Em bé Mường Lát quỳ dưới đất lạnh sau 5 năm ở thành phố: Đã biết chạy, luôn cười hạnh phúc

Cuộc đời bé Pàng đã thay đổi chỉ sau một bức ảnh. Không ai có thể nhận ra em bé liệt chân quỳ bên vệ đường lạnh giá năm xưa nữa.

Pàng và mẹ Phương – những dặm đường yêu thương

“Em bé Mường Lát” là biệt danh của Vàng Thị Pàng, cô bé có hoàn cảnh đặc biệt gây chú ý dư luận hồi cuối năm 2017. Một tài xế đường dài vô tình nhìn thấy bé Pàng, năm ấy hơn 5 tuổi, giữa trời rét buốt mà không có mảnh vải che thân, quỳ bên vệ đường tại Mường Lát, một vùng núi nghèo tại Thanh Hóa.

Pàng bị liệt chân, chỉ có thể ngồi đó nhìn lũ trẻ chạy vòng quanh mà không thể tham gia. Năm ấy, Pàng chỉ nặng 10kg và cao có 80cm, thể chất chỉ tương đương một em bé 2 – 3 tuổi. Hình ảnh tội nghiệp của Pàng, đặc biệt là đôi mắt buồn của em đã khiến nhiều người xót xa.

Em bé Mường Lát thời điểm mới về thành phố ở

Câu chuyện của Pàng đã khiến vợ chồng anh Huỳnh Quốc Tín, chị Nguyễn Thị Ngọc Phương ở thành phố Hồ Chí Minh rung động. Họ bay hàng nghìn kilomet ra thăm Pàng. Hóa ra, Pàng đã mồ côi cha, mẹ có vấn đề tâm thần, gia đình nghèo lại đông con.

Khi ấy đã có 2 con nhỏ, đang mang bầu bé út, chị Phương vẫn muốn mạo hiểm đón Pàng về gia đình mình. Anh chị hứa với bà của Pàng sẽ điều trị cho cô bé khỏi liệt chân, khi bé đi lại được sẽ “gửi trả” về với gia đình.

Pàng và mẹ Phương rất quấn quýt nhau

Nhưng vài tháng sau, chân Pàng vẫn còn đang được can thiệp vật lý trị liệu thì mẹ Pàng qua đời. Anh Tín, chị Phương đã quyết định làm giấy tờ nhận Pàng làm con nuôi. Cái tên Pàng vẫn được cha mẹ nuôi giữ nguyên, để nhắc nhớ cô bé về bản làng, về những người ruột thịt của mình.

Chị Phương nhớ lại, khi khám cho Pàng, bác sĩ đã lo ngại cô bé bị chậm phát triển, não có vấn đề (lo ngại là do di truyền), e rằng Pàng không tự thân vận động để đi lại được. Khi nghe nói vậy, vợ chồng chị rất buồn.

Pàng dần khá lên, tỏ ra là một cô bé thông minh, lanh lợi

Nhưng sau khi khám chuyên sâu, lo ngại về việc bé Pàng có vấn đề về não đã được đập tan. Bác sĩ chẩn đoán Pàng là đứa trẻ khỏe mạnh, não hoàn toàn bình thường, con sẽ đi lại được, học tập và phát triển như những đứa trẻ khác. Tình trạng liệt chân của Pàng không phải bẩm sinh, chỉ cần kiên trì tập luyện, chăm sóc tốt, cô bé sẽ khá lên.

Nụ cười “đặc sản” của Pàng và tình yêu của mẹ

Quãng thời gian 1 năm sau đó là những ngày tháng khó khăn nhất với cả Pàng và gia đình mới. Khi đón Pàng về nhà, cô bé vẫn chưa biết tiếng Kinh, cứ líu lô hát những bài dân ca xứ Mường. Cô bé bắt đầu học tiếng Kinh, học cách sống ở môi trường mới.

Chị Phương vẫn chưa hết bồi hồi khi kể lại chuyện Pàng mới về đã rất quấn mình, thấy mẹ đi làm là khóc nhè, thấy mẹ về là bò ra cửa đón, rồi những khi Pàng bập bẹ nói những tiếng đầu tiên mà cả nhà đều hiểu… Từ tháng 1 năm 2018, Pàng bắt đầu tập lý trị liệu chân, học cách tập đi trên đôi chân mình với sự hỗ trợ của gia đình và đôi giày chuyên dụng.

Pàng mất 4 năm để tập đứng, tập đi, chặng đường ngắn với một đời người, nhưng đẫm mồ hôi và nước mắt

Đến tháng 7 năm ấy, Pàng đã bắt đầu đi bằng khung sắt được một quãng đường xa. Nhiều lúc thấy Pàng cũng chán nản, mệt mỏi, muốn bỏ cuộc, chị cũng thương, nhưng vẫn kiên nhẫn rèn con.

Người mẹ tự nhận mình là “sư tử” xúc động: “Nhìn những giọt mồ hôi của đứa trẻ 7 tuổi như con, không một người thân bên cạnh, bị bắt vô nề nếp, khuôn khổ, mẹ hiểu rằng rất khó khăn cho con, có khi con sẽ cảm thấy rất cô đơn… Nhưng không còn cách nào hết, Pàng ơi! Mong sau này lớn lên con sẽ hiểu, chỉ có một cách duy nhất thay đổi số phận con đó là không được lười biếng.”.

Cứ thế, sau 4 năm kiên trì, Pàng đã có thể chạy. Tuy bước chạy của con còn loạng choạng, chưa thật sự vững, nhưng đó đã đủ để người làm cha mẹ rưng rưng hạnh phúc.

Thời điểm mới đón Pàng về, cô bé còn bị nhiều bệnh khác như sỏi bàng quang, trĩ, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng tiết niệu… Sau khi mổ lấy sỏi, cô bé đã khá dần lên. Đặc biệt là, Pàng cực kỳ mạnh mẽ. Khi vào mổ cho đến quá trình hồi phục, lúc nào cô bé cũng nở nụ cười rất tươi.

Nụ cười “đặc sản” đầy ánh sáng mà Pàng trao tặng là món quà quý giá với ba Tín, mẹ Phương

Nụ cười ấy theo Pàng vào lớp 1, chào sinh nhật 7 tuổi, theo Pàng trong cả thời điểm xa cách gia đình vì dịch Covid-19.

Do cần chăm sóc đặc biệt, Pàng được gửi đến học tập và chữa trị tại Trung tâm Phục hồi chức năng và Trợ giúp trẻ khuyết tật tại quận 3. Không thể sắp xếp để đưa đón mỗi ngày, gia đình cho Pàng học nội trú (5 ngày ở trường và 2 ngày cuối tuần về nhà với ba mẹ).

Hồi năm 2020, có thời điểm nhà trường gọi điện báo phụ huynh không được rước con về để đảm bảo tình hình sức khỏe trong dịch bệnh, chị Phương kể: “Nghe xong vừa mừng mà cũng vừa lo. Mừng vì đỡ giữ được một đứa, nhưng lo vì không biết đến bao lâu. Sợ Pàng nghĩ là mẹ Phương bỏ rơi con…”.

Pàng của hiện tại đã là cô bé 10 tuổi, đã có thể chạy quãng dài

Tháng 4 vừa qua, Pàng nhiễm Covid-19. Cô bé đã chiến đấu kiên cường và mạnh mẽ vượt qua. Giờ thì Pàng đã khỏe mạnh, vui vẻ và tận hưởng từng ngày mới. Cô bé được mẹ Phương nhận xét là có cá tính, thông minh và hiểu chuyện.

Chị Phương cho hay, thời gian tới Pàng vẫn cần vật lý trị liệu để đôi chân cứng cáp hơn, đi lại thẳng thớm hơn. Nhưng đó là chuyện về lâu về dài. Còn hiện tại, con có thể chạy nhảy tung tăng đã khiến vợ chồng chị rưng rưng hạnh phúc rồi!