Du lịch đìu hiu ngóng khách

Ngóng cả khách nội địa lẫn quốc tế

Năm 2021, do dịch COVID-19 bùng phát, những người làm trong ngành du lịch chưa kịp ngẩng mặt lên “thu lãi bù lỗ”, đã vội lo toan cho những khoản đầu tư vừa bỏ ra. Càng gần cuối năm, du lịch càng ảm đạm bởi tình hình dịch bệnh có nguy cơ bùng phát tại nhiều địa phương. Dù là mùa cao điểm nhưng các công ty lữ hành vốn đã ít khách vẫn đối mặt với nguy cơ khách hủy tour ngay trước ngày xuất phát.

Anh Vũ Ngọc Anh, hướng dẫn viên du lịch các tour nội địa của một doanh nghiệp lữ hành có tiếng trong nước ngậm ngùi: “Nếu như cách đây 2 năm khi chưa có COVID-19, thời điểm này hướng dẫn viên du lịch kín lịch dẫn đoàn. Hướng dẫn viên dẫn đoàn không có thời gian nghỉ ngơi vì khách đặt tour đi nhiều vào dịp cuối năm để nghỉ Tết hoặc trốn Tết. Năm ngoái, COVID-19 xảy ra, các công ty du lịch nằm im. Hiện, dù mọi người đều được tiêm 2 mũi và du lịch mở cửa trở lại nhưng khách nội địa vẫn dè dặt đi du lịch. Nhiều trường hợp khách đặt xong lại hủy bởi xuất hiện những tình huống bất ngờ như trong đoàn có người F0, F1…”.

Anh Ngọc Anh cho biết, trong tháng 11 vừa qua, anh dẫn duy nhất 1 đoàn đi Cát Bà (Hải Phòng). “Hiện, giữa tháng 12 nhưng tôi chưa dẫn đoàn nào. Cuối tháng 12 chỉ có 2 đoàn đi ngắn ngày tại Sa Pa. Hy vọng họ sẽ không hủy tour”, anh Ngọc Anh nói.

Ông Hoàng Văn Vinh, Giám đốc khách sạn Horizon (Nha Trang, Khánh Hòa) kể: “Cho đến bây giờ, khách sạn 5 sao chúng tôi chưa đón được một vị khách quốc tế nào. Dù doanh nghiệp nóng lòng, sẵn sàng mở cửa ngay sau khi Chính phủ thí điểm đón khách quốc tế sử dụng hộ chiếu vắc xin. Vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, cản trở, khiến việc đón khách quốc tế chưa hiệu quả, chẳng hạn như quy định khách quốc tế phải cách ly 28 ngày”.

Doanh nghiệp du lịch vẫn có cơ hội

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch trong buổi tọa đàm du lịch đầu tháng 12 vừa qua cho biết: “Công nghiệp du lịch liên quan rất nhiều ngành khác. Trong 3 lĩnh vực lưu trú, lữ hành và vận tải, thì lưu trú phát triển rất mạnh với tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp đổ vào lớn. Hàng loạt chủ đầu tư đang đứng trước nguy cơ không thể vực dậy vì du lịch “bất động”. Họ chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng. Nếu họ “chết”, ngân hàng có yên? Dẫn chứng để thấy hệ lụy từ việc chậm trễ hồi phục du lịch là rất lớn. Và không thể chần chừ thêm việc mạnh dạn mở cửa du lịch”.

Theo đó, thay vì đi nghỉ dưỡng khách sạn 5 sao và di chuyển bằng máy bay, các doanh nghiệp cần cung cấp sản phẩm du lịch kết hợp thể thao, chăm sóc sức khỏe nhằm “hút” khách trong mùa dịch COVID-19.

Ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Công ty Du lịch VietFoot Travel, đơn vị trực tiếp xây dựng sản phẩm du lịch bằng xe đạp, cho hay “Du lịch xe đạp – Biketours không phải là dòng tour giá rẻ. Việc tổ chức đòi hỏi rất nhiều công sức, tỷ mẩn và nhiều người tham gia thì mới có thể đảm bảo được chất lượng của chương trình”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nghĩa, doanh nghiệp cung cấp loại xe thể thao chuyên dụng, có trợ lực điện để giúp du khách dễ dàng di chuyển trong mọi địa hình. Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, du khách tham gia trải nghiệm còn cần tiêm đủ mũi vắc xin phòng COVID-19, kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19…

Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Phạm Thị Hải Ninh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư và Quản lý khách sạn TNH chia sẻ, trong bối cảnh mới, các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực không còn phòng thủ nữa mà sống chung với lũ. Họ phải thích nghi với dịch và điều chỉnh chiến lược để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thời gian đầu doanh nghiệp co cụm, nay họ vận động. Cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp phải đi lại, giao dịch, công tác…

“Đối với các đơn vị cung cấp sản phẩm du lịch như chúng tôi, yêu cầu lúc này là làm sao để họ yên tâm khi ăn ở trong những chuyến công tác, an toàn trước dịch bệnh. Khách sạn chúng tôi ra đời trong bối cảnh như vậy. Khách đi công tác tỉnh thành nào đều có thể check in nhanh chóng, an toàn, sạch sẽ, tiện nghi, riêng tư… và khách sạn chúng tôi đáp ứng điều đó trong bối cảnh dịch bệnh”, bà Ninh nói.