PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ những khó khăn trong quản lý, chăm sóc F0 điều trị tại nhà

Xem trọn bộ cẩm nang F0 điều trị tại nhà tại đây

Trong livestream “Hướng dẫn F0 tự quản lý, điều trị tại nhà” ngày 24/12 trên fanpage Đại học Y Hà Nội do PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng PGS. TS. Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm YHGĐ & CSSKCĐ chủ trì đã có những chia sẻ hết sức cần thiết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu hiện đang công tác tại Bình Dương – một trong những điểm nóng của COVID-19 ở Việt Nam đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến tình hình điều trị F0 tại nhà.

Theo PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu, Bình Dương cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước vẫn đang khá lúng túng trong việc quản lý, theo dõi cho F0 điều trị tại nhà. Hiện nay, số lượng F0 được theo dõi tại nhà của Bình Dương cũng đã lên đến 70.000 người.

Số lượng F0 điều trị tại nhà lớn nhưng các trạm y tế lưu động hiện tại chỉ có thể thực hiện những những nhiệm vụ như nhập dữ liệu, ra quyết định cách ly và hết cách ly… chứ không có khả năng thực sự theo dõi các bệnh nhân F0 tại nhà.

“Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, F0 tại nhà hầu như không có triệu chứng lâm sàng nên người bệnh không biết phải làm gì, không biết nên uống thuốc gì… Chính vì vậy, các y bác sĩ đang phải dành quá nhiều thời gian trong việc trả lời giải đáp cho những ca bệnh này. Những người thực sự cần đánh giá, theo dõi tình trạng suy hô hấp cần chuyển viện lại không được theo dõi một cách chu đáo.”PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ những khó khăn hiện tại ở địa phương.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu cũng cho biết, phương án hướng dẫn điều trị cách ly tại nhà thông qua việc sử dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng những phần mềm thông minh do bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai trong thời gian ngắn vừa qua, dù là rất nhỏ bé trong việc quản lý một số lượng người nhiễm rất lớn ở Việt Nam.

“Với sự tận tâm, người dân sẽ tin tưởng hơn vào hệ thống, phần mềm; sử dụng một cách khoa học, hạn chế tối đa sự lo lắng, hoảng hốt không cần có. Từ đó có thể để dành nguồn lực y tế ít ỏi để chăm sóc cho những người thực sự cần chăm sóc. “PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.