, ý thức chủ quan của đối tượng đã thực hiện hành vi đánh cháu bé như thế nào.

Mối quan hệ giữa hành vi đánh đập với hậu quả cháu bé tử vong có mối quan hệ nhân quả như thế nào, từ đó xác định yếu tố lỗi trong hành vi vi phạm pháp luật. Đến nay, kết luận của cơ quan chức năng xác định nguyên nhân chết là do phù phổi cấp, cơ thể có nhiều tổn thương bầm tụ máu.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai gây ra những vết thương này, vì sao cháu bé lại bị tổn thương ở phổi như vậy. Thông thường, hành vi người lớn dùng hung khí nguy hiểm như gậy gỗ để đánh vào phần lưng của cháu bé 8 tuổi chưa có khả năng tự vệ thì có thể sẽ gây ra tổn thương ở phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Bởi vậy, trường hợp kết quả điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng nhận thức được rằng hành vi có thể gây ra thương tích cho nạn nhân nhưng cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì sẽ chuyển tội danh sang tội Cố ý gây thương tích theo điều 134 bộ luật hình sự năm 2015.

Tường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng sử dụng gậy gỗ đánh vào lưng của cháu bé, tại thời điểm thực hiện hành vi đánh người, đối tượng nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra, thực tế cháu bé đã tử vong thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố người đã đánh bé về tội Giết người theo khoản 1, điều 123 bộ luật hình sự năm 2015.

“Tra tấn dã man như thời trung cổ không thể xử lý vào tội Hành hạ người khác”

Theo luật sư Đặng Văn Cường, hành vi đánh đập cháu bé tàn nhẫn đến chết, tra tấn như thời trung cổ như vậy không thể xử lý vào tội Hành hạ người khác theo điều 140 bộ luật hình sự.

Do đó, cần phải xử lý về tội Cố ý gây thương tích (dẫn đến hậu quả chết người) hoặc tội Giết người mới phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi nguy hiểm và phù hợp với hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân.

“Hành vi đánh đập cháu bé tàn nhẫn đến chết, tra tấn như thời trung cổ như vậy không thể xử lý vào tội Hành hạ người khác”- Luật sư Đặng Văn Cường.

Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ quá trình hành hạ, đánh đập cháu bé, việc sử dụng roi mây, gậy gỗ được thực hiện như thế nào, những vết thương trên cơ thể cháu là do hung khí nào gây ra, đối tượng nào thực hiện hành vi.

Nhận thức, ý thức của đối tượng thực hiện hành vi đánh đập cho bé như thế nào. Trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng nhận thức được hành vi có thể gây ra thương tích hoặc có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ chuyển tội danh.

“Đây là một vụ án gây rúng động xã hội, gây lo lắng, hoang mang trong cộng đồng. Bởi vậy, ngoài việc lên án các đối tượng gây án, cần phải thực hiện tốt hơn các giải pháp phòng ngừa để tránh những nạn nhân tiếp theo có thể xảy ra”

Đối với tội hành hạ người khác thì mức hình phạt rất thấp bởi hành vi Hành hạ chỉ là đối xử tàn ác chứ không phải là hành vi đánh đập hay sát hại. Nếu là người giúp sức đối với hành vi hành hạ người khác thì hình phạt có thể chỉ vài tháng tù, thậm chí là án treo hoặc cải tạo không giam giữ.

Trường hợp chuyển tội danh sang tội cố Ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người thì hình phạt cao nhất tới 14 năm tù.

Nếu xử lý về tội Giết người thì hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội với người dưới 16 tuổi, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn – TS.Luật sư Đặng Văn Cường.