Giám đốc Sở Y tế: Số F0 tại Hà Nội có thể lên tới 1.000 ca mỗi ngày

Sáng 9/12, Kỳ họp thứ 3 HĐND TP Hà Nội khóa XVI tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn đối với 2 nhóm vấn đề, gồm: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố; thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố.

Trả lời chất vấn của HĐND thành phố, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, trong giai đoạn vừa qua, tình hình dịch bệnh rất phức tạp và thời gian gần đây, số ca mắc trên địa bàn thành phố tăng cao (từ ngày 11/10 đến hiện tại).

Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà trả lời chất vấn của HĐND thành phố Hà Nội. (Ảnh: HĐND).

Sở Y tế thấy rằng, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao có thể dự báo 1.000 ca mắc mỗi ngày trong thời gian sắp tới. Bên cạnh đó, nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở 30/30 quận huyện và có thể xuất hiện biến chủng Omicron. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vaccine 2 mũi của thành phố là trên 95% nên dù số ca mắc tăng cao nhưng tất cả đều chỉ có triệu chứng nhẹ.

Dù số ca mắc mới tăng cao nhưng do thành phố đã đạt tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid -19 cao (trên 95% người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ liều) nên hầu hết ca bệnh nhẹ và không có triệu chứng (khoảng 92%), có thể điều trị tại nhà hoặc trạm y tế lưu động.

Số F0 đang điều trị trên địa bàn Hà Nội là 6.722 người, số tử vong thời gian qua 52 (từ ngày 27/4 đến nay). “Tỷ lệ bệnh nhân nặng của thành phố khoảng 1,2%, tỷ lệ tử vong 0,34%“, bà Hà nói.

Sở Y tế nhận định nguy cơ bùng phát dịch rất cao ở 30/30 quận huyện và có thể xuất hiện biến chủng Omicron.

Lý giải về nguyên nhân ca mắc tăng cao, theo bà Hà là do đặc điểm địa lý của thành phố, sự di biến động phức tạp của người dân, tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine…

Tuy nhiên, nếu chúng ta quyết tâm, tập trung, có giải pháp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của người dân thì chúng ta vẫn kiểm soát được dịch bệnh” – bà Hà khẳng định.

Về biến chủng Omicron, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết hiện trên thế giới chưa có dữ liệu chứng minh biến chủng này có thể gây bệnh nặng hơn các biến chủng khác. Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới thì các loại vaccine hiện tại vẫn tạo kháng thể đối với biến chủng này. Phía Sở đã kiến nghị dừng các chuyến bay đến từ quốc gia đang có biến chủng này.

Về phương pháp, giải pháp phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, theo bà Hà, Sở Y tế đã có giải pháp cụ thể như, các quận huyện đánh giá cấp độ dịch một lần/tuần; ở quy mô nhỏ hơn xã phường thị trấn thì quận huyện dựa trên cấp độ dịch có biện pháp phòng chống dịch tương ứng nhưng không được làm ảnh hưởng đến người dân.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng cao có thể dự báo 1.000 ca mắc mỗi ngày trong thời gian sắp tới.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đã nâng cao năng lực các tuyến bệnh viện thành phố, quận, huyện và đặc biệt là tuyến cơ sở để người dân tiếp cận dịch vụ từ sớm từ xa, giảm tỷ lệ quá tải tuyến trên; tập huấn kiến thức cho cán bộ y tế để sẵn sàng đáp ứng với điều kiện dịch bệnh; tiếp tục tiêm phòng vaccine cho người dân chưa tiêm đủ 2 mũi và có kế hoạch tiêm mũi 3 theo sự phân bổ của BYT. 

Thành phố cũng đã thực hiện tiêu chí an toàn phòng chống dịch tại các cơ sở, kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét nghiệm…

Tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh, hệ thống y tế cơ sở có vai trò trụ cột, nòng cốt và điều này đã được chứng minh trong thời gian suốt 2 năm diễn ra dịch bệnh.

“Phải nói y tế cơ sở là tuyến đầu của tuyến đầu. Một trạm y tế chỉ có từ 5-10 cán bộ y tế, kể cả các xã, phường có tỉ lệ dân số rất cao. Đã có lúc dân số cao gây quá tải cho hệ thống y tế. Có thể thừa nhận chất lượng cơ sở y tế cơ sở chưa cao, các trạm y tế cũng xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu… Về giải pháp, Sở sẽ tham mưu về chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế; ứng dụng thêm công nghệ thông tin trong việc quản lý sức khỏe người dân và tham mưu UBND TP thành lập đại học Y khoa để đào tạo thêm nhân lực” – bà Hà nói.

Cũng theo bà Hà, thành phố đã có phương án xây dựng kịch bản có 100 nghìn ca bệnh; hiện đang có 1.000 giường hồi sức cấp cứu và sẽ huy động thêm 1.000 giường nữa để đảm bảo công tác cấp cứu. Bên cạnh đó, tất cả các giường đều lắp đặt hệ thống oxy.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận 14.925 ca nhiễm, trong đó 5.443 ca ngoài cộng đồng. Trong đó, từ ngày 11/10 đến 12h ngày 8/12, thành phố ghi nhận 10.618 trường hợp dương tính (trung bình 186 ca mỗi ngày) với 4.123 ca nhiễm cộng đồng.

Hà Nội: Lắp đặt thử nghiệm hệ thống camera quét mã QR code tại ga Cát Linh