TP HCM thiệt hại 273.000 tỉ đồng do đại dịch Covid-19

Chiều 9-12, kỳ họp thứ 4, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra phiên bế mạc. Dự phiên bế mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi…

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết năm 2021, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của thành phố và đất nước. Đó là kinh tế tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động; ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân.

Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu bế mạc kỳ họp chiều 9-12

Chủ tịch HĐND TP HCM cho biết ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của thành phố do đại dịch Covid-19 khoảng 273.000 tỉ đồng – tương đương 11,9 tỉ USD; tốc độ tăng trưởng (GRDP) năm 2021 ước tính ở mức âm.

Dù phải căng mình chống chọi với đại dịch nhưng qua đó, TP HCM cũng đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội trong điều kiện khó khăn nhất, vận hành an toàn và thông suốt những lợi thế mang tính cạnh tranh cao, làm tiền đề cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2025, như kinh tế số, tỉ lệ bao phủ vắc-xin, củng cố hệ thống y tế các cấp và người dân điều chỉnh hành vi tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng trong bối cảnh những tháng cuối năm 2021 và nhìn đến năm 2022, tình hình dịch bệnh với biến chủng Delta vẫn tiếp tục gây nhiều vấn đề rất đáng quan ngại, trong khi biến thể mới Omicron đang lây lan nhanh hơn (500% so với biến thể Delta).

Do đó, Chủ tịch HĐND TP HCM đề nghị đối với các nghị quyết của HĐND thành phố đã được thông qua tại kỳ họp, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, từng tập thể, cá nhân triển khai và phối hợp thực hiện nghiêm, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật.

Song song đó, UBND TP HCM phải tập trung triển khai tích cực các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận của Trung ương và của thành phố trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội.

Trong đó, thực hiện có hiệu quả các kịch bản về tăng trưởng để có giải pháp thiết thực, hiệu quả bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; bao gồm chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6%-6,5%; đẩy mạnh thực hiện chủ đề năm nhằm tạo môi trường, điều kiện thu hút các đối tác chiến lược, tiềm năng vào TP HCM.

Quan tâm các nội dung thực hiện Nghị quyết số 26 về tập trung đầu tư hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030, tăng cường giám sát các vụ việc tồn tại, kéo dài để kịp thời đề xuất, kiến nghị Thành ủy TP HCM lãnh đạo xử lý dứt điểm nhằm phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm như kỳ vọng của thành phố đã đề ra.

Tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội để đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đó, trong các giải pháp hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp, trọng tâm nhất của chính quyền TP HCM là tập trung cải cách hành chính, cụ thể hóa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhất là đối với các dự án đầu tư mới, dự án tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng, hoàn thành đề án đô thị thông minh để sớm ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành quản lý Nhà nước; đầu tư hoàn thiện Trung tâm Điều hành thông minh của thành phố.

Đồng thời, tiếp tục rà soát để kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống của nhân dân, nhất là những người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp do dịch Covid-19.

Chủ động có phương án mở cửa trường học cho các bậc học phù hợp với lộ trình tiêm vắc-xin; chuẩn bị các phương án kiểm soát an toàn trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán…

Hà Nội: 12 tháng tù cho công chức viên nhận 3 triệu đồng “bồi dưỡng” tiêm vắc xin COVID-19