Thứ trưởng Bộ Y tế: "Độ bao phủ vaccine Covid-19 của Việt Nam đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng"
Trong buổi tọa đàm “Nhìn lại 2021 – Những chuyển hướng chiến lược” chiều 4/1, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, thời điểm Việt Nam chuyển từ chiến lược “Zero Covid” sang “Thích ứng an toàn với dịch” là rất phù hợp.
Theo Thứ trưởng, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm mới nổi, ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo vừa làm vừa nghiên cứu, vừa đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả. Đặc biệt, bệnh truyền nhiễm do virus thì biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất là tiêm vaccine.
Ngay từ đầu, khi đại dịch bùng phát, các nước trên thế giới và Việt Nam đã và đang rất tích cực nghiên cứu, tìm tòi đưa ra vaccine phòng, chống dịch. Để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng, giảm thiểu khả năng lây nhiễm, khả năng chuyển từ bệnh nhân nhẹ sang bệnh nhân nặng, Việt Nam áp dụng chiến lược “Zero Covid”.
Đến thời điểm độ bao phủ vaccine cao nhất, Việt Nam bắt đầu chuyển hướng “thích ứng an toàn” và ý thức người dân cũng nâng lên. Hiện nay, độ bao phủ vaccine tại Việt Nam đạt tỷ lệ mũi 1 cho người trưởng thành trên 99%, mũi 2 cho người trưởng thành trên 90%.
“Như vậy độ bao phủ vaccine của chúng ta đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và nhấn mạnh, chiến lược “thích ứng an toàn với dịch” mang lại hiệu quả cho cả hai lĩnh vực vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội.
Với tốc độ tiêm chủng như hiện nay và việc tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại, Thứ trưởng kỳ vọng Việt Nam sẽ thành công trong công tác chống dịch và phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên tại buổi tọa đàm (Ảnh: VGP)
Theo ông Tuyên, với mục tiêu thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Quốc gia đã có những giải pháp, đặc biệt là điều chỉnh về điều trị F0.
Trước đây, tất cả F0 đưa đi điều trị ở cơ sở y tế, giờ F0 thể nhẹ không triệu chứng có hướng dẫn điều trị ở nhà, có sự theo dõi chặt chẽ của y tế cơ sở. Khi F0 có diễn biến nặng bất thường thì báo ngay y tế cơ sở, để được thăm khám, đưa đến cơ sở điều trị.
Trước đây, F1 đưa đi cách ly tập trung, giờ F1 được theo dõi tại nhà có giám sát chặt chẽ của y tế cơ sở.
Đối với người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, trước đây phải cách ly tập trung 14 ngày, thực hiện xét nghiệm theo hướng dẫn. Hiện nay, nếu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và trước khi lên máy bay vào Việt Nam và xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72h, họ chỉ cần tự theo dõi tại nhà trong vòng 3 ngày, không được tiếp xúc với xung quanh. Xét nghiệm 1 lần PCR nếu tiếp tục âm tính thì theo dõi sức khỏe cho đến hết 14 ngày. Trong 14 ngày có diễn biến bất thường thì sẽ báo y tế cơ sở và chính quyền địa phương.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn cụ thể phòng, chống dịch đối với chuyên gia nhập cảnh làm việc ở nước ta dưới 14 ngày.
Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế, như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập đông người. Khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ, người dân cần báo với y tế cơ sở và chủ động tìm hiểu thông tin để chúng ta có giải pháp hiệu quả cho mình.
Tính đến ngày 4/1, Việt Nam có tổng 1.800.704 ca mắc Covid-19, trong đó 1.413.384 ca khỏi bệnh, 33.245 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 1,8% so với tổng số ca nhiễm). Cả nước đã tiêm được 154.344.391 liều vaccine Covid-19, gồm 77.850.611 liều mũi 1; 69.614.463 liều mũi 2 và 6.879.31 liều mũi 3.
Sự kiệnDiễn biến dịch Covid-19 tại Việt NamCập nhật 2022-0-2 18:12:1712 tin bài
- Diễn biến dịch Covid-19 tại Việt Nam