COVID-19 tại Hà Nội: Gia tăng ca bệnh nặng, tăng cường y bác sĩ
Bệnh nhân nặng tăng nhanh
Tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 (Hoàng Mai, Hà Nội) trong khoảng 1 tuần qua, số trường hợp nhập viện nặng tăng cao hơn hẳn những ngày trước đó. Hôm qua (20/12), khi phóng viên quay trở lại bệnh viện này, số bệnh nhân nặng đã lấp kín 3 phòng hồi sức tích cực. PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực (Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội), cho biết hiện nay có khoảng 60 bệnh nhân nặng, nguy kịch đang điều trị tại đây.
Bác sĩ Hải phân tích, số lượng bệnh nhân nhẹ tăng lên sẽ kéo theo số ca nặng tăng, chiếm tỉ lệ khoảng gần 3%, vì kể cả tiêm vắc xin vẫn có tỉ lệ mắc bệnh. Bệnh nhân nặng vào viện cần 2 tuần đến 1 tháng điều trị tích cực, số này sẽ tích dồn ca nặng tại viện, trong khi mỗi ngày bệnh viện vẫn tiếp tục nhận thêm những ca nặng từ tuyến dưới chuyển lên, tạo gánh nặng cho đội ngũ nhân viên y tế ở tuyến cuối. Do đó số bệnh nhân nặng đầy lên rất nhanh trong những ngày vừa qua.
“Hiện nay các bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội đã đông bệnh nhân nặng dần lên nên các bệnh viện cũng hạn chế sự chia sẻ, hỗ trợ những ca nặng như thời gian trước. Hiện Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 chỉ nhận những bệnh nhân phải thở ô xy trở lên, không nhận những bệnh nhân có triệu chứng chỉ sốt, ho, đau họng…”, PGS.TS Hoàng Bùi Hải thông tin.
Bệnh nhân nặng tại BV Điều trị người bệnh COVID-19. Ảnh: Thái Hà
Tương tự tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết 500 giường bệnh đã kín, hiện bệnh viện chỉ nhận bệnh nhân nặng đã có tổn thương phổi, không tiếp nhận bệnh nhân nhẹ không triệu chứng.
Thống kê cho thấy đến tối 20/12 cả nước đang điều trị là 7.615 ca bệnh nặng, nguy kịch. Số bệnh nhân tử vong trong ngày hôm qua là 225 ca.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tăng cường 3 bác sĩ hồi sức tích cực xuống hỗ trợ. Hiện nay có 40 bác sĩ đến từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (chiếm khoảng 50%), Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), bác sĩ từ Hà Giang xuống và từ Hà Tĩnh ra. Các bác sĩ địa phương đến đây được đào tạo về hồi sức tích cực vì họ vốn là những bác sĩ thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.
Dự kiến sau vài tháng đào tạo, đáp ứng được chương trình chuẩn về điều trị bệnh nhân COVID-19, các bác sĩ này sẽ về địa phương chăm sóc người bệnh, tránh quá tải cho tuyến trung ương. “Thực tế trải nghiệm tại bệnh viện lớn điều trị COVID-19 là kinh nghiệm hữu ích cho những bác sĩ từ nhiều địa phương”, bác sĩ Hải nói.
Không tự ý mua và dùng thuốc kháng virus
Theo bác sĩ, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, người dân cần chuẩn bị các thuốc như thuốc hạ sốt, theo hàm lượng cho người lớn hoặc trẻ con. Ngoài ra, người dân chuẩn bị thêm nhiệt kế, máy đo SpO2, máy đo huyết áp (nếu có điều kiện).
Trước thực tế nhiều người chia sẻ với nhau những loại thuốc điều trị COVID-19 mua trên mạng với cái mác “hàng xách tay”, bác sĩ Cấp khuyến cáo, người dân không nên tự ý mua và dùng thuốc theo cách truyền miệng. Hướng dẫn tạm thời Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, hiện có 7 nhóm thuốc: thuốc hạ sốt, giảm đau; thuốc cân bằng điện giải; thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng; thuốc sát khuẩn hầu họng; thuốc kháng virus; thuốc chống viêm corticosteroid; thuốc chống đông máu.
Theo quy định mới nhất của Bộ Y tế, nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus như sau: những thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Đối với thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lí của người bệnh. Tại quyết định mới nhất này, Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng và chú ý đối với 3 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 là: Favipiravir 200mg, Remdesivir và Molnupiravir. Như vậy, ngoài 3 loại thuốc nói trên những thuốc đang được rao bán trên mạng chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.
Giám sát chất lượng thuốc điều trị COVID-19
Phó Cục trưởng Cục Quản lí Dược (Bộ Y tế) Tạ Mạnh Hùng cho biết, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, để ứng phó linh hoạt trong điều trị bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đang tiếp tục xem xét, phê duyệt các thuốc và phác đồ điều trị nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch. Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, đồng thời đảm bảo việc cung ứng đủ thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả phục vụ cho hoạt động khám chữa bệnh, Cục Quản lí Dược đề nghị 63 Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc trên thị trường.
Cục đề nghị các Sở Y tế chú trọng chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm, thanh tra Sở Y tế tăng cường hoạt động kiểm tra hậu mãi, lấy mẫu, kiểm tra giám sát chất lượng thuốc sử dụng điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại các kiểm tra cơ sở sản xuất, phân phối và cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn.
Đồng thời đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM xây dựng kế hoạch, tăng cường việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng thuốc lưu hành trên thị trường, chú trọng việc lấy mẫu đối với các thuốc thuộc Danh mục thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19 bao gồm các thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir, Favipiravir, Remdesivir,… sử dụng trong các chương trình nghiên cứu, thử thuốc trên lâm sàng trong điều trị COVID-19 theo các phác đồ của Bộ Y tế phê duyệt.
TPHCM: 34 ca trong trường học sau 1 tuần học trực tiếp
Tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều qua 20/12, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị – tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết sau 1 tuần đi học trực tiếp trở lại đã ghi nhận 34 ca mắc COVID-19 trong nhà trường. Cụ thể, những ca mắc COVID-19 được phát hiện bao gồm: 4 trường hợp là giáo viên; 3 trường hợp là nhân viên, 27 trường hợp còn lại là học sinh.
Vân Sơn