'Nguyễn Phương Hằng được thả về', 'livestream tối nay' là thông tin thất thiệt

Một số tài khoản trên mạng xã hội đưa thông tin bà Nguyễn Phương Hằng chỉ bị xử phạt hành chính, và đã được thả về. Thực chất ra sao?

Tối qua (24.3), bị can Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam tại Bình Dương) đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM khởi tố và bắt tạm giam về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Bị can Nguyễn Phương Hằng đang bị tạm giam, không có chuyện “được thả về”.

Theo đó, Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố theo khoản 2 Điều 331 bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 2 – 7 năm tù (phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội). Đồng thời, bị can Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam 3 tháng, theo lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM,

Tuy nhiên từ khuya qua đến sáng hôm nay (25.3), nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng Nguyễn Phương Hằng đã được thả về và sẽ tiếp tục livestream vào tối nay (25.3).

TikTok @fanphuonghang16 thông tin bà Nguyễn Phương Hằng chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng.

Cụ thể, kênh tiktok@fanphuonghang nêu: “Nóng, bà Nguyễn Phương Hằng đã được thả về và chỉ bị phạt 1,5 triệu đồng. Nếu không có nhầm lẫn, bà Nguyễn Phương Hằng sẽ livestream trong tối nay để nói về vụ việc này…”.

Còn tài khoản Facebook Lucas Bùi viết: “Chị Hằng đã về. Và báo vẫn viết rần rần”.

Tuy nhiên, sáng 25.3, nguồn tin của Thanh Niên khẳng định, hiện tại bị can Nguyễn Phương Hằng đang bị tạm giam tại T30 để phục vụ công tác điều tra.

Thông tin “chị Hằng đã về” trên Facebook Lucas Bùi đã không còn.

Liên quan đến thông tin về Nguyễn Phương Hằng “đã về” trên Facebook Lucas Bùi, sau khi báo Thanh Niên phản ánh việc tài khoản này đưa tin sai sự thật, và khẳng định bà Nguyễn Phương Hằng đang bị tạm giam, thì tính đến 15 giờ ngày 25.3, các thông tin “chị Hằng đã về” trên Facebook này không còn.

Từ những vụ việc nêu trên (đăng tải, đưa và chia sẻ thông tin sai sự thật trên internet – PV), luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) cho hay, việc tạo dựng và chia sẻ tin giả, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật.

Về xử lý hành chính, luật sư Nghiêm cho biết tùy theo mức độ vi phạm của hành vi cụ thể, những cá nhân tạo dựng, chia sẻ tin giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân (tổ chức gấp đôi so với cá nhân vi phạm – PV), căn cứ điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.

Trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người tung tin giả, xuyên tạc bị xử lý về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại Điều 288, bộ luật Hình sự 2015 – sửa đổi bổ sung năm 2017 (khung hình phạt sẽ là phạt tiền từ 30 triệu đồng; hoặc phạt tù đến 7 năm); hoặc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”…