Người đàn ông đi đổ xăng, nhất quyết đứng đợi thối 500 đồng, khẳng định bản thân không ki bo
Chia sẻ của người đàn ông đi đổ xăng, đứng đợi 500 đồng tiền thối từ nhân viên đã thành đề tài thu hút đông đảo cư dân mạng quan tâm, bàn tán xôn xao.
Với nhiều người, mỗi khi mua hàng nếu còn thừa lại 500 đồng sẽ vui vẻ bỏ qua không nhận tiền thối hoặc chấp nhận lấy kẹo, gói đường để thay thế. Tuy nhiên, mới đây trên VNE có đăng tải chia sẻ của người đàn ông về vấn đề tiền thừa 500 đồng khi đi đổ xăng và nhận về hàng loạt ý kiến tranh cãi trái chiều.
Cụ thể, người này cho biết cuối tuần vừa rồi có đổ xăng đầy bình. Tổng số tiền mà anh phải trả là 74.400 đồng. Anh đưa nhân viên 75.000 đồng và không thấy nhân viên thối lại tiền thừa.
“Cây xăng giờ tan tầm đông đúc, khách ra vào nườm nượp, anh nhân viên nhanh nhảu lấy tiền của tôi rồi bơm cho khách khác mà quên bẵng trách nhiệm thối tiền. Nghĩ bụng anh ta bận nên tôi nép xe sang một bên chờ tiền thối. Sau hai ba lượt khách ra vào, anh ấy mới “nhìn” thấy tôi và bảo: “Sao chưa đi?”
Tôi bảo với anh ấy rằng chờ tiền thối. Anh ấy gãi đầu, gằn giọng, lấy tay đếm xấp tiền lẻ rồi trả hẳn cho tôi 1.000 đồng, nhấn mạnh “một nghìn đồng”. Những vị khách mới vào không hiểu rõ câu chuyện, cứ nghĩ là tôi ky bo, tính toán 1.000 đồng. Nhiều người ái ngại nhìn tôi”, người này kể lại.
Sau khi chia sẻ câu chuyện, người đàn ông đã đưa ra những lý lẽ để chứng minh bản thân không sai khi đứng đợi 500 đồng tiền thối từ nhân viên cây xăng. Người này cho rằng 500 đồng là khoản tiền rất ít ỏi, thậm chí khó mua được gì.
“Nhưng cái tôi cần không phải là thối đủ 500 đồng. Nếu tôi là người tính toán so đo, có lẽ tôi sẽ đòi thối hẳn 600 đồng mới phải lẽ (tờ bạc 100 đồng vẫn có mặt trong hệ thống tiền tệ Việt Nam). Nhưng ít ra, anh đổ xăng cần nói với tôi một tiếng rằng “không có tiền lẻ thối, cho nợ nhé” – tôi sẽ sẵn sàng vui vẻ và chấp nhận. Còn đằng này, anh ta cứ im ỉm tiền thừa của khách, dù 500, 400 hay 300 đồng thì đó vẫn là tiền và vẫn cần một câu thông báo với khách.
Một số cây xăng khác tôi hay đổ vẫn gặp tình trạng tương tự. Tuy nhiên, một số khác nhân viên tinh ý sẽ dừng bơm xăng khi màn hình thông báo số tiền chẵn.
Điều mà tôi muốn nói ở đây là thái độ với tiền lẻ. Bây giờ, cầm 2.000 đồng đi mua đá lẻ tôi còn ngại, huống gì là những 500, 1.000 đồng. Tuy nhiên, đó vẫn là tiền”, người đàn ông này chia sẻ.
Anh cũng dẫn ra những trường hợp đã thối cho khách bằng kẹo, gói đường… khi số tiền thừa là 500 đồng hay 1000 đồng. “Mấy hôm trước, tôi còn thấy một số tài xế phàn nàn việc các trạm thu phí cao tốc thối 1.000 cho khách bằng viên kẹo. Có người hỏi rằng nếu gom đủ 99 cục kẹo đến trả tiền, thì có được xem là 99 nghìn đồng không?.
Tôi chẳng hiểu bao giờ mức tiền 500, 1.000 đồng lại bị xem nhẹ thinh, và mặc định người nhận tiền không cần phải thối lại như vậy. Và người đòi đúng số tiền của mình bị gắn cái nhãn ky bo, keo kiệt”, người đàn ông bảo vệ quan điểm của mình.
Chia sẻ của anh đã nhanh chóng nhận về nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Xoay quanh câu chuyện đứng đợi 500 đồng tiền thối, có người chê trách anh chàng này ky bo và chỉ đang ngụy biện cho bản thân. Đây là số tiền rất nhỏ, thậm chí chẳng đáng để bận tâm, suy nghĩ nhiều và có thể gây cản trở đến nhiều người xung quanh đang đợi đổ xăng.
“Bây giờ thời gian là quý nhất vì có thể hái ra tiền. Người ta đôi khi vì muốn tiết kiệm chút thời gian mà sẵn sàng bỏ đi nhiều tiền hơn ấy. Có 500 đồng thôi, sao bác phải đắn đo quá vậy”
“Ky bo thật mà. Nếu cây xăng vắng khách thì không sao, đang đông mà bạn đứng chờ vậy là làm ách tắc bao nhiêu người rồi. Việc gì cũng nên linh động một chút chứ”
“Ky bo thì không dám khẳng định. Nhưng khó tính thì chắc chắn rồi đấy!”…
Đó là vài ý kiến không đồng tình trước suy nghĩ, hành động của “chủ thớt”. Ngày nay, mệnh giá 500 đồng tuy vẫn còn lưu thông trên thị trường nhưng nhiều người đã thường tự “làm tròn”, xí xóa thay vì đợi thối lại. Giả sử nếu được thối lại thì dễ khiến chật ví vì chỉ toàn tiền lẻ.
Tuy nhiên, cũng có những bình luận bày tỏ thông cảm với chia sẻ của “chủ thớt” vì 500 đồng tuy có mệnh giá không cao nhưng lại quan trọng trong nhiều tình huống.
“Tôi đố các bạn thiếu 100 đồng mà lấy được hàng ra khỏi siêu thị. Nếu bạn có nhiều tiền, bạn phải trả thừa ra, và sẽ được trả lại bằng kẹo cho số lẻ. Nhưng nếu bạn ko đủ tiền, thiếu mất 100 đồng, thì xin lỗi bạn, bạn phải trả lại hàng cho quầy nhé. Vì sao người bán hàng có quyền không trả lại tiền lẻ mà người mua hàng lại không được quyền đòi lại tiền lẻ, đó là tiền của mình mà!”, một cư dân mạng bày tỏ suy nghĩ.
Có người còn cho biết ở Nhật là người mua hàng luôn được nhận tiền thối dù chỉ là vài xu ít ỏi thay vì tình trạng “tự làm tròn” hoặc đổi bằng viên kẹo, gói đường… như ở Việt Nam.
“Đồng ý với tác giả về quan điểm với tiền lẻ. Tôi đã từng sống ở nhật khoảng 2 năm, mua bất cứ gì mà dư tiền đều được trả lại không thiếu 1 xu. Sau 2 năm tôi về, lọ đựng tiền xu nặng khoảng 1.5kg của tôi chủ yếu là đồng 1,2Yen. Tôi đã đem tất cả chỗ đó ra siêu thi và mua được khá nhiều đồ”, một cư dân mạng chia sẻ.
Trong câu chuyện của người đàn ông ở trên, có thể thông cảm là anh không phải đợi 500 đồng vì không muốn “mẻ tiền” hay xót của. Điều anh ấy cần là sự rạch ròi, cách xử lý thấu tình đạt lý của nhân viên cây xăng.
Tuy nhiên, điều này lại vô tình khiến anh trở thành người có hành xử kỳ quặc, bị chê trách. Cuộc sống là muôn hình vạn trạng, đôi khi cần sự linh động mềm dẻo trong cách xử sự thay vì cứng nhắc khuôn mẫu và dễ thành làm khó người khác như người đàn ông trên.