Đám cưới cặp đôi cô dâu chú rể cao 1m30 ở Thái Bình
Cô dâu 1m30 từng không dám nghĩ đến chuyện kết hôn
Về xã Đô Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình hỏi, có lẽ nhiều người biết đến một đám cưới đặc biệt vừa diễn ra cách đây ít hôm. Hai nhân vật chính trong đám cưới là những người tí hon, họ cao 1m30.
Cô dâu trong đám cưới đặc biệt này là chị Trần Thị Hòa (sinh năm 1985, quê ở xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), và chú rể là anh Nguyễn Văn Tưởng (sinh năm 1988, quê ở xã Đô Lương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình). Chị Hòa hiện đang làm photoshop tại Trung tâm Nghị lực sống, còn anh Tưởng làm công việc chỉnh sửa ảnh dữ liệu cho một công ty Hàn Quốc. Cả hai đang sống và làm việc tại Hà Nội.
Chị Hòa tâm sự, khi sinh ra chị nặng 3,2kg, bình thường như bao đứa trẻ khác. Chị đi học đến năm lớp 4, lớp 5, các bạn đã lớn vượt lên còn chị thì chững lại. Gia đình có đưa chị Hòa đi khám thì được kết luận chị bị thiếu hormone sinh trưởng. Tuy nhiên, do không có điều kiện kinh tế nên bố mẹ không thể đưa con đi chữa trị. Anh Tưởng cũng có hoàn cảnh giống chị Hòa.
Nhiều năm trước đây, chị Hòa luôn buồn bã, tự ti với ngoại hình của mình: “Ngày xưa đi học mình hay bị bạn bè trêu chọc. Có nhiều người nhìn mình họ thấy buồn cười vì sao lại nhỏ như thế? Nhưng cũng có người nhìn với ánh mắt kỳ thị, giễu cợt. Nhiều khi các bạn rủ mình đi họp lớp mà mình chẳng dám đi. Học hết lớp 9 thì mình nghỉ học. Mọi người cũng khuyên mình nên đi học cấp 3, nhưng mình bảo người bé thế này, đi học bị các bạn nhìn vào cũng ngại.
Nghỉ học, bố mẹ mở cho mình một quán tạp hóa để bán. Sau này mình có đi làm nghề trông trẻ khoảng 6 năm, cho đến khi biết đến Trung tâm Nghị lực sống. Mình nộp hồ sơ xin đi học và hiện đang làm Photoshop tại đây“.
Chị Hòa tâm sự, cũng từ khi đến Trung tâm Nghị lực sống để học tập và làm việc, chị mới bớt tự ti và dần trở nên bạo dạn hơn. Đến đây, chị biết có nhiều người cùng hoàn cảnh với mình, thậm chí nhiều bạn không đi lại được, phải chống nạng, ngồi xe lăn,… Lúc đó chị Hòa mới vứt bỏ rào cản tự ti để vươn lên, sống một cuộc sống như người bình thường.
Trước đây ở nhà, chị Hòa nghĩ chỉ có mình mình bị thiệt thòi như vậy. Thấy bạn bè đến tuổi trưởng thành đều đi lấy chồng, có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc, còn mình thì nhỏ bé quá. Với chị Hòa, lấy chồng là một suy nghĩ quá xa vời.
Nên duyên nhờ Facebook và cái kết mãn nguyện
Chị Hòa chia sẻ, anh Tưởng chồng chị trước đây làm ở Công ty may Đô Lương, Thái Bình. Anh vô tình thấy Facebook của chị Hòa nên chủ động kết bạn làm quen. Với những người tí hon như chị Hòa, anh Tưởng, khi thấy những người có chung hoàn cảnh, họ rất hay kết bạn để cùng trò chuyện với nhau.
“Ban đầu hai đứa chỉ là bạn bè bình thường. Nhưng dần dần ông xã ngày càng “tấn công” mạnh hơn. Mình lưỡng lự lắm, không muốn yêu vì nghĩ rằng hai đứa bé như thế này, yêu thương nhau sợ có nhiều rào cản.
Nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi mình. Ngày đó anh còn làm ở Thái Bình, mình ở Hà Nội, tháng nào anh cũng lên thăm. Bạn bè thấy vậy cũng vun vào: “Thôi chị đồng ý đi, chứ cứ để anh ấy đi lên đi xuống tội nghiệp”. Cứ thế rồi chúng mình yêu nhau lúc nào không hay, tính đến nay cũng được 3 năm rồi”, chị Hòa nhớ lại.
Trước kia, cũng có một vài người khuyết tật muốn tìm hiểu nhưng chị Hòa đều từ chối. Đến anh Tưởng chị mới đồng ý bởi giữa hai người có cùng hoàn cảnh, chị thấy dễ dàng chia sẻ, cảm thông với nhau hơn. Còn với anh Tưởng, ấn tượng của anh về người bạn đời là sự dịu dàng, nết na, đứng đắn, nên quyết tâm sẽ đến với cô gái này.
Về phía chị Hòa, chị chỉ muốn hai đứa cứ yêu cho biết hương vị của tình yêu chứ không muốn làm đám cưới.
“Mình nghĩ đến việc hai đứa lấy nhau về không có con mà mọi người cứ hỏi: “Các cháu đã có em bé chưa?” thì ngại lắm. Nhưng anh Tưởng động viên mình. Anh bảo: “Cứ yêu như thế này thì làm gì cũng không thuận tiện, cưới đi để hai đứa về nhà nhau cho dễ”. Rồi có những dịp về nhà anh ấy, thấy gia đình đầm ấp, đoàn tụ, mình cũng mong có một tổ ấm của riêng mình. Bố mẹ hai bên ban đầu khá lo lắng, không biết hai đứa bé thế này lấy nhau thì sẽ ra sao? Nhưng các con quyết tâm đến với nhau thì bố mẹ cũng vun đắp.
Dịp gần Tết Nguyên đán vừa qua, vì dịch bệnh nên công ty cho làm online, mình mang máy về quê làm, anh Tưởng cũng về cùng. Đến gần Tết, mình rủ anh ở lại ăn Tết thì anh ngần ngại: “Gia đình hai bên chưa nói chuyện với nhau mà ở đây thì cũng ngại với bà con lối xóm”.
Thế là chúng mình quyết luôn, xin phép bố mẹ hai bên nói chuyện người lớn. Bố mẹ gặp nhau liền quyết định chọn ngày cho hai đứa làm đám cưới. Đám cưới của chúng mình diễn ra một cách đầy bất ngờ như vậy. Khi mình gọi điện báo với mọi người là sắp lấy chồng, ai cũng ngỡ ngàng bật ngửa”, chị Hòa hào hứng.
Trải qua không ít rào cản để được ở bên nhau, đến giờ, anh Tưởng, chị Hòa cảm thấy vô cùng mãn nguyện. “Giờ hai đứa cứ sống với nhau vui vẻ, những lúc đau yếu thì trông nom, nương tựa nhau là hạnh phúc lắm rồi chứ chẳng mong muốn gì to tát hơn cả“, anh Tưởng bồi hồi.
Ảnh: Nhân vật cung cấp