Nếu cấm xe máy từ năm 2025, Hà Nội cho dân đi bằng phương tiện gì?

UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 4 ngày 4/7/2017 của HĐND thành phố về việc thông qua Đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030.

Theo đó, từ sau năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ đường vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, Quốc lộ 5 trở vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, sau năm 2030, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận trong phạm vi từ vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng và vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.

Giữa mong muốn với hiện thực phải có sự tương thích nhất định

TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, đây là một quyết tâm rất lớn của UBND và HĐND Thành phố Hà Nội nếu như HĐND TP thông qua. “Đây là một ý tưởng thể hiện quyết tâm của Hà Nội bằng mọi giá giải quyết vấn nạn giao thông và ô nhiễm môi trường của thành phố. Tuy nhiên, để triển khai thành công một vấn đề thì giữa mong muốn với hiện thực phải có một sự tương thích nhất định thì mới giải quyết được. Tức là mong đợi đến năm 2025 có thể hạn chế hay cấm xe máy chạy vào thành phố từ vành đai 3 trở vào nhưng chúng ta đặt lại câu hỏi, đến năm 2025, thành phố có phương tiện gì cho nhân dân đi”.

TS Khương Kim Tạo, nguyên phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia

TS Khương Kim Tạo nhấn mạnh, việc đi lại của con người là việc bắt buộc, là tất yếu, gắn liền với việc sinh tồn và phát triển của mỗi con người, chúng ta không thể nào hạn chế được, nó như mạch máu trong cơ thể. Với góc độ nhìn nhận như vậy, chúng ta nên đặt vấn đề thay vì đưa ra lộ trình đến năm nào để có thể cấm ô tô xe máy, thì hãy đặt điều kiện khi nào chúng ta có phương tiện giao thông công cộng thay thế được phương tiện cá nhân thì mới cấm.

“Nếu chúng ta triển khai vấn đề giao thông công cộng ngay một lúc thì cũng không thể nào giải quyết vấn đề đi lại được. Có thể nhân dân không đi, khi đó nếu tung ra lượng lớn ô tô buýt có thể gây tắc nghẽn thêm. Tôi cho rằng nên có nghiên cứu, khảo sát. Ý chí là vậy, nhưng chúng ta sẽ thực hiện như thế nào?”- ông Khương Kim Tạo đặt vấn đề.

Không phải tập trung vào cấm mà tập trung phát triển giao thông công cộng

Theo TS Khương Kim Tạo, muốn chữa bệnh thì phải thăm khám, xem căn nguyên căn bệnh đó là gì, trên cơ sở đó đề xuất ra giải pháp, bốc thuốc cho căn bệnh chứ không phải muốn căn bệnh rút lui, bốc thuốc theo kiểu cảm sốt thì lại bốc thuốc tiêu hóa, có khi lại phản tác dụng. Vì thế, không phải tập trung vào vấn đề cấm, mà tập trung vào phát triển giao thông công cộng, không chỉ vạch sơn yêu cầu xe buýt chạy giờ này giờ này, chỗ này chỗ kia không được, thậm chí phải mở đường cho xe buýt.

Không phải tập trung vào cấm, mà tập trung phát triển giao thông công cộng

“Mở đường cho xe buýt chạy sẽ dễ hơn nhiều việc chúng ta triển khai mở đường sắt trên cao. Đường sắt trên cao chúng ta vẫn phải làm ở các trục chính, nhưng giao thông cho xe buýt, các cỡ xe buýt vẫn phải là vấn đề cốt lõi. Bởi xe buýt ngoài việc chuyên chở còn là phương tiện giải tỏa hành khách từ các bến tàu điện, bến xe về các khu dân cư và ngược lại. Chúng ta nên có nghiên cứu để quy hoạch lại. Việc quy hoạch này không nên dùng tư tưởng, giải pháp suy diễn ngồi giơ tay với nhau, mà phải có sự can thiệp của cuộc cách mạng 4.0 để có thể có những dữ liệu đầy đủ, chính xác hơn để mô phỏng được toàn bộ quá trình hoạt động giao thông”- ông Tạo nói.

Thay vì triển khai diện rộng, hãy làm thí điểm thu nhỏ

Theo số liệu thống kê, trong 5 năm vừa qua, phương tiện công cộng đã được nâng từ 11% lên 17%, tăng khoảng 6%, mỗi năm tăng được hơn 1%. Thế nhưng, theo TS Khương Kim Tạo, không thể nào tuyến tính hóa quá trình này được vì nếu tận dụng hệ thống hạ tầng hiện có thì những năm đầu, chúng ta có thể dành ưu thế hơn cho các phương tiện công cộng len lỏi phát triển. Tuy nhiên, nếu chúng ta không có giải pháp cho việc mở rộng hạ tầng công cộng thì khi đó khả năng khai thác các tuyến đường hiện có để chuyển đổi thành giao thông công cộng sẽ khó khăn hơn nhiều. Như vậy, chúng ta đạt được mục tiêu khoảng 60% người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng sẽ rất khó đạt.

Theo TS Khương Kim Tạo, thay vì triển khai diện rộng hãy làm thí điểm thu nhỏ, từ Cửa Nam đến trung tâm Bờ Hồ chẳng hạn. Khi đó chúng ta phải phát triển phương tiện công cộng dày đặc trong vòng tròn đó, từ Cửa Nam vào đến trung tâm phải mấy nghìn xe chạy quanh Bờ Hồ để người dân dễ dàng đi từ chỗ này đến chỗ khác. Nếu chỉ có vài tuyến như hiện nay rất khó đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Đùng một cái chúng ta cấm ngay cả không gian từ vành đai 3 hất vào trong trung tâm thì làm sao làm giải quyết được vấn đề giao thông của nhân dân. Rõ ràng, nếu triển khai theo kiểu cưỡng chế có thể dẫn tới vỡ trận, không đạt được được mục tiêu đề ra. Người dân không đáp ứng được vấn đề đi lại, ảnh hưởng tới đời sống, cơm áo gạo tiền của họ sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Chúng ta làm thí điểm ổn rồi mới làm rộng ra, vẫn xử lý được mục tiêu đề ra và đồng thuận với số đông người dân”- TS Khương Kim Tạo nêu ý kiến./.

DIỄN BIẾN DỊCH NGÀY 9/12: Dấu hiệu quá tải điều trị COVID-19 ở TPHCM