Để tránh lây nhiễm cho người sống cùng nhà, F0 điều trị tại nhà cần làm gì?
Xem trọn bộ cẩm nang F0 điều trị tại nhà tại đây
Nhằm tránh lây nhiễm Covid-19 cho người cùng sống trong gia đình và cộng đồng, các thành viên cùng chung sống trong gia đình phải tuân thủ các lời khuyên sau đây:
1. Cách ly người nhiễm khỏi những người khác
– Bố trí người nhiễm phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng, nếu không có thì đánh dấu không gian riêng cho người nhiễm.
– Luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người nhiễm.
– Không dùng chung bát đĩa, ly uống nước, bộ dụng cụ ăn, khăn tắm hoặc bộ đồ giường với những người khác trong nhà.
Người nhiễm KHÔNG:
– Ăn uống cùng với người khác.
– Di chuyển ra khỏi khu vực cách ly.
– Tiếp xúc gần với người khác và với vật nuôi.
2. Bảo đảm nhà ở thông thoáng
– Luôn mở cửa sổ, cửa đi khi có thể nhằm cho không khí luôn được thay đổi.
– Không sử dụng hệ thống điều hoà trung tâm với các phòng khác.
– Không để luồng khí thổi từ phòng người nhiễm vào không gian chung.
– Sử dụng quạt, máy lọc không khí.
3. Rửa tay thường xuyên
– Rửa tay là cách giảm lây nhiễm Covid-19 tốt nhất.
– Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trong tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây.
– Thời điểm rửa tay:
+ Trước và sau khi nấu ăn.
+ Trước và sau khi ăn uống.
+ Sau khi ho, hắt hơi, xì mũi.
+ Sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt.
+ Sau khi đi vệ sinh.
+ Sau khi thu dọn rác thải.
Cách rửa tay bằng xà phòng:
1. Làm ướt tay dưới vòi nước sạch (nước ấm hoặc lạnh), tắt vòi nước.
2. Xoa xà phòng vào tay và chà hai bàn tay cùng xà phòng. Xoa xà phòng lên mu bàn tay, giữa các kẽ ngón tay và dưới móng tay.
3. Chà tay trong ít nhất 30 giây.
4. Rửa kỹ tay dưới vòi nước sạch.
5. Lau khô tay bằng khăn sạch hoặc để khô tự nhiên.
Lưu ý khi rửa tay khô:
– Để dung dịch rửa tay khô có chứa cồn ngoài tầm với của trẻ em. Hướng dẫn trẻ cách sử dụng dung dịch rửa tay khô.
– Không chạm vào mắt, miệng hoặc mũi ngay sau khi dùng dung dịch rửa tay khô vì có thể gây kích ứng.
– Không sử dụng dung dịch rửa tay khô trước khi nấu ăn bằng bếp có lửa hoặc xử lý lửa vì cồn trong đó rất dễ bắt lửa.
– Không cất dung dịch rửa tay khô ở những nơi có nhiệt độ cao.
4. Đeo khẩu trang đúng cách
– Ai cần sử dụng khẩu trang?
+ Người nhiễm Covid-19.
+ Người chăm sóc F0.
+ Tất cả thành viên trong gia đình.
– Ai KHÔNG đeo khẩu trang?
+ Trẻ dưới 2 tuổi.
+ Người khó khăn khi thở, người không có khả năng tháo bỏ khẩu trang mà không cần trợ giúp.
– Đeo khẩu trang khi nào?
+ Người chăm sóc F0 phải đeo khẩu trang khi ở cùng phòng hoặc không gian với người nhiễm và những người khác.
+ F0 phải đeo khẩu trang càng nhiều càng tốt, ngay cả khi được cách ly, để giảm thiểu nguy cơ lây truyền virus cho những người khác.
+ Các thành viên trong gia đình phải đeo khẩu trang mỗi khi họ ở chung phòng hoặc không gian với người khác.
– Cách chọn khẩu trang: Tốt nhất là sử dụng loại khẩu trang y tế sử dụng một lần.
– Cách đeo khẩu trang:
1. Rửa tay kỹ bằng xà phòng hoặc nước rửa tay khô trong 30 giây.
2. Lấy khẩu trang, một tay cầm vào một cạnh bên.
3. Đặt khẩu trang lên mặt. Mặt trước của khẩu trang (sẫm màu hơn) nằm bên ngoài; cạnh có giải nẹp mũi bằng kim loại ở phía trên.
4. Một tay giữ mặt trước khẩu trang cố định trên mặt, một tay luồn một bên dây đeo qua tai sau đó làm ngược lại với bên kia.
5. Chỉnh khẩu trang:
+ Dùng hai đầu ngón tay trỏ ấn chỉnh thanh kim loại trên mũi sao cho ôm sát sống mũi và mặt.
+ Dùng hai ngón tay cái và trỏ cầm mép dưới của khẩu trang kéo nhẹ xuống dưới, đưa vào trong để khẩu trang bám sát vào mặt dưới cằm.
– Tháo khẩu trang:
1. Vệ sinh tay
2. Dùng hai tay cầm phần dây đeo khẩu trang từ sau hai tai, tháo khỏi tai, giữ tay cầm dây đeo đưa khẩu trang ra phía trước và bỏ vào thùng chất thải.
Lưu ý: Tháo khẩu trang bằng cách chỉ chạm vào dây đeo. Không chạm vào phần trước của khẩu trang.
3. Vệ sinh tay lại.
– Không đeo khẩu trang theo cách này:
+ Hở mũi.
+ Hở cằm.
+ Để dưới cằm.
+ Chạm vào mặt ngoài khẩu trang trong khi đeo.
5. Vệ sinh hô hấp
– Luôn đeo khẩu trang.
– Không khạc nhổ trong không gian chung.
– Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi.
– Vứt bỏ ngay khăn giấy đã qua sử dụng vào thùng rác kín.
– Rửa tay ngay bằng nước và xà phòng sau khi ho, hắt hơi.
6. Vệ sinh dụng cụ ăn uống tránh lây nhiễm
– Bố trí bộ đồ ăn riêng cho người nhiễm Covid-19, nên sử dụng dụng cụ dùng một lần.
– Đồ ăn thừa và dụng cụ ăn uống dùng một lần bỏ vào túi đựng rác trong phòng riêng.
– Rửa bát đĩa bằng nước nóng và xà phòng.
– Người nhiễm Covid-19 tự rửa bát đĩa trong phòng riêng. Nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc mang găng khi thu dọn đồ ăn và rửa bát đĩa.
– Bát đĩa và đồ dùng ăn uống của người nhiễm sau khi rửa để ở vị trí riêng. Tốt nhất là để trong phòng người nhiễm.
7. Xử lý đồ vải an toàn
– Tốt nhất là người nhiễm có thể tự giặt quần áo của mình.
– Nếu cần người chăm sóc giặt. Đeo găng tay khi xử lý đồ vải của người nhiễm.
– Giặt hoặc khử trùng túi giặt và giỏ đồ.
– Giặt bằng máy hoặc bằng tay với nước ấm nhất có thể.
– Sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn.
– Tháo găng, rửa tay sau khi xử lý đồ vải của người nhiễm.
– Nên giặt riêng đồ của người nhiễm với đồ của người khác.
– Không giũ đồ bẩn cần giặt để hạn chế nguy cơ phát tán virus qua không khí.
8. Vệ sinh bề mặt môi trường sạch sẽ
– Tốt nhất là người nhiễm tự vệ sinh khu vực của mình.
– Làm sạch sàn nhà, tường và bề mặt sau đó lau bằng dung dịch khử khuẩn. Lau lại bằng nước sạch.
– Nếu cần người chăm sóc hỗ trợ, người chăm sóc mang găng trước khi vệ sinh.
– Sử dụng dụng cụ vệ sinh riêng cho khu vực của người nhiễm.
– Có thể bọc thiết bị điện tử bằng màng nilon và vệ sinh, khử trùng bên ngoài.
– Tháo bỏ găng, rửa tay sau khi hoàn tất công việc vệ sinh.
– Thực hiện vệ sinh bề mặt ít nhất 1 lần/ngày.
– Cách pha dung dịch khử khuẩn:
+ Bột Cloramin B 25% 5 muỗng cà phê bột + 1 lít nước.
+ Hoặc nước Javel 5%: pha gấp 10 lượng Javel theo hướng dẫn trên nhãn chai trong cùng 1 lượng nước.
+ Hoặc thuốc tẩy pha với nước theo tỷ lệ 1 : 10 : 5 muỗng canh hoặc 1/3cốc + 250 ml nước.
LƯU Ý:
– Dung dịch đã pha chỉ có hiệu quả sử dụng trong 24 giờ.
– KHÔNG trộn lẫn hoá chất hoặc dung địch tẩy rửa với nhau.
– KHÔNG để trực tiếp dưới ánh mặt trời.
– KHÔNG để các sản phẩm tẩy rửa hoặc khử khuẩn trực tiếp lên da tay.
– KHÔNG được sử dụng các sản phẩm tẩy rửa hoặc khử khuẩn cho thực phẩm.
9. Thu gom, xử lý chất thải đúng cách
– Đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi nilon bên trong ở phòng của người nhiễm.
– Thu gom, xử lý chất hằng ngày hoặc khi thùng rác đầy.
– Đeo găng khi xử lý chất, thải bỏ găng tay ngay sau khi xử lý xong.
– Rửa tay sau khi xử lý chất thải.
10. Sử dụng găng tay
– Người chăm sóc nên sử dụng găng tay khi khử trùng các bề mặt và vật dụng trong nhà và khi chăm sóc người nhiễm.
– Đeo găng tay sẽ không thay thế cho các biện pháp phòng ngừa khác, như: giãn cách, rửa tay và đeo khẩu trang.
– Không sử dụng lại găng tay. Mỗi đôi găng tay chỉ sử dụng một lần rồi bỏ.
– Không chạm vào mặt khi đang đeo găng, mặt ngoài găng có thể có mầm bệnh.
– Cách tháo găng tay:
1. Với cả hai bàn tay vẫn đang đeo găng tay, hãy cầm hoặc tóm lấy phần ngoài của găng tay ở vị trí gần cổ tay mà không chạm vào da trần.
2. Tháo găng tay ra, lộn trái găng tay khi tháo.
3. Giữ chiếc găng tay đã được tháo ra bằng bàn tay vẫn đang đeo găng tay.
4. Luồn bàn tay trần xuống bên dưới phần cổ tay của bàn tay đeo găng.
5. Tháo găng tay ra, lại lộn trái găng tay khi tháo sao cho hai chiếc găng tay lộn trái và lồng vào nhau.
6. Thải bỏ găng tay theo cách an toàn, không tái sử dụng.
7. Rửa tay bằng xà phòng và nước.
Clip: Bộ Y tế hướng dẫn F0, F1 cách ly tại nhà
Nguồn ảnh: Sở Y tế Hà Nội
Sự kiệnDiễn biến dịch Covid-19 tại Việt NamCập nhật 2021-11-3 14:25:612 tin bài
- Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam