Khởi tố dì ghẻ tội Giết người: "Tội ác nảy sinh từ sân và si"

Ngày 5/1, liên quan vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành tử vong, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam với Nguyễn Kim Trung Thái (36 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM, cha bé gái) về hành vi Hành hạ người khác và Che giấu tội phạm; khởi tố bổ sung Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, ngụ Gia Lai, người tình của Thái) tội Giết người.

Vụ án này đang gây chấn động dư luận bởi sự tàn bạo, nhẫn tâm của các bị cáo. Đây cũng là hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành trẻ em đang diễn ra ngày càng nhiều.

Tiến sĩ, Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an đã đưa ra một số góc nhìn để giải mã về động cơ gây án, hậu quả cũng như biện pháp ngăn chặn đối với hành vi bạo hành trẻ en.

Tội ác nảy sinh từ “sân” và “si”

Theo Trung tá Hiếu, một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi tàn ác trong các vụ việc bạo hành trẻ em vừa qua là hậu quả từ sự khởi phát “sân” và “si” trong người phạm tội.

“Si” là việc người phạm tội không biết trẻ em thuộc đối tượng được bảo vệ đặc biệt của xã hội và pháp luật, người lớn có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ cho sự phát triển bình thường, lành mạnh của các con.

Họ cũng không biết rằng việc tác động cơ học vào cơ thể còn non nớt, khả năng chịu đựng hạn chế sẽ rất dễ để lại những tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tâm lý, trong đó nguy cơ tử vong là rất cao.

Cùng với đó, họ không biết đến “tứ giác quản lý cảm xúc”, gồm kiểm soát “tâm, thân, khẩu, ý” để kiềm chế không bùng nên cơn giận dữ và có hành động nguy hiểm mỗi khi trẻ mắc lỗi hay gặp điều trái ý.

“Sân” là việc làm mọi thứ để giải toả bức xúc tâm lý mà không nghĩ đến hậu quả. Khi án mạng đã xảy ra, cơn “sân hận” lắng xuống, đối diện với hậu quả chết người, tù tội, nhiều người mới thấy sợ hay ăn năn, nhưng đã muộn.

Nếu biết cách chế ngự cơn giận, điển hình như cố giữ không nói câu gì hoặc chuyển trạng thái cơ thể sang môi trường hoạt động khác như đi tắm, vận động cơ thể; hoặc “cắt cảm xúc” bằng việc thay đổi không gian giao tiếp… sẽ có thể ghìm cơn giận dữ xuống.

Sự vô cảm tiếp tay cho tội ác

Vẫn theo Trung tá Hiếu, trong nhiều vụ án, việc bạo hành với trẻ diễn ra trong suốt thời gian dài. Chính sự vô cảm trước các biểu hiện bị bạo hành của những người xung quanh đã tiếp tay cho tội ác. Trong sâu thẳm, nhiều người vẫn mang quan niệm việc dạy con là “chuyện nhà người ta”, xen vào là “mất lịch sự”, cũng có thể là do suy nghĩ có “rỗi hơi” mới lo chuyện “bao đồng”.

Ở đô thị, lối sống “đèn nhà ai, nhà ấy rạng”, hàng xóm không biết nhau, không giao lưu trò chuyện, không quan tâm đến những chuyện không liên quan đến mình, không mang lại lợi ích cho mình… là rất phổ biến, nên nhiều người không thể biết chuyện gì đang xảy ra bên nhà hàng xóm.

Cũng có thể người ta nghe thấy tiếng quát mắng, tiếng trẻ khóc vì bị đòn roi…nhưng thực sự không để tâm. Điều này khiến cho các hành vi bạo hành gia đình với phụ nữ, trẻ em không được kịp thời phát hiện, ngăn chặn.

Trung tá Đào Trung Hiếu

Hiện nay, nhiều gia đình vẫn duy trì nếp suy nghĩ kỷ luật bằng bạo lực với trẻ em là điều cần thiết. Nhiều người viện dẫn câu xưa “thương cho roi, cho vọt” để giải thích cho thói quen dùng vũ lực, đòn roi mỗi khi trẻ nghịch ngợm, trái ý hay kết quả học tập không như mình mong muốn. Tuy nhiên, ranh giới giữa dạy bảo và trút giận rất mong manh.

Hai bị can Nguyễn Kim Trung Thái và Nguyễn Võ Quỳnh Trang trong vụ bạo hành bé gái 8 tuổi đang gây rúng động dư luận

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những gì có tính chất tàn tích cổ hủ, đi ngược lại với quyền cơ bản của con người, cần phải thay thế, loại bỏ. Trong đó, việc lạm dụng đòn roi để giáo dục con người thay vì tình thương yêu của cha mẹ, là vi phạm đạo đức và pháp luật về quyền trẻ em.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bạo hành

Trung tá Hiếu cho hay có những dấu hiệu “lâm sàng” để sớm nhận biết một đứa trẻ bị bạo hành, qua đó giúp ngăn chặn kịp thời trước khi tội ác xảy ra.

Về biểu hiện về thể chất, đó là trên cơ thể trẻ có những vết bầm tím, vết cắt, vết bỏng do thuốc lá hoặc các vết thương khác mà trẻ không thể giải thích được, hoặc sự lý giải của trẻ không logic với cơ chế hình thành dấu vết, thương tích đó.

Trong đó, rất đáng lưu ý nếu trên người trẻ có các dấu vết thương tích cũ và mới chồng chéo nhau, các thương tích hay vết hằn như ở tay, thắt lưng. Ngoài ra, trẻ có thể tỏ ra đau đớn, khó khăn trong đi lại, sinh hoạt, né tránh mọi sự đụng chạm, có thể mặc quần áo không phù hợp với thời tiết, ví dụ mùa hè mặc áo dài tay để che vết thương.

Về biểu hiện tâm lý, trẻ có thái độ sợ hãi cha mẹ, không muốn hoặc bật khóc khi phải trở về nhà, luôn cảnh giác cao độ, có vẻ chán nản, sợ hãi, luôn thu mình, không kết bạn, tự cô lập mình ra khỏi các hoạt động chung. Có trẻ quay sang ngược đãi động vật hoặc vật nuôi.

Tại các khu dân cư, nơi xảy ra bạo hành trẻ em, thường có tiếng la mắng, quát tháo của người lớn, tiếng khóc, thét, kêu la của trẻ, tiếng động chạm, đổ vỡ.

​Từ những dấu hiệu này, người thân không ở cùng nhà, hàng xóm, thầy cô giáo có thể nhận biết những vấn đề bất thường đang xảy ra đối với trẻ. Khi đó, với trách nhiệm pháp luật quy định và lương tâm con người, cần gợi cho trẻ kể về câu chuyện của mình để can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ các cháu nhỏ…