Thương Tín nói mời công an vào cuộc điều tra "nhập nhằng" tiền bạc với Trịnh Kim Chi, khi đó sự việc sẽ được xử lý thế nào?

Mới đây, cư dân mạng tiếp tục lan truyền rầm rộ đoạn video diễn viên Biệt Động Sài Gòn lên tiếng về số tiền quyên góp nhận được từ mạnh thường quân của Trịnh Kim Chi. Nghệ sĩ Thương Tín cho biết, Trịnh Kim Chi giữ lại hơn 250 triệu đồng để mua bảo hiểm cho con gái của ông là không hợp lý.

Ngoài ra, Thương Tín còn phủ nhận các tin đồn cho rằng nam nghệ sĩ sử dụng tiền quyên góp phung phí. Thương Tín chia sẻ chỉ nhận được tổng cộng 130 triệu đồng chứ không phải 800 triệu đồng như thông tin từ phía Trịnh Kim Chi: “Thương Tín chưa nhận được số tiền 800 triệu như lời Trịnh Kim Chi nói, thật sự ra chỉ có trăm mấy chục triệu thôi”.

Nam nghệ sĩ còn tuyên bố sẽ mời công an vào cuộc để làm rõ khoản tiền này

Sau đó, nam diễn viên thậm chí còn tuyên bố sẽ mời công an vào cuộc để làm rõ các khoản tiền này. 

Trước thông tin này, dư luận đặt ra câu hỏi, nếu công an vào cuộc thì vụ việc sẽ diễn biến thế nào? 

Trao đổi với PV, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp – Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho biết, dưới góc độ pháp luật hoạt động từ thiện được nhà nước khuyến khích tôn vinh. Việc các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ, hỗ trợ cho các nghệ sĩ khác có hoàn cảnh khó khăn không còn xa lạ, trường hợp Trịnh Kim Chi và Thương Tín là một điển hình. Tuy nhiên, đến nay sự việc bị đẩy đi xa khi nghệ sĩ Thương Tín lại tố nghệ sĩ Kim Chi nhập nhằng: Chỉ dùng một phần nhỏ để đóng bảo hiểm một năm cho con gái mình còn lại đã gửi ngân hàng lấy lãi.

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì mối quan hệ giữa người kêu gọi và người quyên góp từ thiện là quan hệ đại diện theo ủy quyền. Điểm b, khoản 1 điều 423 bộ luật dân sự 2015 quy định bên kêu gọi từ thiện (bên được uỷ quyền) vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng thì bên quyên góp từ thiện (bên ủy quyền) có quyền hủy bỏ hợp đồng uỷ quyền và không phải bồi thường thiệt hại.

Luật sư Cường phân tích: “Đối với hậu quả pháp lý của việc hủy hợp đồng theo khoản 2 điều 427 bộ luật dân sự 2015 quy định các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong việc thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản phát triển tài sản. Vì vậy nếu tiền từ thiện không được sử dụng đúng mục đích thì các mạnh thường quân có quyền yêu cầu nghệ sĩ Trịnh Kim Chi hoàn trả lại toàn bộ tiền từ thiện”.

Ngoài ra, trong trường hợp nghệ sĩ Trịnh Kim Chi có hành vi sử dụng tiền từ thiện sai mục đích nhằm chiếm đoạt số tiền từ thiện thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy tính chất mức độ hành vi vi phạm.

Trường hợp mục đích chiếm đoạt tiền xuất hiện từ trước khi cá nhân đó nhận được tiền quyên góp từ thiện và số tiền chiếm đoạt thực tế từ 2 triệu đồng trở lên thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ồn ào về Thương Tín được dư luận quan tâm

Trường hợp mục đích chiếm đoạt tiền xuất hiện sau khi cá nhân đó nhận được tiền quyên góp từ thiện và số tiền chiếm đoạt thực tế từ 4 triệu đồng trở lên thì hành vi này có dấu hiệu vi phạm quy định điều 175 Bộ luật Hình sự 2015 tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp chiếm đoạt tiền của người khác quyên góp từ thiện để sử dụng vào mục đích cá nhân không thuộc vào hai trường hợp trên thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 1 tới 2 triệu đồng.

Cũng theo LS Đặng Văn Cường, trong trường hợp các thông tin mà nghệ sĩ Thương Tín đưa ra là sai sự thật, bịa đặt, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nghệ sĩ Trịnh Kim Chi mà người đưa ra thông tin đó biết rõ là bịa đặt, không đúng sự thật nhưng cố tình đưa ra nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nữ nghệ sĩ thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống quy định tại điều 156 bộ luật hình sự.

Về trách nhiệm dân sự, theo khoản 5 điều 34 bộ luật dân sự, cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Trước đó vào tháng 3/2021 giữa lúc Thương Tín bị đột quỵ không có chi phí chữa trị, Trịnh Kim Chi là người đứng ra kêu gọi, quyên góp giúp đỡ cho nam tài tử. 

Vào tháng 3/2021, Trịnh Kim Chi là người đứng ra kêu gọi, giúp đỡ nghệ sĩ Thương Tín giữa lúc ông bị đột quỵ không có tiền chữa trị

Sau khi bị Thương Tín tố nhập nhằng tiền bảo hiểm, Trịnh Kim Chi đã lên tiếng vào trưa ngày 21/12

Nhận toàn bộ số tiền từ thiện, cô đã trao toàn bộ cho Thương Tín và trích ra một ít để mua tiền bảo hiểm cho con gái ông. Đến tháng 12/2021, Trịnh Kim Chi đã trả lại số tiền này cho gia đình Thương Tín theo yêu cầu. Tuy nhiên, thái độ “quay xe” của nam tài tử khiến netizen vô cùng bức xúc.

https://afamily.vn/thuong-tin-noi-moi-cong-an-vao-cuoc-dieu-tra-nhap-nhang-tien-bac-voi-trinh-kim-chi-khi-do-su-viec-se-duoc-xu-ly-the-nao-20211223152300948.chn 2021 – Ba “bóng hồng bất động sản” khét tiếng gục ngã: Bị bắt vì lừa đảo, rửa tiền, chiếm đoạt hàng trăm tỷ, 1 người có tên trong hồ sơ Panama