Vụ bé gái 8 tuổi bị "dì ghẻ" bạo hành: "Nhiều người không có kỹ năng nhận diện tổn thương sức khỏe tinh thần"

Vụ việc bé gái 8 tuổi ở TP.HCM tử vong do người tình của bố bạo hành đã khiến dư luận dậy sóng.

Hôm nay (28/12), Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 2 tháng đối với Nguyễn Võ Quỳnh Trang (26 tuổi, quê Gia Lai) về tội “Hành hạ người khác”.

Cơ quan điều tra cho rằng, trong thời gian dài, Trang đã hành hạ bé N.T.V.A. (8 tuổi, con riêng của chồng sắp cưới) tại chung cư Sài Gòn Pearl (quận Bình Thạnh) khiến cháu bé tử vong ngày 22/12.

Nhiều người tưởng niệm bé gái xấu số


Cái chết thương tâm của bé gái với những vết bầm tím khắp người đã gây nên làn sóng phẫn nộ trong dư luận. Nhiều người cho rằng những đứa trẻ bị bạo hành vì “mẹ kế”, “cha dượng” cần lắm những người hàng xóm xung quanh hiểu luật để can thiệp kịp thời khi người thân vô cảm.

Những đứa trẻ không biết bấu víu vào đâu khi bị chính những người thân sống chung đánh đập. Trong nhiều trường hợp, nhờ những người hàng xóm với những kỹ năng bảo vệ mà đứa trẻ được giải cứu.

Về vụ việc này, trao đổi với PV Infonet, PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay thì cơ quan bản vệ trẻ em phải vào cuộc sốt sắng hơn bao giờ hết để sàng lọc những ông bố, bà “dì ghẻ” có nguy cơ bạo hành trẻ và phải có biện pháp bảo vệ, tách trẻ ra khỏi nguy cơ bạo lực.

Sự việc như thế này không phải mới nhưng chính người xung quanh khi đang ở bối cảnh áp lực bủa vây vì đại dịch họ lại không để ý đến dấu hiệu cầu cứu của đứa trẻ, dấu hiệu bị bạo hành về thể chất, tinh thần.

Hiện nay nhiều người có hội chứng “người không tiện, người đang vội” nên thường bỏ qua những nhu cầu của những người yếu thế trong xã hội như trẻ em, người già.

Công bằng mà nói, đây là giai đoạn xã hội tổn thương, cơ quan bảo vệ người yếu thế cần hành động cụ thể dựa trên bằng chứng nghiên cứu như trẻ con gặp nhiều nguy cơ bạo lực, bạo hành phải được ưu tiên nhất là giai đoạn hậu Covid.

Cùng với đó, giáo dục xác định bên cạnh mục tiêu kiến thức phải chú trọng nhiều hơn tới giáo dục kỹ năng, kỹ năng chung sống, học để làm người”.

Một thực tế là có nhiều người không có kỹ năng nhận diện tổn thương sức khỏe tinh thần, thậm chí kỳ thị người khác nên họ không nhận ra bố mẹ nguy cơ bạo hành, hay con cái đang gặp khủng hoảng nên không phát hiện sớm.

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, người dễ dàng nhận diện nguy cơ trẻ bị bạo hành là giáo viên. Vì lẽ đó nên giáo viên cũng phải được trang bị cách nhận diện, phát hiện bạo lực.

“Tất nhiên, đó phải là những giáo viên có tâm thực sự. Ví dụ như dạy học trực tuyến, học sinh không mở camera giáo viên cũng không quan tâm, chỉ dạy cho xong, cho hết giờ thì làm sao biết được cảm xúc, không nhìn thấy học sinh sao biết được con bị đánh đập thông qua các dấu hiệu tím tái…”, PGS. TS Trần Thành Nam nói.

Ngoài ra, cũng cần nâng cao nhận thức cộng đồng về quyền trẻ em, hành vi nào là vi phạm pháp luật về trẻ em. Chúng ta phải tích cực tuyên truyền để việc bảo vệ trẻ em phải thành phong trào. Số điện thoại về bảo vệ trẻ em phải được dán ở cầu thang để mọi người có nhiều kênh phản ánh.

Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em cho hay, nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại hay bạo hành trẻ em, cách đơn giản nhất là người dân chỉ cần gọi điện cho tổng đài quốc gia 111, lập tức cơ quan này sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để phối hợp với các cơ quan chức năng, ngăn chặn ngay hành vi dẫn đến nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của trẻ em.

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đang sửa đổi nghị định xử lý hành chính trong lĩnh vực quyền trẻ em, trong đó có chế tài xử lý cơ quan tổ chức, cá nhân nào có thông tin trẻ em bị xâm hại mà không báo cho cơ quan chức năng thì sẽ bị xử lý hành chính.

“Đây là trách nhiệm tố cáo bắt buộc. Vì vậy, cơ quan chức năng cần phải truyền thông nhiều hơn để người dân biết được các quy định này của pháp luật và biết được các nơi tiếp nhận thông tin và cơ quan xử lý nguồn tin”, ông Nam đề nghị.

Được biết, về vụ việc cháu bé 8 tuổi bị bạo hành người dân từng thông báo cho ban quản lý chung cư, sau đó ban quản lý đã tìm gặp bố cháu bé nhưng không được.

Việc thông báo tin và can thiệp chậm trễ là một trong những lý do dẫn đến cái chết thương tâm của một đứa trẻ. Ban quản lý có trách nhiệm bảo vệ trật tự an ninh tại chung cư đó, nhận được thông tin thì phải báo ngay cho đơn vị trực tiếp xử lý là UBND phường, công an phường/xã sở tại hoặc chỉ cần nhấc máy điện thoại gọi 111 là lập tức được can thiệp.