Vụ Đinh Công Đạt biến mất sau khi gọi vốn 200 tỷ đồng cho S.Tix Coffee: "Bong bóng" vỡ là do Covid-19 và nhà đầu tư thiếu hiểu biết!?
Hàng trăm nhà đầu tư vào S.Tix Coffee đang than khóc khắp nơi bởi dự án mà họ bỏ nhiều tiền vào để đầu tư đang dần biến mất khỏi thị trường. Kinh khủng hơn là họ không thể liên lạc được với founder kiêm CEO Đinh Công Đạt cũng như Ban giám đốc của chuỗi cà phê này.
Và mặc dù, trước khi biến mất, Đinh Công Đạt và S.Tix Coffee đã gửi email tới các nhà đầu tư, hứa sẽ trả tiền gốc trong 3 năm tới, song từng đó vẫn chưa đủ để làm họ yên lòng. Vậy nên, đã có khoảng vài chục nhà đầu tư cùng nhau gửi đơn tố cáo lên Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP.HCM). Có lẽ, tội danh mà họ tố cáo là “lừa đảo”.
MÔ HÌNH ĐẦU TƯ BÀI BẢN
Mặc dù, bản chất vụ việc Đinh Công Đạt – S.Tix Coffee khác Huy Nhật – Món Huế, nhưng nếu xét kỹ thì cả hai có vài khía cạnh giống nhau: cả S.Tix Coffee và Món Huế đều xây dựng mô hình bài bản, chiếm được lòng tin của nhà đầu tư – nhà cung cấp và họ không mảy may biết được mình sẽ bị mất tiền cho đến khi founder biến mất. Thậm chí, S.Tix Coffee còn rất đắt khách!
Trước khi đóng cửa hàng loạt, S.Tix Coffee đã có một hệ thống gồm 6 cửa hàng to đẹp (5 TP.HCM và 1 Hà Nội) và vài chục xe đẩy take-away tỏa khắp TP.HCM. Tức nếu xét quy mô, họ có thể được xếp vào chuỗi F&B bậc trung tại thị trường miền Nam chứ không hề nhỏ.
Hơn nữa, họ làm thương hiệu cũng hết sức bài bản, website đầy đủ thông tin – minh bạch với câu chuyện thương hiệu ý nghĩa, fanpage cũng rất có gu và hiện đại. Founder kiêm CEO Đinh Công Đạt còn nhiều lần xuất hiện trên TV và truyền thông. Thậm chí, anh này còn nhờ cậy người thân là 1 MC nổi tiếng – với danh tiếng rất tốt, truyền thông thương hiệu giúp mình.
Đặc biệt nữa, các cửa hàng của S.Tix Coffee luôn đông khách. Sau khi vụ việc vỡ lở, vẫn có không ít người khen S.Tix Coffee: thiết kế quán đẹp, dịch vụ ổn và thức uống ổn. Tức là, nếu nhìn vào biểu hiện của S.Tix Coffee ở tất cả khía cạnh, thì không mảy may thấy được “đây là mô hình kinh doanh có vấn đề”. Chắc hẳn không ít nhà đầu tư đã bị thuyết phục sau khi thấy lượng khách ra vào nườm nượp ở vài quán S.Tix Coffee.
Và theo những gì mà nhà đầu tư cùng nhân viên cũ của S.Tix Coffee chia sẻ, trước năm 2021, mọi chuyện vẫn khá ổn.
Cách làm thương hiệu của S.Tix Coffee rất ổn
Sau khi biết lãnh đạo của mình báo cho các nhà đầu tư ở cùng 1 địa điểm doanh số hàng tháng khác nhau từ giữa năm 2020, anh Hoàng – một nhân viên sales cũ của S.Tix cảm thấy “bất an” nên nghỉ việc chỉ sau 2 tháng vào công ty.
“Chúng tôi chỉ đưa hợp đồng về công ty, việc phân chia điểm bán cho nhà đầu tư là của bộ phận văn phòng. May mà tôi dặn khách báo tôi địa chỉ các điểm bán để tiện khảo sát tình hình kinh doanh nên mới biết trùng.
Nhưng đa số khách hàng đều là người quen, tôi xấu hổ nên không dám nói gì với họ. May mắn tất cả đều đã nhận đủ gốc lẫn lãi sau một năm“, anh Hoàng chia sẻ với Zing.
Ngoài ra, những nhà đầu tư bị giam vốn đang đi kiện và xuất hiện trong bài viết của Zing đều là những người góp vốn trong 2 năm 2020 và 2021 – chủ yếu là 2021. Nhà đầu tư Phạm Văn Tài (Cà Mau) góp 600 triệu đồng vào S.Tix Coffee vẫn nhận đủ 10 triệu đồng cho đến tháng 7/2021 thì chuỗi này ngừng chi trả. Cột mốc này trùng với thời điểm TP.HCM lock-down, tức S.Tix Coffee phải ngừng hoạt động toàn chuỗi, cả quán lớn lẫn take-away.
Với Đinh Công Đạt – S.Tix Coffee, Covid-19 vừa tốt và vừa xấu. Tốt là họ dễ dàng dụ thêm các nhà đầu tư mới muốn có thêm nguồn thu nhập thụ động khác, do đang gặp khó khăn trong công việc hoặc công việc kinh doanh riêng tạm đình trệ.
Xấu là chuỗi S.Tix Coffee không thể tiếp tục hoạt động kinh doanh kiếm thêm tiền để trả lãi – gốc, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư. Nếu không có vài tháng cao trào vừa qua, chưa chắc vụ S.Tix Coffee đã vỡ lở trong thời gian này và không biết “bong bóng” này sẽ phồng tới mức nào.
LÃI SUẤT HẤP DẪN
Huy động vốn cộng đồng không phải là điều gì đó quá mới mẻ trong giới startup và F&B. Tuy nhiên, có vẻ cả Đinh Công Đạt và các nhà đầu tư của S.Tix Coffee “hiểu lầm” về mức lãi suất khủng mà người ta nói khi thực hiện huy động vốn kiểu này.
Tầm đầu năm 2021, anh Ngô Tuấn Nghĩa – founder của Lão Concepts Holding có xuất hiện ở 1 sự kiện để chia sẻ về cách thức gọi vốn cộng đồng cho chuỗi nhà hàng của mình.
Ngô Tuấn Nghĩa (Nghĩa Ngô) – founder của Lão Concepts Holding
Theo tiết lộ từ chính Ngô Tuấn Nghĩa (Nghĩa Ngô) – founder của Lão Concepts Holding lúc đó, thì doanh nghiệp của anh vừa thành công gọi vốn cộng đồng. Cụ thể: chỉ trong vòng 3 tuần, Lão Concepts Holding đã huy động được 50% số vốn cần thiết cho hoạt động 1 năm của cả hệ thống, nhanh hơn rất nhiều so với gọi vốn từ quỹ đầu tư.
Lợi ích có thể nhìn thấy trước tiên ở hình thức huy động vốn này: những nhà đầu tư với mối quan hệ rộng sẽ là khách hàng thường xuyên của Lão Trư BBQ hay Lão Ngưu. Giả sử doanh nghiệp này có khoảng hơn 10 nhà đầu tư đến từ cộng đồng, chắc chắn họ sẽ có một lượng khách hàng thường xuyên đáng kể từ chính nhà đầu tư, bạn bè và gia đình của họ.
Lão Concepts Holding hiện đang sử dụng mô hình huy động vốn M.O.V.E, gồm Money (tiền), Opportunity (cơ hội), Voucher (cổ tức bằng voucher tiền mặt) và Exchange (quyền chọn quy đổi cổ phiếu hoặc hoàn vốn) để thu hút và giữ được tính minh bạch với các nhà đầu tư cộng đồng. Mỗi suất đầu tư trị giá 100 triệu đồng, mỗi nhà đầu tư được đầu tư tối đa 3 suất/mỗi nhà hàng và lũy tiến theo cơ chế đầu tư dưới đây.
Tiền: cổ tức ưu đãi “được cam kết” chi trả bằng tiền mặt dành cho nhà đầu tư lên đến 24%/năm; cơ hội: cơ hội đồng sở hữu thương hiệu và hệ thống chuỗi nhà hàng cùng Lão Concepts Holding; voucher: cổ tức bằng voucher tiền mặt được chi trả 2% mỗi tháng, sử dụng trong toàn bộ hệ thống nhà hàng tương đương 24%/năm; exchange: sau thời hạn hợp đồng 2 năm, cổ đông có quyền chọn quy đổi thành cổ phiếu phổ thông hoặc được hoàn lại số tiền đã đầu tư.
“Để xây dựng doanh nghiệp bền vững, hãy tạo ra cơ chế giúp biến khách hàng trở thành nhà đầu tư và ngược lại“, anh Ngô Tuấn Nghĩa nêu lý do chọn cách huy động vốn từ cộng đồng thay vì từ Quỹ đầu tư hoặc Nhà đầu tư thiên thần. Lão Concepts Holding chịu trả lãi cao vì đây là hình thức “vay nóng” và làm thương hiệu – marketing cũng như thu hút thêm lượng lớn khách hàng.
Với những trải nghiệm có được sau quá trình gọi vốn cộng đồng vừa qua, Ngô Tuấn Nghĩa cho rằng, gọi vốn cộng đồng trong mảng F&B không khó nhưng nó không dành cho các startup chỉ mới ở dạng ý tưởng, mà phải là mô hình đã được chứng minh hiệu quả – cụ thể tỷ suất lợi nhuận phải trên 6%, mô hình kinh doanh dễ quản lý cũng như tăng quy mô (scale-up).
Gọi vốn cộng đồng thường có 3 loại hình đầu tư cổ phần cơ bản để các startup và các nhà đầu tư có thể chọn lựa
Bên cạnh đó, theo anh Ngô Tuấn Nghĩa, phương án này có 3 loại hình đầu tư cổ phần cơ bản để các startup và các nhà đầu tư có thể chọn lựa.
Loại đầu tiên là cổ phần phổ thông với cổ tức theo lợi nhuận (nếu có), nhà đầu tư có quyền biểu quyết và được mua cổ phần ưu tiên, song khi công ty giải thể thì không ưu tiên được giải quyết hệ quả.
Thứ hai là cổ phần có cổ tức cố định theo ưu đãi cam kết, nhưng nhà đầu tư không có quyền biểu quyết và không ưu tiên mua thêm cổ phần sau này, khi công ty giải thể sẽ được ưu tiên nhận tiền trước.
Cuối cùng là loại cổ phần ưu đãi biểu quyết: cổ tức theo lợi nhuận (nếu có), nhà đầu tư có quyền biểu quyết quan trọng, được ưu tiên mua cổ phần, nhưng khi công ty giải thể thì không được ưu tiên nhận tiền trước.
Tức là, nếu như S.Tix Coffee và các nhà đầu tư của họ cũng có những thỏa thuận như trên, nếu chọn nhận lãi suất cao thì sẽ không được ưu tiên giải quyết hệ quả hoặc nhận tiền trước khi chuỗi này giải thể. Theo đó, các nhà đầu tư của S.Tix Coffee đi kiện chưa chắc đã thắng, vì rõ Đinh Công Đạt có hứa trả nợ trong 3 năm.
Một quảng cáo kêu gọi đầu tư từ S.Tix Coffee
“Để huy động vốn từ cộng đồng đúng cách, chúng ta cần đặc biệt lưu ý đến các vấn đề pháp lý. Minh bạch – rõ ràng trong các khoản đầu tư khi huy động vốn chính là ưu tiên hàng đầu và phải nghiên cứu kỹ các loại hợp đồng với mỗi cơ chế huy động vốn khác nhau. Nên chỉ huy động đủ số vốn cần thiết để đầu tư và sử dụng vốn đúng mục đích đã huy động“, founder Lão Concepts Holding đề nghị.
Tuy nhiên, cũng theo anh, như tất cả những hình thức huy động vốn khác, gọi vốn cộng đồng cũng có những hạn chế nhất định. Ví dụ: mô hình bị giới hạn bởi số lượng cổ đông góp vốn và vốn điều lệ tối đa; trong quá khứ, đã có nhiều mô hình biến tướng đa cấp, hoặc lừa đảo nên founder sẽ gặp khó khăn trong việc tạo được niềm tin cho nhà đầu tư.
Tuy anh Nghĩa không tiết lộ cụ thể là doanh nghiệp của anh huy động vốn cộng đồng qua nền tảng hay liên lạc với từng cá nhân đơn lẻ; tuy nhiên, nếu nhìn vào giá trị suất đầu tư mà Nhà sáng lập này tiết lộ – nhiều khả năng là anh huy động qua nhà đầu tư cá nhân lớn nằm trong mạng lưới quan hệ của mình. Tức những người biết rất rõ bản thân Ngô Tuấn Nghĩa cũng như tình hình hoạt động kinh doanh của các thương hiệu như Lão Trư BBQ hay Lão Ngưu.
THIẾU THÔNG TIN TOÀN CẢNH VỀ QUÁ TRÌNH HUY ĐỘNG VỐN
CEO Đinh Công Đạt của S.Tix Coffee
Vì là những nhà đầu tư tay mơ và không am hiểu thị trường F&B, nên rất nhiều nhà đầu tư của S.Tix Coffee xuống tiền sau khi tìm hiểu mô hình kinh doanh này trên mạng và nhìn vào lượng khách lớn ra vào vài quán.
Đầu tiên, kể từ khi Covid-19 xuất hiện, F&B là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong khoảng 2 năm gần đây, không ít tay chơi lớn nhỏ đã rời bỏ thị trường này, những thương hiệu lớn như Golden Gate hay The Coffee House cũng đang “xất bất xang bang”. Vậy nhưng, vẫn có những nhà đầu tư tin vào lời hứa từ S.Tix Coffee rằng “mảng bán mang đi/take-away vẫn tốt”.
Thứ hai, hầu hết nhà đầu tư hiện tại của S.Tix Coffee không có thông tin chung về quá trình huy động vốn cộng đồng từ chuỗi này. Ví dụ: Họ bắt đầu huy động vốn cộng đồng từ bao giờ và diễn ra trong bao lâu, kế hoạch phát triển cụ thể trong 2 đến 3 năm, cần tổng cộng bao nhiêu tiền và để làm gì, có bao nhiêu suất đầu tư và đã có bao nhiêu người tham gia, quá trình trả lãi và gốc của những người trước…
Vậy nên, mới có chuyện S.Tix Coffee có thể bán 1 suất đầu tư cho nhiều nhà đầu tư cũng như đưa cho mỗi người một kết quả kinh doanh khác nhau mà một thời gian dài không ai biết.
Hành trình tham gia đầu tư của các nhà đầu tư nghiệp dư vào S.Tix Coffee sẽ thế này: sau khi được các nhân viên sale của chuỗi này chào mua các gói đầu tư, họ sẽ lên mạng tìm hiểu thông tin, tới cửa hàng uống thử sản phẩm và quan sát lượng khách ra vào; rồi quyết định đầu tư gói nhỏ nhất vài chục triệu.
Họ sẽ được thông báo tiền đó đầu tư vào xe đẩy hoặc cửa hàng lớn nào, rồi mỗi tháng lời lỗ bao nhiêu – trông có vẻ hết sức minh bạch. Tiếp theo, do thấy S.Tix Coffee trả đủ cả gốc lẫn lãi trong vài lần hợp tác đầu tiên, nên các nhà đầu tư cảm thấy đáng tin và tiếp tục tăng số tiền đầu tư – từ vài chục lên vài trăm triệu. Và bi kịch bắt đầu từ đó!
Có thể thấy, đầu tư theo hình thức cộng đồng (crowdfunding) qua các nền tảng trực tuyến chuyên dành cho hoạt động này hay từ mạng lưới riêng của founder với mức lãi suất khủng trên 20%, đều có mức độ rủi ro khá lớn và không dành cho những nhà đầu tư nghiệp dư.