Vì sao các thiếu gia, tiểu thư nhà Đặng Lê Nguyên Vũ được đặt tên Trung Nguyên, Bình Nguyên, Thảo Nguyên, Tây Nguyên?

4 người con là kết quả của tình yêu đẹp giữa chàng sinh viên nghèo bỏ dở nghề bán cà phê và ái nữ của một gia đình buôn vàng bạc đá quý.

Tiếc rằng câu chuyện tình yêu đẹp đấy chỉ được chia sẻ khi hai vợ chồng đang tranh cãi phân chia tài sản ly hôn.

Ông vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo kết hôn năm 1998, cũng là năm mở quán cà phê đầu tiên mang thương hiệu Trung Nguyên.

Cà phê cũng như thương hiệu Trung Nguyên, với ông Vũ, là tâm huyết một đời, ông giữ gìn như “con ngươi trong mắt”. Không chỉ vậy, đến tên của 4 người con cũng được ông Vũ đặt gắn liền với thương hiệu Trung Nguyên khi lần lượt là Đặng Lê Trung Nguyên, Đặng Lê Bình Nguyên, Thảo Nguyên và Tây Nguyên.

Thuở hạnh phúc của gia đình ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Ảnh: FB bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Trong đó, cái tên Trung Nguyên có ý nghĩa đặc biệt hơn cả. Đằng sau tên gọi đó là những tham vọng lớn, chứa đựng tầm nhìn của “vua cà phê”.

Còn nhớ giữa phiên tòa xử tranh chấp ly hôn giữa hai vợ chồng, đại diện phía ông Vũ – Luật sư Trương Thị Hòa đã lý giải tại sao ông Vũ lại chọn thương hiệu cà phê Trung Nguyên mà không phải là một tên khác. Theo đó, từ năm 1996, ông Vũ từng bị cho rằng điên rồ vì chỉ dựa trên một căn nhà nhỏ và một chiếc máy cà phê rang xay với mơ ước xây dựng thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Đến năm 1998 khi khai trương quán cà phê của mình, ông Vũ đã miễn phí 10 ngày uống cho khách hàng.

Theo ông Vũ, Trung Nguyên là trung phần, là miền trung Tây Nguyên, là cao nguyên. Ai ở đó sẽ là “bá chủ thế giới”. Ông Vũ không giấu tham vọng “muốn bá chủ thế giới về cà phê”. Chỉ người đam mê mới hiểu và tìm tòi đặt tên cho thương hiệu sản phẩm của mình mang ý nghĩa như vậy.

Ngay cả logo công ty như một mũi tên hướng lên trên cũng mang ý nghĩa nhân văn, mang khát vọng đưa cà phê Việt bay cao, bay xa.

Nói về việc dạy con, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng chia sẻ với chúng tôi rằng, cần chuẩn bị cho các con cái nền, từ cái nền học vấn cho đến điều kiện vật chất.

Tôi nói: ‘Ở tuổi con ngày xưa ba đi chăn bò, mưa gió đâu nghỉ ngày nào. Các con làm gì thì làm, mình phải có chí, và có lòng trắc ẩn. Mình phải vượt qua cái gia đình nhỏ của mình’. Mấy đứa nhỏ hiểu hết. Nhất là đứa con gái nhỏ”.

“Tôi nói với chúng nó: ‘Ba không có thời gian vật lý, nhưng với con cái, cái quan trọng là mình cho nó nền tảng, cái chí, hai nữa là sau này nhìn cuộc đời của ba các con có thể tự hào về ba. Các con phải có trách nhiệm xã hội, chí lớn, vượt qua tập đoàn Trung Nguyên, vượt qua cái hiện hữu mà các con đang có. Ba đã tạo ra, còn các con phải vượt qua nữa. Phải có trách nhiệm. Giờ được nuôi dưỡng trong điều kiện xe đưa đón. Điều kiện của các con thì các con phải vượt qua, phải khổ luyện’”, ông Vũ kể lại.

Ông cũng tiết lộ ông dạy các con giống như kỷ luật trong quân đội, từ chí hướng, cương trị, luyện thân luyện xác, và thường khuyên các con rằng: “Các con thấy thiện nhân mỹ nữ chỉ ưa anh hùng thôi, đâu ưa gì ba thứ tào lao có phương tiện, hình thức. Họ yêu những người có chí cả”.

https://cafebiz.vn/vi-sao-cac-thieu-gia-tieu-thu-nha-dang-le-nguyen-vu-duoc-dat-ten-trung-nguyen-binh-nguyen-thao-nguyen-tay-nguyen-20211222175536987.chn?fbclid=IwAR3QOLROplpwaPkhHpbGO6ANggE6X6I7HH-hTFOnRD8Rp7nx978F0pIX2y4