Cảnh vắng lặng chưa từng có của xóm đạo lớn nhất Sài Gòn trước thềm Noel: "Năm nay buồn lắm, người nhà mất hết rồi, có còn ai nữa đâu…"
“Chồng con của cô mất hết rồi…”
Thắp nén hương lên bàn thờ của chồng và đứa con trai, cô Ly không giấu được sự xúc động khi sự ra đi lần lượt của chồng và con khiến cô dường như mất hết tất cả. Covid-19 đã cướp đi tổ ấm hạnh phúc nhất mà cô từng có được.
Giáng sinh buồn với gia đình cô Ly khi không còn người thân bên cạnh
Giờ này năm ngoái, cả gia đình cô còn sum vầy, vui vẻ bên nhau, cùng trang trí nhà cửa, đi ăn uống, hát ca để mừng Giáng sinh. Nhưng mà…
Tháng 7/2021, sau khi người con trai nhiễm Covid-19, cả gia đình cô lần lượt đều dương tính với SARS-CoV-2. Mặc dù cố gắng cùng nhau chiến đấu với bệnh tật, nhưng chú Bình (55 tuổi, chồng cô Ly) và người con trai út đã mãi mãi ra đi.
“Ba nó đi cách ly cùng lượt với cô, chồng đi một nơi, vợ một nơi, mà ổng đi rồi không thấy về. Mất hết rồi, ba con nó hiền lành lắm, cứ sáng thằng con đi làm, chiều về phụ quán cơm, nó gần lấy vợ rồi mà lại ra đi…”, cô Ly òa khóc.
Người phụ nữ bật khóc khi nhắc đến chồng, con
Mặc dù may mắn vượt qua được bệnh tật nhưng một bên tay của cô Ly gặp phải di chứng, không thể cử động được nữa.
“Năm nay giáng sinh buồn lắm, cô đâu còn gì nữa đâu, người nhà mất hết rồi. Cô chỉ mong ở bên kia thế giới, chú và con trai được thanh thản, lúc còn sống, chú còn nói nếu có kiếp sau, mình vẫn làm vợ chồng nha em, vậy mà…”, cô Ly nghẹn lời.
Là người theo đạo, cô Ly chỉ biết cầu mong ở bên kia thế giới, chồng và con cô được thanh thản
Ngồi trong căn nhà thiếu vắng hình bóng người thân, cô Ly đưa tay quệt nước mắt, hướng về phía đầu ngõ. Chưa bao giờ, giáng sinh với cô lại buồn như vậy, Covid-19 đã cướp đi những thứ quý giá nhất mà gia đình cô từng có được.
Chỉ cầu mạnh khỏe, bình an
May mắn hơn gia đình cô Ly, dù nhiễm Covid-19 nhưng tất cả người nhà cô Nguyễn Thị Thủy Tiên (48 tuổi, ngụ phường 7, quận 8) đều vượt qua được. Ở Sài Gòn mấy chục năm, chưa bao giờ cô Tiên lại thấy không khí giáng sinh buồn tẻ như vậy.
Mặc dù tất cả mọi người cũng cố gắng sửa soạn, làm hang đá để có không khí giáng sinh nhưng tất cả chỉ là tạm bợ sau quá nhiều nỗi đau, sự mất mát mà Covid-19 để lại.
Cô Tiên cho biết sự háo hức, tất bật để đón Giáng sinh của người dân đã không còn như trước
“Năm nay buồn thiệt, người dân không dám đi vì dịch bệnh, năm ngoái chứ vài bước chân là ở đây có một hang đá, nhà nhà đều trang trí để đón giáng sinh. Ai nấy đều vui vẻ, hào hứng, ăn tiệc lớn lắm. Mấy nay cũng có một vài người đến tham quan, chụp hình tý rồi về chứ không ở lại như trước, ai cũng e dè, buôn bán ế ẩm hơn.
Có người năm ngoái dẫn cả bố mẹ họ đến chơi, năm nay họ cũng quay lại, thì bố mẹ đã không còn”, cô Tiên ngậm ngùi.
Các nhà thờ, đường phố trang trí hang đá cũng không hoành tráng như mọi năm, hầu hết đều đơn giản
Theo cô Tiên, không khí buồn bã, ảm đạm là điều mà tất cả người dân ở xóm đạo đường Phạm Thế Hiển (quận 8) đều cảm nhận được. Dù không nói ra nhưng trong mắt của tất cả những người theo đạo, năm nay đặc biệt buồn.
“Trải qua cơn đại dịch, có quá nhiều mất mát, đau thương rồi nên ai cũng buồn cả. Người ta tới người ta coi hang đá chứ người ta cũng thở dài không à. Giờ chỉ biết cầu mong mạnh khỏe, có sức khỏe, buôn bán đắt hơn để khôi phục lại kinh tế gia đình”, cô Tiên tâm sự.
Không khí Giáng sinh len lỏi trong các con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển
Chú Định tranh thủ trang trí nhà cửa để mừng Giáng sinh
Cách quán nước của cô Tiên một đoạn không xa, chú Vũ Đình Định thong thả cột lại những dây đèn nháy trước sân nhà. Với những người theo đạo Công giáo như chú Định, ngày Chúa giáng sinh là điều đặc biệt nhất. Tuy nhiên, vì nguồn lực không nhiều như những năm trước, chú Định chỉ có thể làm những việc trong khả năng của mình để mừng Giáng sinh.
“Năm nay không khí kém hẳn, chỉ được khoảng 50% so với mọi năm, người ta còn e dè, đi lại cũng kém hơn mọi năm. Hồi trước các gia đình khá giả còn tổ chức bữa cơm thợ thuyền, ca hát vui vẻ, năm nay im ắng lắm, không có ai ca hát, ăn uống nữa…, các Cha trong nhà thờ cũng khuyến khích không làm rườm rà.
Chú mong rằng dịch bệnh mau chấm dứt để cho xã hội bình yên trở lại, những người lao động thì có công ăn việc làm, chú không cầu mong giàu có hay gì cả, chỉ mong xã hội bình yên”, chú Định chia sẻ.
Điều mong mỏi lớn nhất của chú Định chính là sự bình an cho tất cả mọi người
Có lẽ không chỉ riêng chú Định mà với tất cả mọi người, Giáng sinh năm nay khác biệt hẳn so với mọi năm bởi sự khốc liệt, đau thương mà đại dịch đã để lại. Nén đau thương vào lòng, ai cũng cầu mong điều bình an sẽ đến, sẽ không còn bất cứ tổn thương, mất mát nào xảy ra nữa.
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi nhận được tại xóm đạo lớn nhất Sài Gòn trong ngày 22/12, khung cảnh vắng lặng chưa từng có trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8):
Một số người thợ tranh thủ trang trí trước cổng nhà thờ
Các nhà thờ, giáo xứ cũng chỉ trang trí đơn giản, không đặc biệt, rầm rộ như mọi năm
Có lẽ với tất cả người dân xóm đạo Phạm Thế Hiển, năm nay là năm mừng Giáng sinh buồn nhất…
Rải rác một số người đến tham quan, chụp ảnh…
Một số khu vực trên đường Phạm Thế Hiển trang trí mừng Giáng sinh, mong rằng bước qua mùa Giáng sinh và năm mới 2022, điều tốt đẹp nhất sẽ đến, dịch bệnh được kiểm soát, đẩy lùi