Luật sư: Có thể khởi tố nhiều tội danh trong vụ shop quần áo đánh đập, cắt dây áo ngực của cô gái ăn trộm váy 160k
Tối 3/12, một đoạn clip ghi lại nội dung cô gái khóc lóc tại 1 shop quần áo ở Thanh Hoá được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội. Theo nội dung được đăng tải, khi phát hiện cô gái trộm chiếc váy trị giá 160k, 2 người phụ nữ và một người đàn ông đã chửi bới, xúc phạm, cắt tóc, cắt áo lót, định lột áo cô gái này. Phía cô gái trẻ thì liên tục gào khóc, xin lỗi nhưng không được tha thứ.
Chưa dừng lại, một số hình ảnh chụp màn hình với nội dung đòi cô gái trẻ phải bồi thường số tiền 15 triệu đồng hoặc 30 triệu đồng trong thời hạn 2 ngày tới cũng được lan truyền, khiến nhiều người bức xúc.
Dưới góc độ pháp lý TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, với diễn biến qua clip thì cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc và có thể sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015.
“Đây là hành vi làm nhục người khác khiến dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ. Không thể lấy một cái sai để giải quyết với một cái sai. Pháp luật không cho phép sử dụng hành vi vi phạm pháp luật để giải quyết đối với một hành vi vi phạm pháp luật”, vị luật sư nhấn mạnh.
Luật sư Cường cho biết, pháp luật bảo vệ tài sản của công dân nhưng cũng bảo vệ danh dự nhân phẩm của con người. Bởi vậy, nếu hành vi của cô gái là trộm cắp tài sản thì với số tiền dưới 2 triệu đồng, cô gái này sẽ bị xử phạt hành chính chứ chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Pháp luật nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người vi phạm hành chính.
Người nào phát hiện ra người khác trộm cắp tài sản của mình thì chỉ được phép bắt giữ, trình báo sự việc cho cơ quan chức năng để xử lý, không được phép tự xử như vậy.
Hành vi đánh đập, hành hạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác với bất cứ lý do gì thì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Qua clip cho thấy, cô gái trẻ đã rất hoảng loạn, sợ hãi, quỳ lạy, khóc lóc van xin nhưng những người trong quán này vẫn không tha thứ. Khi chứng kiến sự việc, nhiều người bất bình, có lẽ cô gái và người thân xem được clip cũng sẽ rất sốc, ảnh hưởng nặng đến tâm lý và sức khỏe. Bởi vậy, cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để xử lý đối với những người đã đánh đập, hành hạ cô gái này theo quy định của pháp luật”, luật sư Cường nêu quan điểm.
TS. luật sư Đặng Văn Cường phân tích thêm, qua đoạn tin nhắn cho thấy có người đã đe dọa cô gái này để yêu cầu đưa 15 triệu hoặc 30 triệu đồng. Hành vi này cũng là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự.
Bởi vậy, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để chiếm đoạt tài sản. Nếu có căn cứ cho thấy có người đã lợi dụng sai lầm của cô gái trẻ để ép buộc cô gái này phải đưa tiền (nếu không sẽ tiếp tục làm nhục cô gái) thì sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản.
“Tuổi trẻ ai cũng có sai lầm, bởi vậy rất cần sự cảm thông, khoan dung để người mắc sai lầm có cơ hội sửa sai. Nếu lợi dụng sai lầm của người khác để xúc phạm danh dự nhân phẩm, hành hạ đánh đập họ thì đó là tội ác, hành động thiếu nhân văn và không mang tính giáo dục và còn vi phạm pháp luật”, luật sư Cường khuyến cáo.