Đam mê phế liệu, chàng trai khởi nghiệp với nghề ve chai
10 năm theo đuổi và phát triển công việc, một đam mê mà ai nhìn vào cũng bảo “dở người”, nhưng anh Nguyễn Vạn Tiến vẫn quyết tâm đến cùng.
Anh Nguyễn Vạn Tiến sinh ra và lớn lên tại khu Chợ Lớn (quận 5, TPHCM). Nhờ được cọ xát trong môi trường buôn bán từ nhỏ, kết hợp với tinh thần hướng đến cộng đồng, anh Tiến quyết định tìm kiếm loại hình kinh doanh vừa độc lạ vừa thể hiện trách nhiệm xã hội để khởi nghiệp. Và như một cơ duyên, khi vừa tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, anh Tiến quyết định khởi nghiệp với nghề ve chai. Năm 2011, thương hiệu “Ve chai Chú Hỏa” của anh đi vào hoạt động. Những ngày đầu khởi nghiệp, anh bị mọi người cho là “dở người” vì tốt nghiệp đại học đàng hoàng mà lại đi bán ve chai.
“Mình bước vào nghề này với đôi bàn tay trắng, không sự giúp đỡ, không kiến thức về ve chai, mình chỉ có duy nhất là cái cân để đi mua ve chai thôi. Những ngày đầu theo đuổi công việc này, không ai ủng hộ mình cả. Nhiều người quen gặp mình còn hỏi “Ủa bộ học dở lắm hay sao mà đi mua bán ve chai vậy?”, anh Tiến nhớ lại.
Nói về lý do chọn khởi nghiệp từ nghề ve chai, Nguyễn Vạn Tiến cho biết điều này xuất phát từ việc bản thân vốn rất thích tìm tòi những loại hình kinh doanh độc lạ và giúp ích cho xã hội. Chàng thanh niên thấy ve chai tại Việt Nam là một nghề rất truyền thống, một loại kinh doanh nhỏ lẻ và chưa hề có một sự thay đổi nào phù hợp với nhu cầu phát triển của đô thị. “Rác, đặc biệt phế liệu là một trong những ngành nghề cơ bản của xã hội. Cho dù có xảy ra đại dịch đi chăng nữa thì ngành nghề này vẫn tồn tại”, Tiến lý giải
Vạn Tiến cho biết thêm, khi còn ngồi ghế giảng đường, anh nhận ra rằng trường đại học dạy cho mình con đường là “ra trường làm chủ”. Kết hợp với những điều đó, anh Tiến vận dụng tất cả những kiến thức được học vào mô hình kinh doanh ve chai. Đến nay, nhắc tới dịch vụ thu mua phế liệu là người trong giới đều biết đến cái tên Ve chai Chú Hỏa.
Cũng theo Vạn Tiến, mô hình kinh doanh ve chai của anh khác với mô hình truyền thống ở chỗ nhóm anh đi mua ve chai bằng xe tải, nhân viên có đồng phục, có thương hiệu được bảo hộ. Bên cạnh việc kinh doanh, Ve chai Chú Hỏa còn hướng đến giá trị xã hội qua việc hướng dẫn người dân phân loại rác thải, trích lợi nhuận để tổ chức những hoạt động hỗ trợ cộng đồng, như giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội…
Sau 10 năm hoạt động, doanh nghiệp có hơn 200 đối tác thân thiết lớn, nhỏ. Chính sự uy tín và tinh thần nhân văn của một doanh nghiệp khởi nghiệp trẻ trung, sáng tạo là những yếu tố quyết định sự ủng hộ, tin yêu của khách hàng. Đối với anh, thành tựu đơn giản chỉ là một ngày trung bình có thể thu gom được 1 tấn rưỡi phế liệu. Với con số này đủ để anh Tiến chi trả mức lương là 9 triệu đồng/tháng cho một nhân viên, chưa tính tiền ăn uống, tiền thưởng. Bình quân mỗi tháng, công ty của anh thu nhập khoảng 100 triệu từ việc mua bán phế liệu.
Đồng hành cùng Nguyễn Vạn Tiến trên bước đường khởi nghiệp vừa qua là nhiều cộng sự thân thiết, giúp anh giải quyết công việc ở các mảng khác nhau như truyền thông, liên hệ đối tác…
Xuất thân là đoàn viên thanh niên thuộc khu phố anh Tiến làm Bí thư Chi đoàn, bạn Trần Khánh Lân (ngụ quận 5) cho biết Tiến thường xuyên tổ chức những hoạt động mang lợi ích cho người dân và môi trường sống. Chính điều này đã khiến Lân hứng thú và quyết định gia nhập doanh nghiệp của anh Tiến.
Chia sẻ về con đường đi của mình, Nguyễn Vạn Tiến khẳng định làm ve chai là đam mê, chính nhờ đam mê và uy tín mới có thể gây dựng và phát triển được thương hiệu suốt 10 năm qua. “Có được thành quả như ngày hôm nay chắc là nhờ tổ ve chai dẫn đường mình. Mình khởi sự từ cộng đồng và sẽ phục vụ lại cộng đồng là điều mà doanh nghiệp của mình đặt lên hàng đầu”, Vạn Tiến bộc bạch.
Ve chai Chú Hỏa đã được đăng ký bảo hộ thương hiệu và thời gian tới sẽ ứng dụng công nghệ trong quản lý, kinh doanh, bằng cách tạo ra ứng dụng mua bán phế liệu trên điện thoại di động. Dự kiến đầu năm 2022, Tiến sẽ cho ra mắt ứng dụng này.