Vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM, cái nhìn từ một cuộc hôn nhân bất hạnh: Tại sao người phụ nữ dù giỏi giang, hiền lành, chịu khó vẫn bị phản bội một cách đớn đau?
Đó là những tính từ mà người ta nhận xét về chị H. (mẹ đẻ bé V.A.). Theo lời kể của anh Vinh (bác bé V.A.), chị H. được mọi người nhận xét là một người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó.
Thời còn đi học, chị rất ngoan ngoãn, học giỏi và đỗ vào Đại học. Tốt nghiệp ra trường, chị H. làm ở công ty nào cũng được mọi người yêu thương vì bản chất hiền lành, nhẹ nhàng.
“Vậy mà sao ông trời lại để em nó phải chịu điều cay đắng và nghiệt ngã đến như vậy. Tôi thật sự không tin và không thể chấp nhận được sự thật này. Tại sao Thái và Trang lại tàn nhẫn và ác độc đến như vậy? Pháp luật sẽ xử lý họ một cách xứng đáng nhất”, anh Vinh cho biết trên báo giới.
Từ “gia đình kiểu mẫu” đến tận cùng bất hạnh của một cuộc hôn nhân tan vỡ vì kẻ thứ 3
Được biết, chị H. kết hôn với Nguyễn Kim Trung Thái (SN 1985) vào năm 2012, đến năm 2013 thì sinh cháu V.A. Năm 2016, hai vợ chồng có thêm một bé trai nữa.
Trước đây, ông Thái vốn được đánh giá là kiểu “đàn ông mẫu mực”, thậm chí giỏi giang và có địa vị xã hội. Những tưởng cuộc sống gia đình chị H. cứ thế trôi qua êm đềm trong hạnh phúc, nhưng chỉ cho đến khi Võ Nguyễn Quỳnh Trang xuất hiện.
Sự xuất hiện của Nguyễn Võ Quỳnh Trang đã khiến gia đình ông Thái đảo lộn, cãi vã, ly dị và tan vỡ 1 mái ấm từ đó.
Mọi thứ hoàn toàn đảo lộn từ đây. Từ khoảng năm 2020, cuộc sống của 2 vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã. Dù bị chồng phản bội, nhưng theo người thân, chị H. vẫn cố níu kéo Thái, những mong giữ được cho 2 con một gia đình hoàn thiện. Nhưng dù chị H. nỗ lực bao nhiêu, Thái vẫn không quay đầu.
Thậm chí việc quan hệ bất chính giữa ông Thái và Trang còn diễn ra công khai, ngang nhiên nơi công sở. Điều này được chính Võ Nguyễn Quỳnh Trang thừa nhận trong quá trình làm việc với công an. Cả 2 quen nhau khi cùng làm một công ty truyền thông ở TP.HCM, khi đó Trang biết rõ việc Thái đã có vợ con.
Mọi chuyện sụp đổ nhanh chóng với chị H. kể từ đây. Thái bằng nhiều động thái khác nhau đẩy nhanh việc ly hôn để sớm đến với người tình. Thái sau đó cùng bé V.A. chuyển tới sống tại căn hộ chung cư mà sau này là hiện trường của một trong những vụ bạo hành trẻ em chấn động nhất. Một thời gian sau Thái đón Trang về chung sống, lúc này chuyện ly hôn với chị H. còn chưa dứt điểm.
Cũng kể từ đây, chị H. và bé V.A. bị chia cắt, bởi sự cấm cản đến từ người chồng cũ.
Chi sẻ với báo chí, chị H. cho biết trong suốt hơn 1 năm qua, chị H. chỉ được gặp con gái 2-3 lần, lần cuối cùng là khoảng tháng 12/2020.
“Do ông Thái ngăn cản không cho tôi gặp cháu V.A. nên tôi không hiểu, không biết trong suốt 1 năm cháu V.A. sống như thế nào, ra sao… chỉ biết lúc cháu chết là bác sĩ nói do bị phù nề phổi, có nhiều vết thương bầm tím.
Sau khi lo hậu sự cho cháu, tôi có tìm hiểu nguyên nhân cái chết của cháu, lý do tại sao con tôi chết mà trên cơ thể có nhiều vết bầm tím”, chị H. nêu rõ trong đơn.
Cuộc hôn nhân của chị H. kết thúc như thế, theo cái cách đau đớn nhất có thể. Cái chết của bé V.A. khiến cả dư luận sục sôi. Với những phụ nữ đã làm vợ, làm mẹ, có lẽ họ còn cảm thấy thêm một nỗi đau sâu sắc nữa, đó chính là nỗi đau ở vị trí của chị H.
Tại sao dù một người phụ nữ dù chịu thương chịu khó, hiền lành, nhẫn nhịn vẫn bị phản bội đến đau đớn tận cùng?
Đời người phụ nữ, ai cũng vậy, cứ an phận, nghĩ mình có được một mái ấm, một cuộc sống sung túc, con cái đề huề, vậy là quá đủ. Điều này có thể là đúng với nhiều người trong chúng ta, trong đó hẳn cũng có chị H. Từ những thông tin tìm hiểu được, về tính cách, về sự níu kéo ngay cả khi bị phản bội, người ta thấy ở chị H. một sự nhẫn nhịn lớn, và cả nỗ lực nhằm níu giữ thứ “quá đủ” của mình.
Nhưng tại sao dù đã làm tất cả, mọi thứ vẫn tan vỡ với người phụ nữ đáng thương này.
Dù có vợ đẹp, con ngoan, gia đình từng được người khác ngưỡng mộ, nhưng Thái vẫn ngoại tình?
Càng khó hiểu hơn khi nhìn vào Thái, tại sao một người đàn ông dù đã có đủ mọi thứ từ vợ con, tiền bạc, danh vọng lại sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ vì kẻ thứ 3?
Có thể đó là thứ mưu cầu vượt ra khỏi những đủ đầy mà cuộc sống hôn nhân bình thường mang lại? Hoặc phải chăng khi hạnh phúc theo năm tháng dần trở nên nhàm chán, người đàn ông bị thôi thúc sống khác đi? Cũng có thể vì một phút vợ chồng nguội lạnh và kẻ thứ 3 chỉ chờ có thế chen chân vào?
Có rất nhiều câu hỏi mà những độc giả nữ khi theo dõi vụ việc này đặt ra cho cách hành xử của Thái. Nhưng tất nhiên, chỉ anh ta và lương tâm của mình mới có câu trả lời.
Khi một cuộc hôn nhân đổ vỡ, dù bằng cách nào đi nữa cũng chẳng thể đổ lỗi cho một phía, bởi cửa không mở, ắt gió sẽ chẳng thể lùa. Có trách, chỉ có thể trách người đàn ông quá tham lam và kẻ thứ ba đã quá cơ hội mà thôi!
Hôn nhân vốn là con đường gian nan và nhiều lối rẽ. Một phút lơ đãng cũng sẽ phải trả giá đắt bằng hạnh phúc gia đình và tương lai của con trẻ. Vì vậy, hãy trân trọng gia đình, hãy nghĩ về người vợ tào khang cùng các con trước khi quyết định “lạc” vào một mối quan hệ khác.
Ly hôn không phải là điều người ta mong muốn nhưng nó vẫn xảy ra khi cha mẹ không còn có thể chung đường. Điều người lớn day dứt nhất sau 1 cuộc ly hôn không phải là sợ mình cô đơn, mà chính là sợ đứa trẻ sống tiếp sẽ khó khăn khi thiếu cha hoặc mẹ.
Tuy nhiên, người lớn không thể gượng gạo mà sống tiếp với nhau chỉ để trẻ con có 1 gia đình đủ người. Bởi bản chất gia đình đó đã không còn phần linh hồn và hơi ấm thì việc níu giữ ấy cũng không còn ý nghĩa. Nhưng quan trọng hơn là sau khi ly hôn thái độ của cha mẹ với con cái như thế nào.
Sao cũng được, miễn đừng để con phải trả giá cho sự tan vỡ của bố mẹ
Đừng để bất kì em bé nào trở thành nạn nhân sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của ba mẹ…
Cha mẹ có thể không có tiền để cho con cái quá nhiều, cũng không thể tiếp tục cố gắng để cho con một gia đình trọn vẹn như số đông bạn bè, nhưng nếu tình yêu thương dành cho con không bao giờ ngưng nghỉ thì đứa trẻ vẫn sẽ được sống trong cái gọi là “cuộc ly hôn hạnh phúc”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra như thế: Mẹ kế bạo hành con gái người tình đến chết hay cha dượng xâm hại con riêng và giết hại đứa trẻ… Còn bao nhiêu đứa trẻ khuyết thiếu cha mẹ khác bị bạo hành bằng những tổn thương về thể xác và tinh thần nặng nề như thế? Vì vậy, nhiều người đổ tội cho đó là cái giá phải trả của ly hôn. Nhưng nhìn lại cũng sẽ thấy có bao nhiêu trường hợp cha mẹ ly hôn, nhưng đứa trẻ vẫn sống đủ đầy hạnh phúc, vẫn có đủ tình yêu của cả cha và mẹ để chúng không cảm thấy mình thiệt thòi.
Vậy nên, khi rời khỏi 1 cuộc hôn nhân với “tệp đính kèm”, chúng ta luôn phải thật thận trọng khi yêu ai đó hoặc khi xây dựng mối quan hệ với người mới, vì yêu đương lúc này khác với thời thanh xuân rảnh rang rất nhiều.
Mỗi chúng ta cần phải suy nghĩ sao cho trọn vẹn, sao cho con cái thấy an toàn, bởi đó không chỉ là tình yêu nam nữ thuần túy mà đó còn là sự hy sinh, lòng bao dung lớn lao dành cho con trẻ…
Vụ việc đau lòng của bé V.A. xảy ra những ngày qua vẫn như vết dao cứa vào tim gan những bậc làm cha, làm mẹ. Có xót xa và có cả những giây phút giật mình nhìn lại về bài học hậu chia tay khi rời khỏ 1 cuộc hôn nhân có “tệp đính kèm”…, để trẻ thơ vẫn giữ mãi nụ cười, để chẳng em bé nào phải xót xa tủi hờn, vừa ăn cơm một mình vừa quệt ngang dòng nước mắt…
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
https://afamily.vn/vu-be-gai-8-tuoi-o-tphcm-cai-nhin-tu-mot-cuoc-hon-nhan-bat-hanh-tai-sao-nguoi-phu-nu-du-gioi-giang-hien-lanh-chiu-kho-van-bi-phan-boi-mot-cach-don-dau-20220104174515344.chn Vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM: “Chiếc mặt nạ” trí trá của mẹ kế và bố ruột đã bị lột trần như thế nào?