Bố mẹ hối hận vì chữa táo bón cho con bằng loại lá trồng ngoài đường
Gia đình cháu V. hái lá về nấu cho con uống. Tuy nhiên sau 3 ngày uống liên tục thì cháu bé rơi vào tình trạng nguy kịch.
Ngày 13/12, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, đơn vị này vừa cấp cứu thành công cho 2 cháu bé bị ngộ đ.ộ.c nặng do sử dụng lá lộc mại để chữa táo bón theo cách dân gian.
Cụ thể, ngày 10/12, gia đình cháu bé L.T.V. (5 tuổi, dân tộc Thái, trú huyện Quế Phong, Nghệ An) đã đưa bé V. vào viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, đe dọa không qua khỏi do ngộ đ.ộ.c.
Bố mẹ cháu bé kể lại, trước đó cháu V. có tiền sử bệnh táo bón tái phát nhiều lần. 3 ngày nay, cháu V. bị táo bón nhiều hơn.
Được nhiều người bày cho hái lá lộc mại để nấu cho con uống chữa táo bón theo kinh nghiệm dân gian, bố mẹ cháu V. đã hái về nấu cho con uống hàng ngày.
Tuy nhiên, sau 3 ngày uống liên tục, cháu V. có biểu hiện vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, đi kèm triệu chứng chóng mặt, chán ăn, nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng.
Thấy con tình trạng nguy hiểm, gia đình đã đưa cháu bé đi cấp cứu tại bệnh viện huyện Quế Phong và nhanh chóng được chuyển tuyến lên Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cháu V. được cấp cứu trong tình trạng bệnh ngày thứ 3 với biểu hiện suy hô hấp, đái ít, nước tiểu màu đỏ sẫm, kèm đau bụng âm ỉ, đại tiện phân lỏng nhiều lần, không ăn uống được, vàng da toàn thân, sốt nhẹ.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã nhanh chóng tổng lực cấp cứu cho trẻ. Trẻ được chỉ định thở máy, truyền máu, bù dịch điện giải, sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, truyền bù máu. Đặc biệt nguy hiểm, cháu bé có nhóm máu AB, là 1 trong những loại máu hiếm, nguồn dự trữ trong kho máu không nhiều.
May mắn, sau nhiều giờ cấp cứu, tình trạng của cháu V. đã ổn định, qua cơn nguy kịch và đang được các bác sĩ tiếp tục theo dõi và điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu chống đ.ộ.c – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Trước đó ít ngày, bệnh viện này cũng tiếp nhận cháu L.V.H. (28 tháng, trú huyện Tân Kỳ, Nghệ An) với biểu hiện tương tự sau 5 ngày sử dụng lá lộc mại để chữa táo bón. May mắn, cháu H. sau đó đã được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch.
Tiến sĩ. Bác sĩ nội trú Trần Văn Cương – Phó Giám đốc Bệnh viện, Trưởng khoa Cấp cứu – Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Lá lộc mại là loại lá rất đ.ộ.c và có thể gây không qua khỏi rất nhanh nếu như sử dụng với số lượng lớn.
“Bệnh viện đã tiếp nhận khá nhiều trẻ vào viện trong tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng.
Trường hợp trẻ đến muộn, bị tan máu quá nhiều không kịp truyền máu, nhất là trẻ có nhóm máu hiếm, nhóm AB, Rh- có thể không qua khỏi. Đặc biệt, trên cơ địa bệnh nhi có bệnh về máu như thiếu men G6PD thì bệnh tiến triển nhanh và càng trầm trọng, có thể không qua khỏi nhanh“, Tiến sĩ, Bác sĩ Cương nói.
Được biết, ở Việt Nam, cây lộc mại được trồng nhiều ngoài đường và có nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc mại, lục mại, mọ trắng, rau mại, rau mọi. Lá lộc mại có hình bầu dục dài 10 – 14cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa. Y văn Việt chưa ghi nhận nghiên cứu về loại cây này.
Do có tác dụng nhuận tràng khi dùng liều nhỏ, nhân dân một số nơi thường mách nhau dùng lá này để chữa bệnh táo bón. Tuy nhiên, nếu dùng với số lượng lớn, lá cây lộc mại có thể gây ngộ đ.ộ.c.