Hơn 2.000 trẻ bị xâm hại, nhiều bé tử vong: Gọi số nào báo tin để không quá muộn?

Võ Quỳnh Trang, 26 tuổi, ở TP HCM bị cáo buộc hành hạ gây ra cái chết của bé gái 8 tuổi đang gây phẫn nộ trong dư luận

Thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy mỗi năm, nước ta có hơn 2.000 trẻ em bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng trong cộng đồng.

6 tháng đầu năm, Tổng đài 111 tiếp nhận hơn 170.000 cuộc gọi và qua đó hỗ trợ, can thiệp 706 trường hợp.

Liên quan đến vụ việc cháu bé N.T.V.A (8 tuổi) tại TP.HCM bị “dì ghẻ” bạo hành dẫn đến tử vong, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) chia sẻ trên báo VOV, đây là một vụ xâm hại trẻ em bằng hành vi bạo lực rất nghiêm trọng dẫn đến tử vong.

“Bất kỳ một hành vi bạo lực trẻ em nào khi được các phương tiện thông tin phản ánh, đặc biệt là những vụ gây thương vong nặng nề cho trẻ em đều làm dậy sóng dư luận.

Xã hội xót thương, phẫn nộ, lên án và yêu cầu nghiêm trị người gây ra tội ác, nhưng vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để những chuyện quá đau lòng này không lặp lại và chấm dứt các trường hợp trẻ em bị bạo hành dã man bởi chính cha mẹ, những người có trách nhiệm đạo đức và pháp lý là phải yêu thương, che chở, bảo vệ trẻ.

Tôi càng xót xa hơn nữa khi vụ việc này xảy ra tại một chung cư cao cấp có đủ các thiết chế, tổ chức, dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em nhưng hành vi dã man kia lại không bị tố giác kịp thời”, ông Đặng Hoa Nam bức xúc.

Thực tế cho thấy, thời gian qua có rất nhiều vụ việc mẹ kế, bố dượng hành hạ, đánh đập con riêng của vợ, hoặc chồng. Vào cuối năm 2020, đối tượng Nguyễn Minh Tuấn (32 tuổi, Hà Nội) đã bị tuyên án tử hình do sử dụng ma túy, bạo hành con gái riêng 3 tuổi của vợ đến mức cháu bé tử vong.

Mẹ của nạn nhân (30 tuổi) cũng phải nhận án chung thân sau khi cơ quan bảo vệ pháp luật xác định người này đã cùng chồng mới “dạy dỗ con” từ 8h ngày 29/3/2020 đến 2h sáng hôm sau.

Cặp vợ chồng bạo hành con gái 3 tuổi nức nở trước giờ tuyên án. Ảnh: V.Dũng/Lao động

Trong hai vụ án, cơ quan tố tụng đều xác định hàng xóm nhiều lần nghe tiếng khóc hoặc biết các cháu bị bố mẹ bạo hành nhưng không trình báo kịp thời tới cơ quan chức năng.

Trao đổi với VnExpess, ông Nam cho biết, nhiều người thường có tâm lý e ngại hoặc lo sợ bị trả thù khi trình báo nhưng tất cả cơ quan chức năng đều có trách nhiệm “bảo mật thông tin người tố cáo, tố giác”. Mọi người nên chú ý hơn tới các bé sống trong môi trường “có nguy cơ bị xâm hại cao” gồm: bố mẹ ly hôn; bố mẹ sống cùng người tình hoặc đã có bố, mẹ kế; người nuôi dưỡng các em có biểu hiện nghiện ma túy, rượu…

Các đơn vị tiếp nhận thông tin bảo vệ, tư vấn giúp đỡ trẻ em gồm cơ quan lao động – thương binh và xã hội, công an các cấp, UBND cấp xã hoặc Tổng đài 111.