Chuyện tấm ảnh bay xa 200km một đêm sau thảm họa lốc xoáy "nhấn chìm" nước Mỹ và cái kết không tưởng nhờ 1 dòng chữ
Sáng ngày 11/12, khi Katie Posten (30 tuổi), làm việc cho một công ty công nghệ, bước tới chỗ chiếc xe đang đậu bên ngoài ngôi nhà của mình, cô nhìn thấy một thứ trông giống như một tờ tiền hoặc biên lai dính trên tấm kính chắn gió. Cô lập tức cầm nó lên và thấy đó là một bức ảnh đen trắng chụp một người phụ nữ mặc váy sọc và đội khăn trùm đầu, tay ôm một cậu bé trong lòng. Ở mặt sau bức ảnh, có một dòng chữ ghi nội dung: “Gertie Swatzell & J.D Swatzell 1942″.
Bức ảnh mà Katie tìm được ở tấm kính chắn gió trước xe của cô. Katie đã theo dõi tin tức về các trận lốc xoáy vào đêm hôm trước nên cô đoán nó thuộc về một cư dân nào đó bị gió thổi bay đến tận nhà mình.
Và chỉ vài giờ sau đó, Katie đã nhận ra rằng bức ảnh đã trải qua một hành trình khá dài – gần 209km – vì cuốn theo những cơn gió khủng khiếp…
“Xem ngày tháng, tôi nhận ra rằng có khả năng từ một ngôi nhà bị lốc xoáy. Làm thế nào mà nó lại xuất hiện ở đó được?”.
Vì vậy, Katie quyết định làm những gì mà bất kỳ người nào ở thế kỷ 21 đều làm! Cô đăng bức ảnh lên tài khoản mạng xã hội Facebook và cả Twitter đồng thời yêu cầu cư dân mạng giúp đỡ trong việc tìm kiếm chủ nhân của nó. Katie nói rằng cô hy vọng ai đó trên mạng xã hội sẽ có liên quan đến bức ảnh hoặc chia sẻ nó với ai đó có mối liên hệ.
Và quả thực, điều kỳ diệu đã xảy ra.
“Rất nhiều người đã chia sẻ bài đăng trên Facebook. Một người nào đó đã tình cờ kết bạn với một người đàn ông có cùng họ viết trong tấm thẻ và đã gắn thẻ anh ta”, Katie cho biết.
Người đàn ông đó là Cole Swatzell, người cho biết bức ảnh thuộc về các thành viên trong gia đình của anh ở Dawson Springs, Kentucky, cách New Albany gần 209km. Katie dự định sẽ gửi lại bức ảnh cho gia đình Swatzell trong tuần này. “Nó thực sự đáng chú ý. Sau tất cả những gì đã xảy ra, những kỷ niệm, vật gia truyền và những thứ tương tự đều trở thành vật vô giá”, Katie nói. “Sự việc này cho bạn thấy sức mạnh của mạng xã hội”.
Tại Dawson Springs – một thị trấn có khoảng 2.700 dân cách Paducah 97km về phía Đông – nhà cửa bị san bằng, cây cối gãy đổ và các đội tìm kiếm cứu nạn hiện vẫn đang tiếp tục lùng sục khắp các đống đổ nát với hy vọng tìm kiếm người sống sót.
John Snow, giáo sư khí tượng học tại Đại học Oklahoma, cho biết bức ảnh đã di chuyển gần 130 dặm là “bất thường nhưng không phải là bất thường”.
Trong một trường hợp được ghi lại vào những năm 1920, các mảnh vụn giấy đã bay qua 370km từ Missouri đến miền Nam Illinois.
Đến nay, một loạt cơn lốc xoáy quét qua ít nhất 6 bang ở Mỹ đã khiến ít nhất 94 người thiệt mạng, con số này được dự đoán sẽ còn tăng trong những ngày tới khi số người mất tích vẫn nhiều. Trong khi đó, các nhân viên cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm trong các đống đổ nát với hy vọng tìm thấy người sống sót.
Ngày 12/12, Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ (FEMA) cho biết thống đốc Andy Beshear đã chính thức yêu cầu FEMA xác định đợt lốc xoáy vừa qua là thảm họa liên bang. Thống đốc Andy cũng cho biết thách thức lớn nhất hiện nay là số người chết vẫn đang tiếp tục tăng lên trong khi các nhà xác không đủ lớn, điều này đồng nghĩa với việc nhà xác quá tải.
Bà Deanne Criswell, lãnh đạo FEMA, cho rằng những hiện tượng thời tiết cực đoan đang dần trở thành cái gọi là “bình thường mới” vì biến đổi khí hậu . “Những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu mà chúng ta đang chứng kiến chính là cuộc khủng hoảng của thế hệ này”.
Trước khi thảm họa này xảy ra, lãnh đạo FEMA đã lên tiếng cảnh báo nước Mỹ sẽ đối mặt với nhiều cơn bão, thời tiết khắc nghiệt như lốc xoáy, cháy rừng trong thời gian tới.
Nguồn: NBC