Khỏi COVID-19, người phụ nữ cứ nghe thấy tiếng máy giặt, chuông điện thoại là hoảng hốt, đau đầu
Không chỉ gặp những vấn đề liên quan đến bệnh lý tiêu hóa, hô hấp, nhiều F0 sau khi khỏi bệnh còn bị ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe tâm thần nặng nề.
Ám ảnh sau khi mắc COVID-19 cần mất thời gian để điều trị
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thế Tiến – Phòng khám hậu COVID-19 (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội) cho biết, kể từ khi phòng khám được mở ra, mỗi ngày các bác sĩ đều tiếp nhận khoảng 70-100 bệnh nhân, gồm 2 nhóm chính:
Nhóm thứ nhất là những bệnh nhân có tổn thương phổi, đa số là những trường hợp khi mắc COVID-19 phải nằm viện điều trị lâu, có bệnh lý nền…
Nhóm thứ hai là những người không bị tổn thương phổi, đa phần có các bất thường về tâm lý như mất ngủ, lo âu, ăn không ngon miệng…
Điển hình như trường hợp của bà H.T.V (nữ, 62 tuổi, ở Hà Nội), đến khám vì mất ngủ, lo âu và luôn sợ những tiếng kêu từ các thiết bị trong nhà, từ chuông báo điện thoại đến tiếng máy giặt…
Bà V đã khỏi COVID-19 được 7 tháng. Khi còn là F0, bà nằm viện điều trị 1,5 tháng, có giai đoạn phải thở máy. Sau khi ra viện, sức khỏe của bà tiến triển tốt, mọi sinh hoạt diễn ra bình thường.
Thời gian gần đây, bà hay mất ngủ, thậm chí là ám ảnh tiếng kêu “tít tít” của chuông báo điện thoại, máy giặt hay các thiết bị khác. “Mỗi khi nghe những âm thanh đó là tôi lại nghĩ tới tiếng máy thở rồi cảm thấy đau đầu, hoảng loạn, choáng váng… Tôi lo quá nên đi khám”, bà V chia sẻ.
Chị T.T.Q (42 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) cũng đến viện khám vì mất ngủ triền miên. Chị đã uống đủ loại thuốc, kể cả thuốc trầm cảm nhưng không đỡ. Trước đó, chị Q từng là F0 và chăm bố chồng cũng là F0 nên có thời gian dài (48 ngày) ở phòng điều trị COVID-19 của BV Đức Giang.
“Từ ngày được xuất viện về nhà, tôi bị ảnh hưởng về thần kinh, mất ngủ triền miên. Một thời gian không ngủ được phải uống cả thuốc về thần kinh, trầm cảm, nếu ngày nào không uống là thức trắng luôn… nên lâu dần người rất mệt mỏi”, chị Q chia sẻ.
Ngoài những vấn đề trên, người phụ nữ này còn bị đau xương khớp, trào ngược dạ dày, ho dai dẳng đến giờ vẫn chưa khỏi. “Tôi có cảm giác mình bị sang chấn tâm lý, có vấn đề gì tác động là đầu óc bừng bừng lên, biểu hiện đó rất nặng, rất khó chịu”, chị Q nhấn mạnh.
Với những biểu hiện như vậy, chị Q tìm tới bệnh viện để được bác sĩ hướng dẫn điều trị, mong hồi phục sức khỏe như trước.
Theo bác sĩ Đinh Thế Tiến, trường hợp của chị Q khá đặc biệt, ngoài là một F0, chị còn chăm sóc bệnh nhân dài ngày tại khu điều trị tích cực. Chính điều này đã tạo stress lớn với chị Q.
“Bệnh nhân phải chứng kiến người thân cũng như nhiều người khác trong khu điều trị tích cực tử vong; tiếng máy thở tít tít kéo dài… phải nói là quá khủng khiếp, gây sang chấn tâm lý mạnh. Thực tế ngay cả với nhân viên y tế cũng stress, chứ không nói là bệnh nhân”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Với bệnh nhân này, các bác sĩ dự kiến sẽ cho điều trị bằng một số loại thuốc để giúp chị giảm tình trạng stress cũng như sang chấn tâm lý kèm theo áp dụng các liệu pháp về tâm lý giúp bệnh nhân sớm trở lại cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ cần nhiều thời gian chứ không thể có kết quả trong “một sớm, một chiều”.
Hãy thư giãn và quản lý giấc ngủ thật tốt
Theo bác sĩ Tiến, mệt mỏi do mắc COVID-19 và các triệu chứng kéo dài có thể gây căng thẳng, và từ đó ảnh hưởng đến tâm trạng của người bệnh. Vì thế, việc nhiều “cựu F0” trải qua cảm giác căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm khá dễ hiểu.
Thậm chí, người bệnh có thể nhận thấy những suy nghĩ hoặc cảm xúc tiêu cực liên quan đến sự sống sót của bản thân, đặc biệt là khi cơ thể không khỏe, từ đó tâm trạng của họ dễ bị ảnh hưởng hơn khi không thể quay lại các hoạt động thường ngày hoặc làm việc theo cách mình muốn.
Để tránh những ảnh hưởng tâm lý sau khi mắc COVID-19, bác sĩ Đinh Thế Tiến cho rằng việc học cách thư giãn rất quan trong. Việc này giúp tiết kiệm năng lượng vốn đã ít ỏi mà người bệnh có trong quá trình phục hồi sau khi bị bệnh, đồng thời hỗ trợ kiểm soát tình trạng lo lắng và cải thiện tâm trạng.
Những người bị căng thẳng, lo âu thường dễ mất ngủ và chính việc không có giấc ngủ ngon càng khiến cơ thể mệt mỏi hơn. Do vậy, cần có giải pháp đối phó hiệu quả với tình trạng mất ngủ sau COVID-19. Nên tập thói quen đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tránh những giấc ngủ ngắn trong ngày, hạn chế chất kích thích, giữ môi trường ngủ yên tĩnh, hạn chế ăn quá nhiều trước khi đi ngủ và tránh kiểm tra điện thoại, đồng hồ để xem giờ vào ban đêm…