Phó giám đốc vì sa lưới tình mà tán gia bại sản, tuổi già cô quạnh bán vé số nuôi thân

Sa vào lưới tình, bỏ vợ cái con cột theo tình mới  

Tại một góc nhỏ trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, một người đàn ông tóc bạc phơ, da bánh mật, tay run run cầm tập vé số. Ông ngồi trầm tư nhìn dòng người ngược xuôi qua lại. Trên tay, xấp vé vẫn dày cộp. 

Ông lão ấy tên là Trần Văn Đức (SN 1948), người quen quanh khu đó vẫn thường gọi thân mật là ông Hai. Nhắc đến ông Hai, nhiều người vẫn không khỏi bàn tán xì xào về cuộc đời thăng trầm của người đàn ông 74 tuổi.

Ông Hai bị tai biến, ngồi bán vé số ở một góc đường

Trưóc giải phóng, ông từng đi lính sư đoàn 5, sau đó, ông về làm ở Xí nghiệp dược phẩm gần Khách sạn tháng 8 ở Sài Gòn. Ông giữ chức phó giám đốc xí nghiệp, được nhiều người trọng vọng. Về sau, ông Hai kết hôn, đi làm dành dụm được tiền, tậu nhà cửa, đất đai cho vợ con.

Cứ ngỡ cuộc sống cứ mãi viên mãn, hạnh phúc như vậy, nào ngờ, cuộc đời của ông rẽ sang trang khi trót phải lòng với một người phụ nữ làm công nhân tại xí nghiệp. 

“Trong thời gian ở với bà vợ lớn, bà công nhân thương tôi, về ở với nhau có đứa con. Chính quyền khi đó phát giác, người ta kêu bỏ, tui không chịu, thành ra tui nói, chẳng thà sa thải chứ không bỏ con được“, ông Hai nói.

Ông từng giữ chức phó giám đốc của một xí nghiệp lớn

Từ bỏ chức phó giám đốc, ly dị vợ, ông Hai ra đi với 2 bàn tay trắng, tự lập thân. Khi đó, bố mẹ ông thấy thương, gọi ông về làm ở xưởng mộc. Sống chung được vài năm, vợ mới của ông làm ăn thua lỗ, phải bán nhà trả nợ. Cuộc đời ông lại rơi vào biến cố thêm lần nữa khi một thời gian sau, ông phát hiện vợ hai phản bội, bỏ ông theo tình nhân. 

“Ông kia đàn ca, bà này ca cổ, thành ra tình yêu đâu thể nói được gì. Lúc đó phản bội tôi, nhưng tôi nghĩ bà đó sống tình nghĩa, tình thương”, ông kề.

Ly dị vợ, ông ra đi với 2 bàn tay trắng

Không hối hận dù quay ngược thời gian

Tài sản lớn nhất của ông Hai lúc bấy giờ là những đứa con. Nhưng sau khi ông bỏ đi theo nhân tình, 3 người con trai với vợ đầu đã từ mặt bố. Ông bị tai biến, không ai kề cận chăm sóc nên bất mãn với đời. 

“Chúng nó theo cái nếp của mẹ nuông chiều, thành ra không làm ăn gì hết, chơi bời lêu lổng. Tôi la không được. Giờ liên lạc tụi nó là tụi nó xin tiền, tại tôi làm ra tiền mà. Giờ tôi sống nhờ tình thương bên ngoài, chết thì Nhà nước chôn”, ông nói trong cay đắng.

Nhiều người vẫn hỏi, nếu được quay trở về thời đó, lựa chọn sống cuộc đời hạnh phúc với người vợ thứ nhất, từ bỏ mối quan hệ bất chính với cô công nhân kia thì liệu ông Hai có đánh đổi. Người đàn ông 74 tuổi không suy nghĩ, lập tức trả lời dứt khoát.

“Tôi vẫn chọn cuộc sống có bà vợ thứ 2. Vì bà đó ở có tình nghĩa, còn bà vợ lớn sống không có tình. Lúc nào tôi cũng tưởng nhớ tới bà vợ thứ 2. Bà dạy con gái bà phải thương ba, nói con gái ‘có tiền gửi cho ba mày, tao quậy dữ quá thành ra ba mày khổ vì tao".

Lâu lâu nó vẫn gửi tui 2 triệu, hỏi thăm từng giây phút, động viên ba giữ gìn sức khỏe, còn mấy đứa con trai thì không”, ông Hai nói.

Góc đường quen thuộc nơi ông bán vé số 7, 8 năm nay

Trong căn phòng trọ bé xíu, được thuê với giá 90k/ngày, ông Hai giờ đây cô quạnh một mình. Sáng 5h, ông lục đục dậy đi bán vé số. Nhưng từ sau cơn tai biến, ông chỉ có thể ngồi yên một chỗ, không đi đâu xa được. Đến 4h chiều, ông lại lủi thủi về đi xin cơm từ thiện ăn.

Mỗi ngày ông chỉ dám nhận bán 55 tờ vé số, kiếm được khoảng 50 – 60k/ngày. Nhịp sống ấy đã lặp đi lặp lại suốt 7,8 năm nay.

Ông trầm buồn khi nhắc đến cuộc đời thăng trầm, cô quạnh

Có những hôm, bán hết vé số từ sớm nhưng ông Hai không về phòng vì cứ về, đối diện 4 bức tường, ông lại thấy buồn và cô đơn. Giữa ngã ba tấp nập xe cộ, ông ngồi suy tư, nghĩ về cuộc đời dang dở tuổi xế chiều. 

“Hết vé số rồi về phòng cũng buồn lắm, tôi ngồi đó cho thanh thản. Với đợi người ta đem vé số lại giao cho ngày mai nữa…“, ông Hai trầm ngâm. 

Nguồn: Anh Duy TV