Mạo danh tu hành, lợi dụng trẻ mồ côi biến Tịnh thất Bồng Lai thành từ khoá tai tiếng nhất
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, việc khởi tố lần này của Cơ quan an ninh điều tra tỉnh Long An nhằm làm rõ những hành vi có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi.
Trước khi bị khởi tố, Tịnh thất Bồng Lai (hay còn gọi là Thiền am bên bờ vũ trụ) nổi lên với hàng loạt tai tiếng, thu hút sự quan tâm chú ý lớn của dư luận.
Không phải cơ sở tôn giáo
Theo An ninh Thế giới, ông Lê Tùng Vân, sinh năm 1932 tại tỉnh An Giang. Năm 1990, ông Vân xin một khu đất ruộng ở xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh để lập ra Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức và tự phong là giám đốc.
Sau khi Trại dưỡng lão cô nhi Thánh Đức bị xóa sổ, ông Vân khăn gói đi đến tất cả các địa phương ở miền Đông, miền Tây Nam bộ tìm “đối tác” để hợp tác và đến năm 2015, khi được bà Cao Thị Cúc ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đồng ý hoán chuyển nhà mình thành nơi nuôi trẻ mồ côi và làm từ thiện, ông Vân đã dọn về đây cư ngụ.
Năm 2015, khi hợp tác với ông Vân thì cả hai cùng bỏ tiền sửa chữa, mở rộng rồi chuyển đổi thành cơ sở nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ với cái tên Tịnh Thất Bồng Lai mà không xin phép cơ quan chức năng.
Sau đó ông Lê Tùng Vân tung các clip và hình ảnh hoạt động lên các trang mạng xã hội để thu hút các nhà hảo tâm trong và ngoài nước đến ủng hộ. Ngoài ra ông Vân còn mạo nhận mình là “Thầy ông nội”, “Thích Tâm Đức”, cho rằng Tịnh Thất Bồng Lai là chùa để liên tục thâu nạp đệ tử, mỗi khi livestream hình ảnh tự mình cạo đầu cho người tu hành…
Cơ sở này đã nhiều lần bị nhắc nhở về những hoạt động trái phép, gây mất an ninh trật tự tại địa phương. Địa điểm này cũng đã lợi dụng danh nghĩa cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, tâm linh nuôi trẻ mồ côi, cơ nhỡ không nơi nương tựa để kêu gọi lòng tốt của mọi người trong và ngoài nước giúp đỡ, trục lợi cá nhân.
Mặc dù trước đó luôn mạo nhận là “Thầy ông nội”, thầy “Thích Tâm Đức” và “Bồng lai” là chùa, nhưng khi đối mặt với cơ quan chức năng, ông Lê Tùng Vân đã nói rằng: “Đây không phải là cơ sở tôn giáo…”.
Sự thật sau những đứa trẻ mang danh mồ côi
Ngày 22/9/2021, Công an tỉnh Long An đã có những kết quả điều tra ban đầu về Tịnh thất Bồng Lai. Theo đó, cơ quan chức năng khẳng định, đây là tụ điểm lợi dụng tôn giáo, danh nghĩa nuôi trẻ mồ côi để trục lợi từ hoạt động từ thiện.
Ông Vân khẳng định rằng mình nhận trẻ em cơ nhỡ về nuôi. Trong khi đó, cơ quan chức năng Long An đủ cơ sở xác định, những người sinh sống trong gia đình bà Cúc phần lớn có quan hệ huyết thống, là con ruột, cháu ruột của ông Lê Tùng Vân chứ không phải trẻ mồ côi, không nơi nương tựa.
Lần kiểm tra vào đầu năm 2020, hộ bà Cúc có 18 người đang cư trú, trong đó có 6 trẻ em đều có mẹ ruột cùng tạm trú nhưng không rõ cha.
Trả lời Đài PT-TH Long An, ông Hồ Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An xác nhận địa phương đã làm giấy khai sinh đối với 3 em bé tại Tịnh thất Bồng Lai, có “mẹ” là một số phụ nữ sống tại đây.
“3 bé gồm Lê Thanh Mẫu Nghi có mẹ là Lê Thanh Kỳ Duyên, Lê Thanh Pháp Vương có mẹ là Lê Thanh Kỳ Duyên và Lê Thanh Minh Triết có mẹ là Lê Thanh Huyền Trang. Các em đều có mẹ sống tại Tịnh thất và không có cha. Còn lại 1 số em đăng ký khai sinh địa phương khác” – ông Hồ Trương Ca phát biểu.
Các em bé sống tại Tịnh thất Bồng lai
Nguyên tắc nuôi dạy trẻ mồ côi tại cơ sở này cũng gây tranh cãi khi mà ông Nhất Nguyên – đại diện Tịnh thất Bồng Lai khẳng định khi người mẹ đồng ý cho con tại Thiền am, họ sẽ phải đảm bảo nguyên tắc không đến thăm con trong vòng 10 năm đầu, không được xưng hô là mẹ hay gọi bé là con.
Đáng chú ý, văn bản cho con của cơ sở này có dòng cam kết: “Nếu vì một lý do bất khả kháng nào đó mà tôi phải đòi bé lại thì tôi phải đền lại cho ông Lê Tùng Vân 10 tỷ đồng”.
Cô gái Diễm My
Vụ việc Diễm My – cô gái từng khiến Tịnh thất Bồng Lai “đại náo” – trở thành chủ đề thu hút nhiều sự chú ý của cộng đồng mạng bởi vào ngày 24/10, bố mẹ cô gái đã có mặt trong buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng và tường thuật lại vụ việc dưới góc độ cá nhân.
Đến nay, cha mẹ của Diễm My vẫn cho rằng, Tịnh thất Bồng Lai đã khiến con gái mình u mê. Họ kêu cứu với cơ quan công an trong thời gian dài. Họ dẫn cả người thân đến tận nơi tìm con, dẫn đến xô xát vào cuối tháng 10/2019, nhưng không có kết quả.
Vụ xô xát sau đó cũng được đưa ra toà. Theo cáo trạng, vào tháng 10/2019, ông Võ Văn Thắng (ngụ TP.HCM) dẫn theo nhiều người xông vào hộ bà Cao Thị Cúc xây dựng ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, để tìm con gái vì cho rằng con mình đang ở đây.
Diễm My và ba mẹ
Trong lúc nhóm ông Thắng tới tìm con gái Diễm My, ông Lê Thanh Nhị Nguyên đã cầm chiếc xe đồ chơi bằng nhựa ném trả làm trúng tay bà Châu Vinh Hóa (ngụ TP.HCM).
Bà Hóa lúc này cầm miếng gạch men vỡ ném trở lại, khiến ông Nguyên bị thương tích với tỉ lệ 13%.
Sau đó, ông Nhị Nguyên đã yêu cầu bồi thường “đau đớn về thể xác 300 triệu đồng, tiền đầu tư cho dự án âm nhạc là 40 triệu đồng, tiền tập luyện thể hình trong vòng 10 năm là 500 triệu đồng, chi phí mổ thẩm mỹ là 100 triệu đồng, tiền không thể biểu diễn nghệ thuật được do mang thẹo cả đời là 1 tỷ đồng” cùng nhiều khoản khác. Số tiền yêu cầu bồi thường lên đến hơn 3 tỷ đồng.
Về cáo buộc giữ Diễm My trái phép, “tu sĩ” Nhất Nguyên đại diện Tịnh thất Bồng Lai cho biết: “Vào năm 2019, sau gần 3 tháng đi nơi khác “tu hành”, Diễm My đã từng gọi điện thoại đến Thiền am để xin sư phụ cho đến đây tiếp tục tu. Cô ấy nói rằng ba con đã đồng ý, ba mẹ biết chỗ ở của con nên sẽ thường xuyên lui tới đây thăm. Diễm My đã nhờ “thầy ông nội” gọi điện xin ba một tiếng.
Sau khi trao đổi qua điện thoại, ông Thắng đồng ý gặp gỡ. Hôm đó, Diễm My đến là 9 giờ sáng ngày 22/10/2019. Khoảng 11 giờ trưa thì ông Thắng đến thăm con, tuy nhiên, ông ấy vẫn muốn mang Diễm My về nhà. Vào khoảng gần tối, My xin đi vệ sinh rồi mở cửa bỏ trốn luôn. Ông Thắng vẫn cứ nghĩ con bé vẫn còn nấp đâu đó trong Thiền am”.
Về đoạn video Diễm My khóc lóc, nhờ “thầy ông nội” giúp đỡ tiền bạc, Nhất Nguyên cho biết thời điểm đó là vào tháng 3/2020. Sau lần đó đến nay, phía Thiền am bên bờ vũ trụ không liên lạc gì với Diễm My, cũng không biết cô ở đâu.
Đấu tố với CEO Nguyễn Phương Hằng
Từ livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, những vấn đề lùm xùm liên quan đến ông Lê Tùng Vân và Tịnh thất Bồng Lai cũng lần lượt được chia sẻ.
Bà Phương Hằng còn nhấn mạnh, nếu Tịnh Thất Bồng Lai không phải là nơi “tu giả”, bà sẽ tặng 41% cổ phiếu Đại Nam cho ông Lê Tùng Vân.
Bên cạnh đó, bà Phương Hằng đã đăng đàn tuyên bố: Cho 20 tỷ tiền mặt dưỡng già nếu ông Lê Tùng Vân chịu xét nghiệm ADN.
Bà nói: “Ông tự tin kêu đến tên tôi thì hãy cùng tôi để chứng minh ông bị oan nghiệt, vùi dập hơn 2 năm nay. Nếu cả đời ông trung thực, tu hành, tôi sẽ bù đắp danh dự, giá trị của ông để công chúng không cần mệt mỏi vì những tin đồn ngược xuôi nữa. Nếu ông sai, ông phải chịu hoàn toàn trước pháp luật. Còn nếu ông đúng, tôi chịu thiệt thòi, tặng ngay ông 20 tỷ để dưỡng già. Đó cũng sẽ là bài học để ai vu khống người khác phải chịu trách nhiệm”.
Sau khi nữ CEO đưa ra “lời mời” thực hiện xét nghiệm để chứng minh mối quan hệ huyết thống, ông Nhất Nguyên, “tu sĩ” tại cơ sở này khẳng định nếu xét nghiệm ADN chỉ để lấy 20 tỷ là “nhục nhã cho cuộc đời tu học”.
Theo ông Hoàn Nguyên, “tu sĩ” tại cơ sở này, việc xét nghiệm ADN vốn là vấn đề “rất riêng tư”, “thuộc về cá nhân của mỗi người nên không ai được quyền xâm phạm”. Vì thế, ông sẽ chỉ thực hiện xét nghiệm này khi pháp luật yêu cầu để phục vụ cho sự việc cụ thể.
Sau những màn thách thức qua lại, bà Nguyễn Phương Hằng đã công bố 14h thứ Năm (4/11) đến thăm Thiền am bên bờ vũ trụ để làm rõ những lùm xùm .
Sau đó, bà Phương Hằng đến Tịnh thất đúng hẹn nhưng sau khi đứng đợi được 20 phút, phía Thiền am bên bờ vũ trụ vẫn trong tình trạng “im lìm” không mở cửa đón tiếp, bà Nguyễn Phương Hằng cùng trợ lý, các vệ sĩ đã quay về.
Xe CEO Nguyễn Phương Hằng tới, đội ngũ nhân viên phải giải tán, dẹp đường.
Bà Nguyễn Phương Hằng không thể xuống xe nên đã đi về.
Về việc không đón tiếp bà Hằng, Hoàn Nguyên cho biết: “Thứ nhất bây giờ đang tình hình dịch bệnh Covid-19. Thứ 2, nếu cô ấy đến đây mà có thiện chí, hỏi thăm sức khoẻ thì Thiền am luôn sẵn sàng. Còn đây, qua những clip cô ấy dùng nhiều từ ngữ đe doạ thì mình cô cũng đủ sợ chứ đừng nói là 50 người. Vì vậy, Thiền am sẽ không mở cửa. Còn ở ngoài, cô Phương Hằng muốn làm gì cũng được, chúng tôi cũng đã báo công an rồi…”.
Cách “tu tập” đầy tranh cãi
Trong suốt thời gian qua, mạng xã hội cũng đã lan truyền những hình ảnh về các “sư thầy” tại cơ sở này tập gym, có phòng thu âm riêng để phục vụ cho việc hát ca. Các “sư thầy” tại cơ sở này tham gia vào các cuộc thi thể hình, ca hát.
Câu chuyện này đã khiến dư luận cho rằng việc tự xưng “tu hành” mà đi tập gym là “lệch lạc, đi ngược lại với giáo lý nhà Phật”. Đồng thời, quan điểm này đã được bảo vệ bởi các dẫn chứng như người xuất phải phải đảm bảo một số giới luật của nhà Phật. Trong đó, việc “huấn luyện” các “chú tiểu” tham gia cuộc thi tài năng, “sư thầy” bước vào các phòng tập thể hình… là điều không chấp nhận được.
Theo “tu sĩ” Nhị Nguyên tại Tịnh thất Bồng Lai, những người tại hộ gia đình này có cách “tu tập” đặc biệt, hướng đến những điều “tốt đẹp” trên cuộc đời.
Trao đổi với PV, ông Nhị Nguyên cho biết: “Từ bé, những trẻ mồ côi trong Tịnh thất Bồng Lai đã được thầy Lê Tùng Vân cho học các môn phù hợp với năng khiếu bản thân. Các thầy nam theo con đường võ thuật, tập gym để rèn luyện thân thể. Mình tu tập là để hướng đến những cái tốt, cái đẹp, cái hay trong cuộc sống”.
Các “sư thầy” tại Tịnh thất Bồng Lai đều tập luyện thể hình
Theo ông Nguyên, các “tu sĩ” tại đây đã được ông Lê Tùng Vân cho phát triển năng khiếu về ca hát, vẽ, văn thơ, thể hình…
Ông Nguyên còn cho biết, việc “tu tập” là để hướng đến những cái tốt, cái đẹp, cái hay trong cuộc sống.
“Tập gym ngoài rèn luyện thân thể, nó còn cho chúng tôi được tính kiên trì, nhẫn nại. Đây là một bộ môn rất khó tập, đòi hỏi phải có sự kiên trì để theo đuổi. Vào tập cầm cục tạ nặng quá thì chúng ta sẽ rất dễ nản. Có được một thân thể đẹp đâu phải là chuyện 1,2 ngày mà từ năm này qua tháng nọ. Chúng tôi nghĩ tu tập là phải làm sao cho mình tiến bộ lên, chứ không phải tu rồi là không biết gì hết”, ông Nguyên nói.
“Người ta nói rằng tu không được hát ca, tập thể hình. Tôi thấy quan điểm đó giống như “đi tu là mờ mịt”, là đen tối, là không còn học hỏi, rèn luyện được gì cho tâm hồn mình nữa. Đối với tôi, họ không biết tu là gì”, ông Nguyên kết luận.
Tổng hợp
https://soha.vn/mao-danh-tu-hanh-loi-dung-tre-mo-coi-bien-tinh-that-bong-lai-thanh-tu-khoa-tai-tieng-nhat-20220104185041138.htm