Những đứa trẻ thoi thóp vì đói ăn: Bi kịch đói nghèo đày đọa Afghanistan sau khi Taliban lên nắm quyền
Khi Zubair – bé trai 6 tuần tuổi tới được đưa vào viện nhi dành cho trẻ em suy dinh dưỡng tại Afghanistan, các bác sĩ đã nghĩ rằng cậu bé chỉ còn sống được vài giờ. Và trong lúc họ giành giật Zubair từ tay của tử thần, đôi mắt mẹ cậu trở nên hoảng loạn, giữa hy vọng và sợ hãi.
Cơ sở của Tổ chức Bác sĩ không Biên giới (MSF) tại Herat – thành phố lớn nhất phía tây Afghanistan hiện đang kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, sau khi nguồn viện trợ từ nhiều quốc gia bị cắt đứt kể từ lúc Taliban chiếm lấy Kabul hồi tháng 8. Cơ sở này đã phải tăng số giường bệnh từ 45 lên 75, và tiếp nhận 60 bệnh nhân mới mỗi tuần.
Những đứa trẻ thoi thóp vì đói ăn tại Afghanistan
Mẹ của Zubair – bà Shabaneh Karimi đã phải di chuyển hơn 150km tới đây để cứu con. Ban đầu, bà tới một bệnh viện công, trước khi được chuyển sang cơ sở chữa trị của MSF. Tại đây, Zubair được chẩn đoán rồi lập tức đưa vào phòng chăm sóc tích cực, cùng với cả chục đứa trẻ sơ sinh khác đang trong hoàn cảnh tương tự.
Số phận đã mỉm cười với Zubair. Với cái đầu bé nhỏ lọt thỏm trong chiếc mặt nạ oxy, cậu bé đã sống sót qua đêm hôm đó, và thậm chí đủ sức để khóc trong những ngày kế tiếp.
“Zubair còn sống, nhưng tình hình vẫn phức tạp,” – trích lời Gaia Giletta, y tá trưởng tại MSF. Bởi sau nhiều tuần suy dinh dưỡng trầm trọng, cậu bé đang phải chiến đấu với chứng viêm phổi với một cơ thể đầy rệu rã.
3 triệu người
Chính xác là khoảng 3,2 triệu, theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc. Đó là số trẻ em dưới 5 tuổi đang phải đối mặt với nguy cơ bị suy dinh dưỡng trong mùa đông năm nay. Và nếu không can thiệp kịp thời, sẽ có khoảng 1 triệu trẻ tử vong.
“Những bà mẹ đang tới từ nhiều nơi xa xôi. Một số phải lặn lội vượt qua hơn 200km,” – Giletta chia sẻ.
Ước tính, sẽ có khoảng 1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tại Afghanistan tử vong vì đói ăn trong mùa đông năm nay nếu không được can thiệp
“Các bệnh viện công không có đủ nguồn lực. Bác sĩ và y tá ở đó còn không được trả lương.”
Ở phòng bên cạnh, Halima – một bà mẹ khác đang dõi theo cặp sinh đôi 9 tháng tuổi của mình. Đầu của cả 2 đều bị phù nề – hệ quả của việc thiếu dinh dưỡng trong thời gian dài khiến chất lỏng bị tích tụ và làm tăng nguy cơ tử vong.
“Tôi đã rất lo lắng khi mặt của các con ngày một to hơn. Tôi cố cho con bú, nhưng chẳng đủ sữa vì không được ăn uống.”
Không có sữa, cô phải dùng tiền mua sữa bột – những đồng tiền tiết kiệm hiếm hoi sớm cạn kiệt. Chồng cô – một tay nghiện thuốc – thì chẳng làm gì để đỡ đần. Như để mọi chuyện tệ hơn, cặp sinh đôi mắc bệnh sởi, buộc phải điều trị cách ly.
Những đứa trẻ khi xuất viện sẽ được cấp một chiếc túi gồm bơ lạc và vitamin – bữa ăn tiêu chuẩn cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Nhưng khẩu phần ấy thường sẽ được các bà mẹ chia cho nhiều đứa trẻ khác
Một trường hợp khác là cậu bé Ali Omar – bé trai 5 tháng tuổi. Omar đã khá hơn đôi chút kể từ khi được điều trị, nhưng cậu bé chỉ nặng đúng 3,1kg – mức cân nặng của một đứa trẻ mới sinh. Và giờ khi thời điểm xuất viện của cậu tới gần, người mẹ Sonita lại càng thêm lo lắng.
“Liệu thằng bé có sống nổi qua mùa đông năm nay mà không có sữa, trong một ngôi nhà chẳng có máy sưởi?”
Trước khi các bé rời viện, MSF sẽ đưa cho các bà mẹ một chiếc túi gồm bơ lạc và vitamin – bữa ăn được cho là tiêu chuẩn cho một đứa trẻ trên 6 tháng tuổi. Nhưng “vấn đề là đôi khi các bà mẹ phải chia khẩu phần ấy cho các con khác của mình nữa,” – theo Giletta. Nói cách khác, chẳng đứa trẻ nào có đủ dinh dưỡng.
Bi kịch của một đất nước
Sau 40 năm chiến tranh, suy dinh dưỡng trở thành vấn đề cố hữu ở Afghanistan, và ngày càng trầm trọng hơn trong những năm gần đây vì hạn hán – theo Christophe Garnier, điều phối dự án của MSF nhận xét.
Tháng 8/2021, khi Taliban trỗi dậy nắm quyền, các lệnh trừng phạt chống lại tổ chức này đã khiến đất nước mất đi khoản tiền viện trợ khổng lồ. Trước kia, sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế chiếm tới 75% ngân quỹ của quốc gia này. Nhưng sau tháng 8, Mỹ đã lập tức đóng băng khoản tiền 10 tỉ USD trong ngân hàng của Afghanistan.
Nạn đói tại Afghanistan đến từ rất nhiều nguyên nhân
Không có tiền, sự hỗn loạn gia tăng. Tỉ lệ thất nghiệp nhanh chóng vọt lên, kéo theo giá thực phẩm và dịch vụ. Nỗi đau ngày càng lộ rõ, đặc biệt là trong các khu trại dành cho người di cư hoặc tái định cư.
Có 3 khu trại như thế gần Herat, với hơn 9000 hộ gia đình phải trốn chạy khỏi chiến tranh và thảm họa thiên nhiên.
“Khi đói, chẳng ai nghĩ được điều gì khác,” – Muhammad Amin, một người cao tuổi chia sẻ. Mỗi ngày, bữa ăn của khu trại chỉ gói gọn trong bánh mỳ và trà. Bản thân Amin vì không có việc làm mà đang cân nhắc chuyện bán đi một quả thận của mình.
“Tất nhiên tôi có nghĩ đến hậu quả, nhưng ít ra số tiền thu được sẽ giúp các con sống sót,” – ông than thở.
Những bà mẹ được mời tới MSF đều có hoàn cảnh cực kỳ khốn khó
Cũng theo Amin, một người hàng xóm của ông kịch liệt phản đối ý tưởng này, sau khi chứng kiến thân nhân của mình trở nên tàn tật vì bán một quả thận chỉ để thu về 150.000 Afghanis (khoảng 35,6 triệu đồng tiền Việt).
Trong các khu trại, MSF hiện đang làm việc cùng những bà mẹ trong tình cảnh thiếu thốn nhất. Một bé trai 6 tháng tuổi được đo xét nghiệm khả năng suy dinh dưỡng. Mọi chỉ số trả về đều màu đỏ – nghĩa là rất đáng báo động.
“Tôi chỉ có sữa trong 40 ngày sau sinh thôi,” – người mẹ của bé phân trần.
Cô sau đó được mời đến cơ sở chữa bệnh của MSF, nơi cô và con có thể tiếp nhận một món quà hiện quá xa xỉ với phần đông dân số của Afghanistan: 3 bữa ăn mỗi ngày.
Nguồn: AFP