Vụ Tịnh thất Bồng Lai: Lê Tùng Vân sẽ đối diện mức án nào với 3 tội danh
Với 3 tội danh, Lê Tùng Vân có thể phải đối diện với mức án chung thân. Nếu thành khẩn khai báo, tự nguyện bồi thường sẽ giảm nhẹ tình tiết.
Tội loạn luân có thể đối diện 10 năm tù
Mới đây, Công an tỉnh Long An đã ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Lê Tùng Vân về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân và loạn luân.
Về các tình huống pháp lý trong vụ án trên, TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP Hà Nội) đánh giá, việc cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ để xử lý đối với những người vi phạm là cần thiết và phù hợp với quy định của pháp luật, bởi sự việc đã gây bức xúc dư luận trong thời gian qua.
Một trong những tội danh bị can Lê Tùng Vân bị khởi tố là tội loạn luân gây phẫn nộ trong dư luận. Theo luật sư Cường, tội loạn luân là hành vi giao cấu giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, giữa anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, người phạm tội là người biết rõ mối quan hệ nhưng vẫn thực hiện hành vi giao cấu.
Trong quá trình xác minh, CQĐT cũng sẽ làm rõ độ tuổi của những người có cùng dòng máu trực hệ hoặc anh chị em ruột quan hệ tình dục với nhau như thế nào, việc quan hệ tình dục có tự nguyện hay không để xác định tình tiết loạn luân là định tội danh hay chỉ là tình tiết định khung hình phạt.
Yếu tố “cùng dòng máu về trực hệ” là một trong những căn cứ để xác định tội danh về tội loạn luân. Khoản 17 Điều 3 Luật HNGĐ 2014 quy định “Những người cùng dòng máu về trực hệ là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau”.
Trường hợp những người thực hiện hành vi quan hệ tình dục đã từ đủ 16 tuổi thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt có thể lên đến 5 năm tù theo điều 184.
Trường hợp hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi dưới 16 tuổi mà có tính chất loạn luân thì sẽ xử lý hình sự về tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo Điều 145 BLHS.
Theo đó, tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Có tính chất loạn luân” nên hình phạt sẽ ở khung là phạt tù từ 3 – 10 năm tù theo điểm a, khoản 2, điều 145 bộ luật hình sự năm 2015.
Tội danh khác có thể tù chung thân
Ngoài tội loạn luân, Lê Thanh Tùng còn bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Theo luật sư Cường, hành vi mạo danh cơ sở tôn giáo tín ngưỡng để đưa ra thông tin gian dối, chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Riêng đối với tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà số tiền nhận từ thiện từ 500 triệu đồng đồng trở lên thì hình phạt thấp nhất là 12 năm, cao nhất là tù chung thân. Với người chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, không thành khẩn ăn năn thì sẽ phải chịu mức án nghiêm khắc.
Với trường hợp giúp sức, xúi giục, vai trò thứ yếu thì sẽ có mức án thấp hơn. Hoạt động tội phạm không chỉ diễn ra do một người thực hiện mà có thể còn cả một nhóm người, thậm chí phạm tội có tổ chức nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ vai trò của những người cùng sinh sống ở đây để giải quyết theo quy định pháp luật.
“Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” được xem xét giảm nhẹ?
Ngoài ra, trong quá trình điều tra nếu bị can thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, thuộc trường hợp là “Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” thì cũng sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Pháp luật Việt Nam ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của mọi công dân. Tuy nhiên, pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, điều 5 Luật tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 thì nghiêm cấm hành vi: “Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.
Người lợi dụng tôn giáo để trục lợi có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Hành vi lợi dụng tôn giáo để trục lợi số tiền dưới 2 triệu đồng thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP về sự phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, với mức xử phạt từ 1 – 2 triệu đồng.
Trường hợp gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể. Trường hợp lợi dụng tôn giáo để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì sẽ bị xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng.
Trường hợp hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Diều 331 bộ luật hình sự năm 2015. Với tội danh này, người phạm tội có thể đối mặt với khung hình phạt lên đến 7 năm tù.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết thêm, trường hợp khi bị kết án về nhiều tội danh thì tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân.
Nếu hình phạt cao nhất chỉ là tù có thời hạn thì tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù.
Ngoài hình phạt tù chung thân hoặc tù có thời hạn thì những người phạm các tội danh này còn phải bồi thường thiệt hại, phải trả lại tiền đã chiếm đoạt của các nạn nhân trong hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện đã diễn ra trước đó
Qua kết quả xác minh, năm 2014, bà Cao Thị Cúc (SN 1960, trú xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước) mua lại nhà, đất (gần 2.000m2) ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An rồi chuyển về đây sinh sống, sau đó sửa chữa lại làm điểm tu tại gia.
Qua xác minh, ông Lê Tùng Vân (SN 1932, hộ khẩu thường trú phường 10, quận 6, TP HCM) chuyển về đây sinh sống cùng nhà với bà Cúc từ năm 2015.
Tuy nhiên, qua xác minh, trước đây, ông Vân tạm trú tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM và tự phong là Giám đốc trại dưỡng lão và cô nhi Thánh Đức.
Đến năm 2007, do hoạt động không đúng theo quy định pháp luật về điều kiện vật chất, vệ sinh môi trường tại cơ sở không bảo đảm, việc chấp hành đăng ký tạm trú và đăng ký nhận nuôi con nuôi không tuân thủ quy định.
Ngày 25/7/2007, UBND huyện Bình Chánh có quyết định chấm dứt hoạt động đối với cơ sở Thánh Đức. Đến năm 2015, ông Vân bán hết đất tại địa chỉ trên về tạm trú tại hộ bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An và hành nghề nhận nuôi con nuôi làm từ thiện.
Tuy nhiên, thực tế, đa số trẻ sống trong hộ bà Cúc đều có mẹ đi cùng, không phải là trẻ em cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Hiện tại, hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú.
Thời gian qua, nơi đây lợi dụng danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, dư luận xã hội.
Đáng nói, qua điều tra ban đầu xác định, ADN của ông Vân trùng khớp với một số người sinh sống tại đây. Công an xác định ông Vân có hành vi loạn luân nên khởi tố. Bên cạnh đó, công an cũng xác định ông Vân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân…