Tranh cãi con số trong bức ảnh kỳ lạ khiến cư dân mạng bối rối
Bạn nhìn thấy con số nào trong ảo ảnh quang học dưới đây?
Ảo ảnh quang học lan truyền trên mạng xã hội khiến cư dân mạng bối rối vì mọi người nhìn ra nhiều kết quả khác nhau.
Người dùng Twitter có tài khoản ‘benonwine" đã chia sẻ hình ảnh ảo ảnh một vòng tròn đen trắng hiển thị những con số ẩn. Và một lần nữa, cư dân mạng trên thế giới lại bị chia rẽ bởi một ảo giác thôi miên.
Bức ảnh có dạng vòng tròn đồng tâm, với những vòng xoáy màu đen. Nếu bạn vuốt màn hình hay dịch chuyển mắt, những vòng tròn tĩnh dường như sẽ chuyển động.
Thực ra, hình zig-zag trong hình tròn đã đánh lừa mắt người xem khiến hầu như ai nhìn cũng thấy nó đang di chuyển. Tuy nhiên, điều thực sự gây tranh cãi về ảo giác này lại là thứ nằm ẩn trong những vòng tròn.
Người đăng chia sẻ rằng: ‘Bạn có thấy con số nào trong bức hình không? Nếu có, đó là con số nào?"
Ảo ảnh quang học về một vòng tròn đen trắng có một số con số ẩn trong đó và mọi người nhìn thấy những con số khác nhau gây ra cuộc tranh cãi hiếm thấy. Các đáp án cư dân mạng đưa ra khác nhau, cơ bản là 45283 nhưng một số khác không đồng ý với con số 4 và nói đó thực ra là số 1.
Khi nhìn qua bức ảnh bạn sẽ thấy chắc chắn có số ‘528". Nhưng chờ đã, có phải là 15283 không? Hay là 45283? Hay nó có vẻ là 3452839?
Bài đăng lan truyền mạnh mẽ, thu hút hơn 2.900 lượt thích và hơn 14.000 bình luận.
"45 283, tôi có nên đặt lịch khám với bác sĩ nhãn khoa không nhỉ?", ‘1528, tôi chỉ nhìn thấy những con số này", ‘Tôi chỉ có thể nhìn thấy 528. Điều này có nghĩa thị lực của tôi giảm sút không?" … cư dân mạng bình luận.
Đáp án của ảo giác này gồm 7 con số mà những vòng xoáy che giấu là 3452839. Bạn có nhìn chính xác không?
Theo các chuyên gia, ảo ảnh quang học là thước đo độ nhạy tương phản. Độ nhạy tương phản là khả năng phân biệt giữa một vật thể trên nền đằng sau nó. Độ nhạy tương phản khác với thị lực – đo mức độ rõ ràng mà bạn có thể nhìn được ở một khoảng cách nhất định.
Một số tình trạng hoặc bệnh liên quan đến mắt như đục thủy tinh thể, bệnh tăng nhãn áp hoặc bệnh võng mạc do tiểu đường có thể làm suy giảm độ nhạy tương phản này.
Một bài kiểm tra độ nhạy tương phản đo mức độ bạn có thể phân biệt giữa ánh sáng và bóng tối. Bác sĩ thường sẽ sử dụng loại biểu đồ khác trong đó các ký tự mờ dần từ màu đen sang màu xám.