Khi bánh mì Huỳnh Hoa và những thương hiệu lớn "chia đôi con đường": Người trắng tay làm lại từ đầu, người kiện tụng đằng đẵng bao năm

Đây không phải lần đầu tiên một thương hiệu lớn có sự tranh chấp bắt nguồn từ mâu thuẫn cùng rạn nứt trong tình cảm của những người làm chủ. Không chỉ vấn đề phân chia khối tài sản khổng lồ mà việc tranh chấp quyền điều hành doanh nghiệp, thương hiệu cũng là vấn đề “đau đầu”.

Vụ ly hôn “trắng tay” của “Vua bánh mì” đất Sài thành

Năm 2007, vụ tranh chấp thương hiệu “Đức Phát Bakery” của vợ chồng “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực đã trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của cộng đồng.

Theo tìm hiểu, từ năm 1983, vợ chồng ông Kao Siêu Lực đã cùng nhau khởi nghiệp với nghề làm bánh. Hai vợ chồng chung tay phát triển Đức Phát Bakery từ một tiệm bánh nhỏ dần trở thành một thương hiệu lừng danh đất Sài thành khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ.

Tuy nhiên, vào thời điểm Đức Phát đang trên đà phát triển thịnh vượng, vợ chồng ông Kao Siêu Lực lại nảy sinh những mâu thuẫn gia đình gay gắt. Năm 2007, hai người đã kéo nhau ra tòa để phân giải tranh chấp thương hiệu bánh Đức Phát.

Theo tạp chí Nhà đầu tư, trong quá trình phát triển thương hiệu, vợ ông Lực là người quản lý tài chính và kiểm soát toàn bộ 20 cửa hàng Đức Phát. Ông Lực chỉ sở hữu duy nhất xưởng sản xuất. 

Ngày ly hôn, ông Lực được chia trả lại 10 cửa hàng, nhưng phải chấp nhận không được dùng thương hiệu Đức Phát nữa. Sau khi giao lại thương hiệu Đức Phát cho vợ cũ sở hữu, ông được trả 1 triệu USD theo thỏa thuận cùng 10 cửa hàng. Với số tiền này, ông chủ họ Kao đã mở hiệu bánh mới lấy tên ABC Bakery (chữ cái đầu tên 3 người con), với số vốn 30 tỷ đồng.

“Vua bánh mì” Kao Siêu Lực

Tại toạ đàm “Doanh Nhân – Học hỏi để thành công” do Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức năm 2019, ông Lực chia sẻ: “Bà ấy là Văn – ngồi trong văn phòng, chịu trách nhiệm về tài chính. Tôi là Võ – đi “đánh” thiên hạ. Sổ sách, tiền bạc toàn bộ một tay bà ấy quản lý.”

“36 năm về trước tôi xây dựng thương hiệu Đức Phát. Chia tay bà xã, tôi lại trở lại với hai bàn tay trắng… Buộc phải bỏ thương hiệu Đức Phát, y hệt người ta rớt nước mắt bỏ đứa con của mình”, ông Kao Siêu Lực kể lại chuyện xưa.

Dù phải một lần nữa gây dựng lại thương hiệu với cái tên hoàn toàn mới cùng trách nhiệm nuôi 3 người con nhưng ông Lực đã có những bước tiến vững chắc đưa ABC Bakery ngày một phát triển.

“Trước đây, người ta đâu biết ABC là cái gì, hoàn toàn xa lạ. Nhưng tôi phải cho bản thân một động lực, một tay tôi đưa Đức Phát lên thì giờ cũng đưa ABC lên được”, ông Lực chia sẻ.

Khoảng 2008, 2009 khi các thương hiệu nước ngoài đến Việt Nam, họ đều tin tưởng chọn ABC làm đối tác nhờ yếu tố chất lượng đảm bảo và sự ấn tượng trước hệ thống dây chuyền sản xuất hiện đại.

Theo Nhịp sống doanh nghiệp, sau gần 10 năm phát triển, ABC Bakery đã có hệ thống 33 cửa hàng và sở hữu một danh sách khách hàng khiến nhiều doanh nghiệp cùng ngành phải thèm muốn như: Mc Donald’s, Carls Jr., Burger King, Dunkin’ Donuts và một số chuỗi cà phê như Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf và những siêu thị, cửa hàng tiện lợi có tiếng như Aeon, FamilyMart, Circle K… Ngoài ra, ABC Bakery cũng đang phát triển chuỗi cửa hàng với nhiều chi nhánh tại Campuchia.

“Trong thời buổi hội nhập hiện nay, giá trị thương hiệu càng được xem trọng. Nhiều doanh nghiệp nội thất bại và tỏ ra bi quan trước sự xuất hiện của nhiều thương hiệu ngoại. Nhưng đó là quy luật và phải chấp nhận, nên xem đây là cơ hội cải thiện mình”, ông Kao chia sẻ.

Cuộc ly hôn nghìn tỷ kéo dài dai dẳng của vợ chồng
“Vua cà phê” Trung Nguyên

Một trong những cuộc ly hôn tốn nhiều “giấy mực” của dư luận nhất có lẽ phải kể cuộc ly hôn nghìn tỷ của vợ chồng “Vua cà phê” Trung Nguyên. 

Khác với việc chấp nhận “trắng tay” hậu ly hôn như “Vua bánh mì” Kao Siêu Lực, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nhiều lần tranh chấp trước tòa khiến sự việc kéo dài liên miên trong nhiều năm. Từ thời điểm bắt đầu vào năm 2015 nhưng mãi đến 5/2021, vụ ly hôn mới chính thức kết thúc theo quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao.

Trải qua bao thăng trầm, bắt đầu từ hai bàn tay trắng cho đến khi thương hiệu Trung Nguyên vươn tầm thế giới, vợ chồng “Vua cà phê” vẫn luôn kề vai sát cánh. Hai người đã có cùng nhau 4 người con sau 20 năm gắn bó.

Mọi biến cố xuất phát từ tháng 4/2015, thời điểm mà bà Lê Hoàng Diệp Thảo bất ngờ bị bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực tại Trung Nguyên. Hai người kiện nhau ra tòa. Sau nhiều lần không thể tìm gặp và đối thoại trực tiếp với chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Diệp Thảo đã chính thức đệ đơn ly hôn lên tòa án vào tháng 10/2015 và chính thức được TAND TP Hồ Chí Minh thụ lý vào 1 tháng sau.

Tạp chí Nhà đầu tư cho hay, từ việc tranh chấp quyền điều hành ở Tập đoàn Trung Nguyên khơi mào cho nhiều vụ kiện hành chính, kinh tế giữa hai vợ chồng. Nếu bà Thảo khởi kiện về việc bị bãi nhiệm không hợp lệ thì ông Vũ cũng đi kiện bà Thảo vì bị chiếm đoạt con dấu của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH).

Không chỉ vắng mặt trong hai phiên hòa giải vào tháng 8/2018, bà Diệp Thảo còn gửi đơn lên TAND TP Hồ Chí Minh yêu cầu hủy bỏ phiên tòa diễn ra vào tháng sau.

Khi TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức hòa giải nhằm làm rõ việc thẩm định giá của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Trung Nguyên và tranh chấp xoay quanh vấn đề con cái vào tháng 9/2018, bà Diệp Thảo lại tiếp tục vắng mặt.

Đến tháng 10/2018, TAND TP Hồ Chí Minh ra quyết định đình chỉ vụ án ly hôn giữa hai vợ chồng thì lúc này bà Thảo mới làm đơn kháng cáo đề nghị TAND TP Hồ Chí Minh hủy bỏ quyết định đình chỉ vụ án.

Đầu năm 2019, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên xét xử sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Khối tài sản tranh chấp trong vụ ly hôn được các luật sư phía ông Vũ tiết lộ là 4.800 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo lời ông Vũ đây chỉ là “phần nổi”. Ông Vũ đề xuất chia tài sản theo tỉ lệ 7:3, ông Vũ nhận 70% còn bà Thảo nhận 30%. Bà Thảo phản đối đề xuất này và đề xuất mỗi người con sẽ được nhậ 5% cổ phần từ ông Vũ. Khối tài sản chung bà Thảo giữ nguyên quan điểm chia đôi.

Tại ngày thứ 2 phiên xét xử sơ thẩm, bà Thảo đưa ra đề nghị chia 51% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên cho bà Thảo, 49% cổ phần cho ông Vũ. Ông Vũ tiếp tục giữ quan điểm chia tỉ lệ 7:3. Hai bên chưa thống nhất được phương án cho đến cuối phiên tòa.

Vào tháng 3/2019, phiên toà xét xử vụ án ly hôn giữa vợ chồng vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục nhằm làm rõ số tài sản hơn 2.100 tỉ đồng tại các ngân hàng, sau khi tạm ngừng phiên toà vào ngày 1/3. Sau hơn 1 tháng xét xử và nghị án, HĐXX cho vợ chồng ông Vũ ly hôn, giao 60% tài sản và quyền điều hành tập đoàn cà phê cho ông vì ông Vũ có công nhiều hơn. Giao 4 con cho bà Thảo chăm sóc, nuôi dưỡng; ông Vũ có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi năm 10 tỷ đồng.

Không đồng ý với quyết định này, ngay sau đó, bà Diệp Thảo đã kháng cáo toàn bộ bản án. Trong đó, về quan hệ hôn nhân, bà xin được đoàn tụ với ông Vũ; không đồng ý quan điểm của tòa về việc chia tài sản theo tỷ lệ 6/4 và giao quyền điều hành công ty cho ông Vũ. Cùng với đó, ông Vũ cũng kháng cáo và yêu cầu chia các tài sản tranh chấp theo tỷ lệ ông sở hữu 70%, bà Thảo 30% như quan điểm trình bày ở tòa.

Cuối năm 2019, bà Diệp Thảo đã 3 lần liên tiếp vắng mặt và có đơn đề nghị hoãn tòa với lý do sức khỏe. Ngày 5/12/2019, Bản án phúc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM về vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ với bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã được đưa ra.

Theo báo Người lao động, đến tháng 4/2021, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã có quyết định giám đốc thẩm đối với vụ án tranh chấp về hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ với bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Theo quyết định giám đốc thẩm, ở phần tuyên về tài sản, bà Lê Hoàng Diệp Thảo được giao sở hữu khối tài sản là bất động sản tại Đà Nẵng và các bất động sản tại TP.HCM (quận 2, 3, 9, Bình Tân) với tổng giá trị hơn 375 tỉ đồng. Bà Thảo được sở hữu số tài sản là tiền, vàng, các loại ngoại tệ tại các ngân hàng do bà quản lý với tổng số tiền 1.764 tỉ đồng.

Ngoài ra, bà Thảo còn được ông Vũ thanh toán chênh lệch tài sản với số tiền là 1.318 tỉ đồng (so với bản án phúc thẩm, ông Vũ phải thanh toán thêm cho bà Thảo hơn 127 tỉ đồng).

Sau khi ly hôn, bà Thảo sở hữu khối tài sản trên 3.500 tỉ đồng, bao gồm cả Công ty Trung Nguyên International Pte ở Singapore.

Cũng theo báo này, ông Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông và bà Thảo tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên. Ông Vũ có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo số tiền 127 tỉ đồng còn thiếu. Như vậy, trong tổng tài sản của bà Thảo với ông Vũ giải quyết chia giá trị hơn 7.900 tỉ đồng, ông Vũ được chia tổng số tài sản trị giá hơn 4.687 tỉ đồng.

Bánh mì “cắt cổ” Huynh Hoa “chia đôi con đường”, ra đời thương hiệu mới

Dẫu không “lùm xùm” kiện tụng trước tòa như vụ ly hôn của “Vua bánh mì” và “Vua cà phê”, nhưng việc thương hiệu bánh mì Huynh Hoa vốn nổi tiếng với mức giá cao ngất ngưởng mà vẫn nườm nượp khách mua nay bỗng dưng tuyên bố “chia tay” và ra đời thêm một thương hiệu mới là “Bánh mì Bà Huynh” cũng khiến dân tình không khỏi xôn xao bàn tán.

Được biết, vào khoảng năm 1989, 2 người phụ nữ Huynh – Hoa đã cùng nhau mở một tiệm bánh mì ở Ngã Sáu Phù Đổng (Quận 1). Dần dà, không chỉ người dân Sài thành mà cả du khách trong và ngoài nước biết đến thương hiệu bánh mì Huynh Hoa (sau đó đọc chệch thành Huỳnh Hoa).

Bánh mì ở đây không chỉ nổi tiếng bởi phần nhân đầy đặn, phong phú mà còn bởi mức giá cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung. Dù có giá “cắt cổ” nhưng suốt 30 năm qua, bánh mì Huỳnh Hoa vẫn luôn đông khách. Việc xếp hàng chỉ để mua một ổ bánh mì ở đây đã trở thành một hình ảnh quen thuộc.

Vào ngày 15/12, một thương hiệu mới mang tên “bánh mì Bà Huynh” bất ngờ xuất hiện. Theo fanpage cùng những tấm biển được đặt tại tiệm bánh mì này thì bà Huynh – 1 trong 2 người tạo nên bánh mì Huỳnh Hoa huyền thoại đã tách ra riêng.

Theo đó, trên fanpage chia sẻ rằng: “Bánh mì Ô môi (tên gọi khác của bánh mì Huỳnh Hoa) đã không còn hương vị như trước. Bởi vì hai người đã chia tay. Bà Hoa đã lấy tất cả cửa hàng và thương hiệu Huỳnh Hoa. Còn Huynh sẽ làm lại thương hiệu bánh mì Ô môi bà Huynh”.

Bánh mì Bà Huynh vừa khai trương vào ngày 15/12 vừa qua

Theo chia sẻ của một người được cho là đang giữ công thức của bánh mì Huỳnh Hoa, được biết: Lý do xảy ra sự việc này là vì bà Hoa đã “cặp” với một người đàn ông khác, bây giờ người đó cũng chính là Founder (chủ mới) của Huỳnh Hoa. Đẩy bà Huynh về Gò Vấp và thoả thuận giao lại cho bà Huynh số tiền hơn 1 tỷ đồng. Hiện tại, bà Hoa đang kinh doanh với người đàn ông đó”.

Sau những thông tin này, cộng đồng càng dành nhiều hơn sự quan tâm hơn tới cả bánh mì Bà Huynh lẫn bánh mì Huỳnh Hoa. Ở cả 2 tiệm, khách đến mua, shipper đến xếp hàng chờ đông nghịt. Đến thời điểm hiện tại, trong khi bánh mì Bà Huynh đã tạm đóng cửa để nâng cao công tác phòng chống dịch thì bánh mì Huỳnh Hoa vẫn tiếp tục đón rất nhiều lượt khách.

Tổng hợp