Mỹ chứng kiến số ca nhiễm biến thể Covid Omicron tăng thẳng đứng, vượt kỷ lục của Delta
Ngày 21/12, biến thể Omicron chính thức vượt qua Delta, trở thành biến thể chiếm ưu thế tại Mỹ với 77% ca nhiễm hiện tại cùng tốc độ lây lan nhanh hơn bất kỳ biến thể nào từng tồn tại trước kia.
Mới đây, câu chuyện của Omicron với nước Mỹ đang thêm phần tăm tối, sau khi biến thể này đẩy số ca nhiễm trong ngày tăng cao hơn cả đỉnh dịch Delta trước kia. Các đánh giá cho thấy Mỹ đang bước vào đợt bùng dịch mùa đông cực kỳ khốc liệt.
Bất chấp việc có các dấu hiệu khá lạc quan từ Nam Phi và Anh Quốc, rằng những ca nhiễm biến thể Omicron thường cho triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đó, giới chức cảnh báo rằng Omicron sẽ sớm khiến hệ thống y tế phải trả giá, và đẩy các ca nhiễm nặng vào cộng đồng.
Đỉnh dịch thẳng đứng
Khả năng lây nhiễm quá nhanh của Omicron đã khiến số ca nhiễm gia tăng tiệm cận theo chiều thẳng đứng tại nhiều thành phố của Mỹ. Cứ mỗi 2 – 3 ngày, số ca lại tăng gấp 2 lần, được dự báo sẽ sớm phá kỷ lục 251.232 ca/ngày được thiết lập hồi tháng 1/2021. Thậm chí, một số tính toán còn cho rằng Mỹ sẽ sớm chạm đến 1 triệu ca/ngày ngay cả khi chưa bước sang năm mới.
Ca nhiễm Omicron đã vượt qua đỉnh dịch của Delta vào giữa năm 2021
Khả năng lây nhiễm của Omicron đã được thực tế chứng minh, nhưng giới khoa học vẫn đang tăng tốc trong cuộc đua tìm hiểu mối đe dọa mà biến thể này đem lại. Các nghiên cứu sơ bộ tại Scotland và Anh chỉ ra rằng Omicron cho triệu chứng nhẹ hơn, nhưng giới khoa học tỏ ra cảnh giác và yêu cầu phải theo dõi sát sao tình hình tại Mỹ trước khi có kết luận chính thức.
Ngay cả khi các kết quả này là đúng, việc số ca nhiễm quá lớn vẫn sẽ làm gia tăng số ca nhập viện. Thực tế là nhiều cơ sở y tế hiện đã kín chỗ.
“Khi có hàng triệu người nhiễm bệnh cùng lúc, sẽ chẳng cần một tỉ lệ quá lớn người mắc bệnh nặng để khiến bệnh viện trở nên quá tải,” – Bác sĩ Hallie Prescott từ ĐH Michigan nhận định.
Hệ thống y tế đang quá tải
Các bệnh viện tại Mỹ đang chịu áp lực rất cao, khi họ phải đối mặt với cả bệnh nhân nhiễm Delta và những người mắc bệnh khác nhưng không được điều trị kịp thời và giờ cần phải chăm sóc đặc biệt. Cứ 10 bệnh viện tại Mỹ lại có 1 đang kín tới 90% chỗ trong khoa chăm sóc tích cực (ICU) vào những tuần gần đây.
Hệ thống y tế tại Mỹ đang chịu rất nhiều áp lực, từ Delta, từ các bệnh nhân bị trì hoãn chữa trị vì đại dịch, và từ Omicron
“Chúng tôi có nhiều bệnh nhân đang chờ ICU, nên thậm chí phải làm điều đó trong khoa cấp cứu,” – Tiến sĩ Dani Hackner từ Massachusetts cho biết. “Tôi thực sự nghĩ rằng tháng tới sẽ rất khó khăn.”
Các bệnh viện chia sẻ rằng bác sĩ và y tá của họ đang kiệt quệ dần, trong khi vấn đề thiếu nhân lực đang làm mọi chuyện trở nên trầm trọng hơn.
Chưa phủ đủ vaccine
Các chuyên gia y tế đang lo ngại về việc có hàng triệu người vẫn chưa tiêm chủng, hoặc chưa được tiêm mũi 3 trong khi Omicron khiến họ gặp nhiều rủi ro hơn. Biến thể mới được cho là có khả năng né tránh miễn dịch từ vaccine lẫn F0 khỏi bệnh, nhưng các bằng chứng mới cho thấy mũi bổ sung có thể cải thiện chuyện này.
Toàn nước Mỹ, mới có gần 62% người dân tiêm chủng hoàn toàn, và chỉ 19% nhận được mũi thứ 3. Độ phủ vaccine có sự khác biệt lớn ở từng bang, đặc biệt thấp ở các bang phía nam. Chiến dịch tiêm chủng của Mỹ cũng đang tụt lại phía sau so với nhiều nước khác, một phần là vì xu hướng do dự tiêm chủng (vaccine hesitancy).
Nguồn: NY Times