Gặp lại "dì ghẻ" trong câu chuyện "bánh đúc có xương" từng khiến nhiều người rơi nước mắt: "Một tay mẹ chăm lo miếng ăn cho chị em chúng tôi"
“Bánh đúc… có xương”
Ngôi nhà nhỏ cũ kỹ của cô Phan Thị Hoa (SN 1970, trú xóm 1, nông trường chè Thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) nằm sâu trong đồi.
Đón những người khách lạ, người phụ nữ có dáng hình gầy gò, khắc khổ, đôi mắt dần mờ vì bệnh sụp mí vẫn vô cùng nhiệt tình. Bởi nhiều năm nay gia đình đã vắng bóng tiếng cười khi liên tục phải hứng chịu sự tang tóc.
Cô Hoa chấp nhận về làm mẹ kế của 8 người con riêng của chồng
Cô Hoa sinh ra ở xã Thanh Thủy, huyện Thanh Chương, một nơi vô cùng nghèo khổ. Ít học, lớn lên đã bán sức lao động kiếm sống, nên cô nghĩ rằng sẽ ở vậy cả đời.
Năm 2006, cô được một người thân mai mối cho ông Trần Văn Đức (SN 1955, xã Thanh Mai). Vợ ông Đức đã mất cách đây nhiều năm, một mình ông tần tảo nuôi 8 người con. Cuộc sống khó khăn, dù ông đã cố gắng hết mình nhưng những đứa con vẫn không có đến một bữa no. Ông muốn tìm một người phụ nữ về để chia sẻ gánh nặng với mình.
Kể về quãng đường vừa qua, cô Hoa bật khóc
“Khi biết đến hoàn cảnh của ông Đức thì cô thương lắm. Một mình gà trống nuôi con vất vả lắm. Vì vậy, cô đã đồng ý về cùng một nhà để cùng ông Đức chăm sóc các con”, cô Hoa nói.
”Khi vừa hạ sinh đứa con đầu lòng, cô đã đi triệt sản để dồn hết tâm sức chăm sóc các con chồng. Người đời thường hay dị nghị ‘Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng'”, nhưng cô Hoa là trường hợp ngoại lệ, chưa bao giờ cô cảm thấy hối tiếc vì quyết định này.
Trước tình cảm của người mẹ kế, các người con riêng của cô cũng vô cùng quý trọng. Chưa bao giờ trong nhà vang lên tiếng cãi vã giữa mẹ con. Vì vậy, dù nghèo khó nhưng cô vẫn luôn hạnh phúc.
Đôi bàn tay của cô đã chai sạn khi cố gắng lao động nuôi con chồng
Nói về người mẹ kế, chị Trần Thị Thịnh (SN 1988, con gái riêng thứ 5) cho hay: “Ngay từ khi mẹ Hoa về nhà, chúng tôi đều vô cùng kính trọng. Một tay mẹ chăm lo miếng ăn cho chị em chúng tôi. Nhất là khi lấy chồng, sinh con, tôi càng hiểu hơn nỗi lòng, sự hy sinh và yêu thương vô điều kiện mà mẹ Hoa”.
Những tưởng cuộc sống như vậy sẽ trôi qua trong yên bình thì vào năm 2014, người con thứ 7 là Trần Văn Thắng (SN 1997) bị ung thư xương. Cô Hoa là người chủ động bàn với chồng, vay mượn tiền bạc đưa con ra Hà Nội với hi vọng “còn nước còn tát”. Chính cô đã đưa con ra bệnh viện để tiến hành điều trị ung thư.
Bức ảnh duy nhất khi cả gia đình ở bên nhau
Nhìn con gầy gò, đau đớn vì những lần hóa trị, cô thức suốt đêm, xoa tay chân, lau từng giọt mồ hôi cho con. Chẳng mấy ai ở bệnh viện K cơ sở Tân Triều (quận Hà Đông, Hà Nội) lại không biết đến cô, nhưng chẳng ai ngờ rằng cô chỉ là mẹ kế của Thắng.
“Để có tiền cho con chữa trị, vợ chồng cô đã phải dùng mảnh đất này để vay tiền ngân hàng. Có thời điểm số tiền vay lên đến trăm triệu đồng. Nhưng lúc đó cô chỉ hi vọng sức khỏe của con tiến triển”, cô Hoa kể.
Thế nhưng, sau những tháng ngày hai mẹ con cùng chống chọi với bệnh tật, cuối tháng 10/2017, Thắng ra đi trong nước mắt của mọi người. Trong đám tang của Thắng, cô đau đớn, khóc cạn cả nước mắt, đứt từng khúc ruột khiến ai cũng xót xa.
Năm 2017, em Thắng đã ra đi ở tuổi 20 đẹp nhất
Nỗi đau chồng chất nỗi đau
Cô bảo, lo xong ma chay cho con, nhà không còn lấy một đồng. Thế nhưng, tang thương vẫn chưa nguôi, nỗi đau mất mát vẫn chưa dứt, cô Hoa lại phải gói ghém đồ đạc ra Hà Nội cùng chồng để điều trị ung thư dạ dày.
“Ông ấy gầy rộc đi vì mất hơn 20kg chỉ trong đôi ba tháng phát bệnh, còn cô tưởng như sắp gục ngã vì thêm một lần đau nữa chứng kiến người mình thương yêu mắc chứng bệnh quái ác. Thế nhưng, từng ngày cô tự động viên mình không được gục ngã, nếu không thì ai chăm sóc chồng”, cô Hoa nhớ lại.
Sau đó 2 năm, người chồng của cô cũng qua đời do ung thư
Đều đặn mỗi tháng, cô Hoa lại bắt xe khách đưa chồng từ Nghệ An ra Hà Nội xạ trị. Chồng ngủ ghép giường, còn cô trải chiếu nằm dưới đất. Nỗi đau chồng chất, khó khăn mỗi ngày mỗi lớn, nhiều đêm cô cắn răng khóc ướt đẫm gối, thế nhưng sáng hôm sau vẫn phải vui vẻ cười đùa để động viên chồng chữa trị.
Nhưng rồi điều gì đến cũng phải đến, vào giữa năm 2019, người chồng của cô cũng qua đời. Trải qua 2 lần chứng kiến người thân qua đời, dù mới 52 tuổi nhưng khuôn mặt cô đã già đi trông thấy, cả sức khỏe cũng bị vắt kiệt.
“Hiện nay, cô sống vì người con trai út. Cháu chỉ mới lên lớp 9, vẫn chưa thể sống một mình được. Ngoài ra, người con gái đầu là con riêng của chồng cũng bị câm điếc bẩm sinh cần chăm sóc. Còn những người con khác thì đã đi xa lập nghiệp rồi”, giọng cô Hoa chùng xuống.
Cả nhà hiện sống dựa vào đồi chè
Cả nhà 3 miệng ăn trông chờ vào đồi chè thu nhập bấp bênh, thế nhưng do sức khỏe yếu đi nên cô không thể lao động được như trước. Vì thế số tiền gần 50 triệu vay mượn để chạy chữa cho chồng hơn 2 năm nay cô vẫn chưa trả được.
“May mà tiền vay người thân, anh em, họ hàng nên không phát sinh lãi. Mọi người thấy hoàn cảnh của cô nên cũng thương. Cô bây giờ chỉ hi vọng con trai khôn lớn, học hành tiến tới để có công việc ổn định”, cô Hoa tâm sự.
Nhắc đến trường hợp mẹ kế con chồng, ông Hà Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương mở đầu bằng hai từ “tuyệt vời”. Đó là hai từ không chỉ ông mà những người dân địa phương luôn dành cho bà Hoa.
“Hiếm có người phụ nữ nào được như bà ấy. Thương chồng, yêu con, tần tảo sớm hôm, lo cho các con riêng của chồng. Giờ đây ông Đức đã mất nhưng bà ấy vẫn một mình chăm lo cho cả gia đình”, ông Hà Quang Thắng nhận xét.