Xích mích với cô hàng xóm, nam thanh niên 17 tuổi lạnh lùng xuống tay với con gái 13 tuổi của "kẻ thù", chi tiết lạ sau 4 năm tuyên án gây tranh cãi

Mới đây, vụ án nghi phạm 17 tuổi hành hung nạn nhân 13 tuổi gây rúng động dư luận Trung Quốc vào năm 2017 bất ngờ có diễn biến mới sau 4 năm tuyên án. Theo đó, mẹ nạn nhân kiên quyết cho rằng “kết quả giám định không nhất quán, thời gian nhập viện bị sửa đổi 1 cách mờ ám”.

Vấn đề giám định vết thương thuộc dạng nặng hay nhẹ của nạn nhân vẫn là tâm điểm tranh chấp của đôi bên từ khi tòa tuyên án đến nay. Gần đây, sau khi nhận được hồ sơ bệnh án, người nhà nạn nhân đã quyết định đệ đơn khiếu nại với lý do: “Quy trình thẩm định tư pháp không được tiêu chuẩn hóa, và kết quả giám định nhiều lần chiều dài vết thương cũng không nhất quán”.

4 năm trước, vào ngày 23/8/2017, cô con gái 13 tuổi của bà Hồng Phương Trân (51 tuổi) bị hàng xóm là 1 thanh niên 17 tuổi chém trọng thương toàn thân (nặng nhất ở phần cổ). Sau sự việc, thương tích của cô bé được giám định là “nhẹ”. Tòa án đã kết án bị cáo Vương Mỗ Phong (tên nhân vật đã được thay đổi) tội cố ý giết người với 8 năm tù giam. Tuy nhiên, Hồng Phương Trân cho rằng quá trình giám định vết thương cho con gái mình đã xảy ra sai sót.

Ngoài việc nghi ngờ quy trình giám định pháp y không được tiêu chuẩn hóa, bà Hồng Phương Trân còn cho biết thêm bác sĩ chủ trị cũng cố tình ngụy tạo thời gian nhập viện của nạn nhân để che giấu sự thật.

Vào ngày 23/8/2017, bà Hồng Phương Trân có việc phải đi ra ngoài, để con gái ở nhà 1 mình làm bài tập. Theo bản án của tòa án nhân dân thành phố Đồng Hương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc ghi chép lại, vào hôm đó Vương Mỗ Phong không có việc gì làm nên đi từ tầng 2 lên tầng 3 chơi, thì thấy Hồng Phương Trân 1 mình ở văn phòng “trung gian nhà đất” (đặt giữa tầng 2 và tầng 3). Vương Mỗ Phong vào văn phòng chơi, tại đây hắn và Hồng Phương Trân đã to tiếng với nhau.

Trong bản án, bị cáo Vương Mỗ Phong khai rằng mình sinh ngày 3/12/2000, lúc gây án mới 17 tuổi, sống ở thành phố Đồng Hương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, học hết cấp 2 thì nghỉ, thất nghiệp, sống với mẹ và cha dượng. Gia đình Hồng Phương Trân chuyển đến khu chung cư đó khi hung thủ còn đang học tiểu học, con gái của bà Hồng chỉ mới lên mẫu giáo. 2 gia đình đã là hàng xóm với nhau khoảng 8-9 năm, nhưng hầu như không chuyện trò qua lại.

Nạn nhân Hồng Mỗ Mỗ (tên nhân vật đã được thay đổi)

Theo cáo trạng ghi lại, Vương Mỗ Phong đã 1 mình xông vào nhà và hành hung nạn nhân sau khi xích mích với Hồng Phương Trân. Sau khi tấn công khiến cô bé ngã xuống đất, hắn liền dùng tay bóp cổ Hồng Mỗ Mỗ và dùng hung khí đánh cô bé. Trong quá trình đó, Vương Mỗ Phong đã nảy sinh ý định giết người, hắn dùng dao ở bếp chém nhiều nhát vào người Hồng Mỗ Mỗ đang bị khống chế dưới đất, cuối cùng dùng dao cứa cổ cô bé nhưng do dao cùn khiến máu chảy nhiều làm hắn sợ hãi bỏ trốn khỏi hiện trường. Đến khi mẹ của nạn nhân biết được sự việc, bà đã nhờ sự giúp đỡ của người qua đường đưa con đi cấp cứu và điện thoại báo cảnh sát.

Vào 3h10" chiều ngày hôm đó, Hồng Mỗ Mỗ được đưa vào Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Hoa Đồng Hương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc cấp cứu và may mắn qua khỏi. 2 mẹ con họ đã chuyển đi nơi khác ngay sau khi xảy ra vụ việc.

Vào khoảng 5h chiều cùng ngày xảy ra vụ án, Vương Mỗ Phong đã bị Cục Công an Đồng Hương tạm giữ hình sự và bị bắt theo quy định của pháp luật Trung Quốc vào ngày 6/9/2017. Vào ngày 24/1/2018, viện kiểm sát nhân dân thành phố Đồng Hương đã buộc tội bị cáo Vương Mỗ Phong về tội cố ý giết người. Ngày 24/7/2018, tòa án đã tuyên phạt bị cáo Vương Mỗ Phong về tội cố ý giết người với mức án 8 năm tù giam.

Người nhà nạn nhân cho biết phải tới 4 năm sau mới có hồ sơ bệnh án, đồng thời có nhiều điểm mâu thuẫn giữa hồ sơ bệnh án và kết quả giám định.

Vào ngày xảy ra vụ án, văn phòng Công an thành phố Đồng Hương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc đã tiến hành giám định thương tích cho thấy chiều dài cộng dồn của vết sẹo là 16cm và kết luận là “thương tích nhẹ”.

“Văn phòng Công an đã tiến hành giám định thương tích của con gái khi tôi không có mặt, điều này không tuân thủ các luật và quy định tương ứng.” – Bà Hồng Phương Trân nhớ lại.

Điều 24, khoản 2 của “Quy tắc chung về Thủ tục Giám định Tư pháp Trung Quốc ” cho biết trong quá trình thẩm định trẻ vị thành niên phải có người giám hộ.

Sau khi bị bà Hồng Phương Trân khiếu nại, 4 tháng sau, ngày 22/12/2017, kết quả của viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Chiết Giang giám định lại thương tích của Hồng Mỗ Mỗ cho thấy, chiều dài tích lũy của vết sẹo ở cổ là 23.8cm, và vẫn được đánh giá là “thương tích nhẹ”.

Ngoài 2 lần giám định cho kết quả không giống nhau thì vấn đề “xuất huyết” của nạn nhân Hồng Mỗ Mỗ cũng được bà Hồng Phương Trân đưa ra mổ xẻ.

Đáp lại những thắc mắc trên, viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Chiết Giang cho biết “nạn nhân bị vỡ tĩnh mạch cảnh ngoài và nhiều tổn thương khác, tuy nhiên các triệu chứng và huyết áp lại bình thường, do vậy chẩn đoán sốc xuất huyết sau chấn thương là chưa đủ cơ sở.”

Nạn nhân Hồng Mỗ Mỗ được sơ cứu tạm thời và đang trên đường chuyển đến viện

“Từ khi sự việc xảy ra vào ngày 23/8/2017, cháu vẫn luôn nằm viện đến tận tháng 10/2021. Tôi đã nhiều lần yêu cầu xem hồ sơ bệnh án chi tiết của cháu nhưng đều không được.” – Mẹ nạn nhân nói.

Mãi tới ngày 1/11/2021, bà mới lấy được hồ sơ bệnh án, và lý do mà bệnh viện đưa ra là “ghép da” cho Hồng Mỗ Mỗ nên hiện giờ mới có bản đầy đủ.

Hồng Phương Trân cho rằng bác sĩ chủ trị Dương Mỗ Tuyển (tên nhân vật đã được thay đổi) đã ngụy tạo thời gian nhập viện của con gái mình. Trong hồ sơ bệnh án liên quan, bà phát hiện bác sĩ cố tình ghi thời gian nhập viện của con gái muộn 31 phút và nói rằng sốc xuất huyết là do vào viện muộn chứ không phải vết thương do dao đâm.

Hồng Phương Trân kể lại rằng, khi con gái bà đến được bệnh viện cấp cứu là vào khoảng 3h20". Bên cạnh đó, bà cho rằng chấn thương cổ của con gái phải được xếp vào mức độ thương tích nghiêm trọng.

Sau khi vết thương của con gái được đánh giá là vết thương nhẹ, Hồng Phương Trân đã từng đệ đơn phản đối lên tòa án vì bà tin rằng “vết thương của nạn nhân là nghiêm trọng và cần thẩm định lại.”

Tuy nhiên tòa án vẫn cho rằng các thủ tục thẩm định là hợp pháp và các tài liệu dựa trên đó là khách quan và trung thực. Người đại diện hợp pháp của người bị hại không đủ lý do để xin giám định lại.

Nạn nhân năm nay đã 17 tuổi và đang học cấp 3, nhưng vết sẹo trên cổ luôn là nỗi đau trong lòng của Hồng Phương Trân và con gái. Bà cho biết, việc học tập và cuộc sống của Hồng Mỗ Mỗ đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau vụ việc, và bà vẫn nuôi ý định đâm đơn kiện dân sự 1 lần nữa trong thời gian tới.

Nguồn: QQ