Hai bức tranh trái ngược trong chiến lược đối phó biến thể Omicron ở châu Âu
Người dân Hà Lan chỉ có thể mời 2 người khách tới nhà sau khi nước này áp lệnh phong tỏa mới. Ở Đan Mạch, nơi các hạn chế xã hội đã được gỡ bỏ hoàn toàn nhờ thành công của chiến dịch tiêm chủng, giờ đây một lần nữa phải đóng cửa các rạp chiếu phim, công viên, các địa điểm công cộng.
Ngược lại, Pháp đã loại trừ khả năng phong tỏa, giới nghiêm hay đóng cửa trên cả nước trong bối cảnh nhiều nước châu Âu khác liên tục công bố các biện pháp mới để đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron . “Ngoại lệ Pháp”, đó là tiêu đề trên trang bìa báo Le Parisien số ra ngày 20/12.
Hiện Pháp, cùng với Tây Ban Nha và Italy đều đang đặt cược vào độ phủ vaccine rộng rãi và mũi tăng cường, cùng với các biện pháp hạn chế từ sớm mà nước này đang thực hiện, là đủ để kiểm soát sự lây lan của biến thể mới. Cả 3 nước vẫn chỉ đang theo dõi tình hình trong khi các nước như Hà Lan, Đan Mạch và Anh đều có các biện pháp khẩn cấp.
Sự khác biệt từ những con số
Ở thủ đô London của Anh số ca mắc Covid-19 tăng 30% trong tuần trước và Thị trưởng thành phố này đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp để huy động nguồn lực hỗ trợ hệ thống y tế.
Đan Mạch hiện ghi nhận hơn 9.000 ca mắc mới mỗi ngày và là một trong những nước có tỷ lệ lây nhiễm bệnh cao nhất thế giới.
Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu tái áp đặt lệnh phong tỏa trong bối cảnh lo ngại hệ thống y tế bị quá tải.
Tây Ban Nha, Italy và Pháp đều có số ca mắc Covid-19 tính trên 100.000 dân thấp hơn so với các nước láng giềng phía Bắc, ít nhất là cho tới thời điểm hiện nay.
Bác sỹ Antoine Flahault, Giám đốc Viện Y tế toàn cầu tại Geneva cho biết, các nước Bắc Âu “có xu hướng chủ động hơn và hành động nhanh chóng vì không muốn các bệnh viện bị quá tải”, còn với các nước Nam Âu, hạn chế và phong tỏa “luôn là lựa chọn cuối cùng”.
Trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là tới kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới, lo ngại về kinh tế, chính trị là các yếu tố chi phối quyết định của chính phủ các nước.
Các nhà nghiên cứu y tế cộng đồng cảnh báo, dù biến thể Omicron có thể gây bệnh nhẹ hơn nhưng sự lây lan nhanh chóng của nó lại khiến số người phải nhập viện gia tăng nhanh chóng.
Những lời cảnh báo cũng nhắc lại giai đoạn bất ổn nhất thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19. Số ca mắc tăng cao hiện nay khiến các nước châu Âu đối mặt với viễn cảnh mùa Giáng sinh thứ 2 liên tiếp bị phủ bóng bởi các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, các lệnh phong tỏa, lệnh cấm đi lại…
Đặt cược vào mũi vaccine tăng cường
Chính phủ các nước đang đẩy mạnh việc tiêm mũi tăng cường trong bối cảnh các bằng chứng khoa học đánh giá 2 mũi vaccine là chưa đủ để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm bệnh, dù vẫn có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và phải nhập viện.
Ở Pháp, biến thể Omicron được cho là nguyên nhân gây ra hàng trăm ca mắc Covid-19 và biến thể này có thể trở thành biến thể nổi trội vào đầu năm 2022.
Trong tuần trước, trung bình mỗi ngày Pháp ghi nhận 52.471 ca mới mắc Covid-19, tăng 23% so với mức trung bình của 2 tuần trước đó.
Giới chức Pháp khuyến khích tiêm chủng bằng việc ban hành giấy thông hành y tế cho những người đã tiêm đủ liều vaccine. Hiện hơn 70% dân số Pháp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, nhưng vẫn còn khoảng 6 triệu người chưa tiêm chủng.
Chính phủ cũng rút ngắn thời gian chờ tiêm mũi tăng cường xuống 4 tháng thay vì 5 tháng sau mũi thứ hai như trước đây. Cho tới nay, khoảng 17,5 triệu người đã tiêm mũi tăng cường, tương đương 36% những người đã tiêm đủ 2 mũi.
Ở Italy, chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi đang cân nhắc áp đặt các biện pháp mới để ngăn chặn biến thể Omicron, Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Chính phủ Italy vẫn coi chiến dịch tiêm chủng là ưu tiên quốc gia.
Tháng 10 vừa qua, Italy trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu yêu cầu “thẻ xanh” đối với tất cả người lao động, tục siết chặt hạn chế với những người chưa tiêm chủng.
Khách xuất trình thẻ xanh khi tới Bảo tàng Capitolini ở Rome ngày 5/12/2021. Ảnh: Reuters
Tính đến tuần trước, người dân đến Italy từ các nước châu Âu khác phải có kết quả xét nghiệm âm tính và chứng nhận đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, nếu không sẽ phải cách ly.
Tây Ban Nha cũng không muốn quay trở lại với các biện pháp hạn chế từng được thực hiện trong các làn sóng Covid-19 trước đây. Việc áp đặt các biện pháp như vậy ngay trước kỳ nghỉ Giáng sinh được xem là “nguy hiểm” cả về chính trị và kinh tế.
Tuần trước, giới chức Tây Ban Nha đã nâng mức cảnh báo toàn quốc khi tỷ lệ mắc Covid-19 và hiện giờ nước này ghi nhận 50 ca mắc mới trên 100.000 dân, tỷ lệ cao nhất trong những tháng gần đây.
Ngày 20/12, Thủ tướng Pedro Sanchez cho biết, chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi tình hình trước khi quyết định các bước tiếp theo. Tỷ lệ 50 ca mắc Covid-19 trên 100.000 dân hiện nay được xem là khá cao nhưng tỷ lệ nhập viện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác ở châu Âu và vaccine vẫn phát huy tốt tác dụng.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng tỷ lệ tiêm vaccine cao của Tây Ban Nha là một trong những lý do khiến nước này khác biệt so với các nước khác ở châu Âu. Hơn 80% dân số Tây Ban Nha đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19.
Dù vậy, một số chuyên gia bày tỏ thận trọng với cách tiếp cận hiện nay của chính phủ Tây Ban Nha.
Ông Rafael Vilasanjuan, Giám đốc chính sách của ISGlobal, tổ chức nghiên cứu y tế cộng đồng tại Barcelona, nói rằng một số nước Bắc Âu đã hành động nhanh chóng để ngăn chặn biến thể Omicron, Tây Ban Nha có thể đang đánh mất thời gian quý giá để làm điều đó.
Theo ông Vilasanjuan, Tây Ban Nha nên cân nhắc một số biện pháp mà các nước khác đang thực hiện, trong đó có việc áp dụng hộ chiếu vaccine trên toàn quốc và ngăn chặn người dân tụ tập đông người, đặc biệt trong các kỳ nghỉ lễ.
Ông nhấn mạnh, dù số ca nhiễm biến thể Omicron ở Tây ban Nha không cao như các nước khác, nhưng đã có sự gia tăng ở các thành phố trong đó có Barcelona. Tỷ lệ nhiễm Omicron chiếm gần 1/3 số mẫu xét nghiệm PCR tại các bệnh viện của thành phố này./.